Dịch thuật: Nguồn gốc tập quán vấn khăn trắng trên đầu vùng Tứ Xuyên

NGUỒN GỐC TẬP QUÁN VẤN KHĂN TRẮNG TRÊN ĐẦU
 VÙNG TỨ XUYÊN

          Trước đây, người dân vùng nông thôn Tứ Xuyên 四川 không thích đội mũ, trên đầu họ luôn vấn khăn trắng. Bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ, xuân hạ thu đông bốn mùa quanh năm đều như thế. Theo truyền thuyết, tập quán này bắt nguồn từ việc để tang cho Chư Cát Lượng 诸葛亮 (1) lưu truyền lại.
          Chư Cát Lượng hết lòng vì nước, yêu mến bách tính, luôn mang lại cho họ những điều tốt đẹp. Nhân đó, khi Chư Cát Lượng bắc phạt trung nguyên, vì quá sức nên đã ngã bệnh. Tin Chư Cát Lượng qua đời trong quân truyền đến Thành Đô 成都, nhân dân vùng Tứ Xuyên không ai là không bi thương, nhà nhà đều để tang ông như để tang cho cha mẹ.
          Lúc bấy giờ, mọi người tự động để tang, không có thời gian quy định thống nhất, cũng không biết để tang bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào.
          Ngày đầu tiên nhận tin dữ bắt đầu để tang, có người đội khăn trước, có người đội khăn sau, người trước người sau cùng tranh nhau để tang, và cũng không ai chịu lấy xuống trước, bởi mọi người đều yêu quý và tỏ lòng hoài niệm Chư Cát Lượng. Nhưng khi ra đồng làm việc, đội khăn trên đầu bất tiện, có người đã nghĩ ra một cách, khi làm việc đem khăn trắng vấn trên đầu, những người khác trông thấy cách này rất tiện nên cũng bắt chước vấn theo. Như vậy, mọi người hàng ngày làm việc, khăn trắng hàng ngày cũng được vấn trên đầu. Lâu dần trở thành tập quán.
          Về sau, mọi người cảm thấy vấn khăn trắng trên đầu không chỉ biểu thị lòng hoài niệm Chư Cát Lượng, mà còn có công dụng thực tế. Mùa hạ ngăn nắng, mùa đông giữ ấm, có tác dụng như chiếc mũ. Và như vậy khăn trắng luôn ở trên đầu, tập quán này được  truyền lại từ đời này sang đời khác.

Chú của người dịch
 1- Về tên của Chư Cát Lượng
          Với chữ
          - Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư”. (trang 630)
          - Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng chỉ có âm “Chư”. Và ở nét nghĩa số 11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
          - Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các âm đọc như sau:
          * Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚.
Tập vận 集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư” 專於, đọc như chữ nhưng bình thanh. Âm đọc này có nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép.
          Hựu phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
          又複姓. “漢書有諸葛豐. “三國志有諸葛亮.
          (Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
         * Quảng vận 廣韻  phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập vận 集韻  phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là (già), cũng là một họ.
          * Tự vựng 字彙 phiên thiết là “thường như” 常如, “chiêm thư” 詹諸 tức con ễnh ương.
          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
          Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là Gia Cát Lượng.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 14/6/2015

Previous Post Next Post