Dịch thuật: Kiếm Thuần Quân

KIẾM THUẦN QUÂN

          Vào thời Xuân Thu, một buổi trưa trời trong gió mát, trải qua mấy năm nằm gai nếm mật cuối cùng đánh bại được nước Ngô, Câu Tiễn 勾践 thức dậy sau một giấc ngủ say, tâm tình vô cùng sảng khoái.
          Sau khi uống một bình trà Long Tỉnh 龙井, Câu Tiễn hứng chí sai thủ hạ đi tìm một người. Người đó chính là Tiết Chúc 薛烛.
          Tiết Chúc người nước Tần, lúc bấy giờ đang đi chơi nơi nước Việt. Tiết Chúc tuy tuổi còn nhỏ, nhưng danh tiếng đã vang các nước, được mọi người khen là “Thiên hạ đệ nhất tướng kiếm đại sư” 天下第一相剑大师.
          Chẳng mấy chốc, Tiết Chúc với mi thanh mục tú, dáng vẻ nho nhã đã đến. Sau khi chủ khách hàn huyên, liền dẫn tuỳ tùng đến một đài lộ thiên rộng rãi bên ngoài nhà. Việt Vương Câu Tiễn rất yêu thích đao kiếm, đài lộ thiên này cao đến mấy trượng tràn đầy ánh sáng, chuyên dùng để thưởng ngoạn đao kiếm.
          Sau khi vào chỗ ngồi, Câu Tiễn đảo mắt nhìn Tiết Chúc, bụng nghĩ chàng thanh niên này tuy trẻ tuổi nhưng đã duyệt qua vô số kiếm, những loại kiếm thông thường nhất định không lọt vào mắt của anh ta, vì thế liền sai thủ hạ đem đến hai thanh bảo kiếm mà mình đắc ý: Hào Tào 毫曹 và Cự Khuyết 巨阙.
          Nào ngờ, Tiết Chúc xem qua loa một lượt rồi nói:
          Hai thanh kiếm này đều có khuyết điểm. Hào Tào ánh sáng phát tán và nhạt, Cự Khuyết chất thô, không thể coi là bảo kiếm.
          Nói xong, Tiết Chúc vươn vai uể oải ngáp trong làn nắng ấm. Câu Tiễn hơi bất ngờ, cảm thấy mất mặt, liền khom người sát vào tai thị tùng dặn dò mấy câu. Một lúc sau, thị tùng dẫn mấy trăm võ sĩ thiết giáp, hộ tống một thanh bảo kiếm đến dưới đài.
          Tiết Chúc cảm thấy buồn cười, hỏi:
          Đại vương hưng sư động chúng như thế, đem kiếm gì đến vậy?
          Đối với thái độ của Tiết Chúc, Câu Tiễn không vui buông ra hai chữ: “Thuần Quân” 纯钧.
          Chỉ nghe một tiếng “ầm”, Tiết Chúc từ chỗ ngồi ngã nhào, cây thoa ghim trên tóc rớt xuống đất, làm đầu tóc xoả tung, sắc mặt đột nhiên ngưng đọng, đờ đẫn, mãi một lúc sau mới tỉnh lại.
          Chỉ thấy đầu ngón chân của Tiết Chúc chạm đất, nhún một cái nhảy xuống đài chạy đến bên thanh kiếm khom mình, sau đó nghiêm túc chỉnh lí lại y phục, tiếp thanh kiếm từ tay thị tùng, cung kính gõ mấy cái. Sau khi nhấc nhấc vài cái để ước định trọng lượng, Tiết Chúc mới rút kiếm ra khỏi vỏ.
          Chỉ thấy một luồng ánh sáng phát ra, giống như hoa phù dung nhô lên mặt nước, ung dung mà mát lạnh, điêu khắc trang sức trên chuôi kiếm như tinh tú vận hành, lấp lánh ánh sáng, ánh sáng trên thân kiếm trọn vẹn một khối, như dòng nước trong từ từ chảy qua ao, thung dung và thư thái, mũi kiếm như vách núi dựng đứng ngàn trượng, cao nguy nga.
          Qua một lúc lâu, Tiết Chúc mới run run hỏi:
          Đây chính là kiếm Thuần Quân sao?
          Câu Tiễn gật đầu, nói “đúng”, tiếp đó nói một cách đắc ý rằng:
          Có người muốn dùng cả ngàn con tuấn mã, 3 làng trù phú, 2 toà thành lớn để đổi lấy thanh bảo kiếm này, ông xem thử có được không?
          Tiết Chúc vội nói:
          Không thể đổi.
          Câu Tiễn chau mày, liền hỏi:
          Tại sao? Ông nói thử.
          Tiết Chúc kích động nói lớn:
          Bởi thanh bảo kiếm này là do trời cùng người chế tạo ra, không có thanh thứ hai đâu. Để đúc được thanh kiếm này, núi Xích Cẩn 赤堇 cả ngàn năm mới nứt ra để có thiếc; sông Nhược Da 若耶 cả vạn năm mới khô để có đồng. Khi đúc, thần sấm quai búa, dì gió rưới nước, giao long thổi lò, thiên đế bưng than. Đại sư đúc kiếm là Âu Dã Tử 欧冶子 vâng theo thiên mệnh, dốc hết tâm huyết cùng chư thần đúc mất 10 năm mới thành. Sau khi kiếm thành, chư thần về lại trời, núi Xích Cẩn khép lại như xưa, sông Nhược Da sóng dâng như trước, Âu Dương Tử cũng kiệt sức mà chết, thanh kiếm này thành tuyệt xướng, chỉ với số lượng tuấn mã, thành trì nhỏ nhoi như thế làm sao mà xứng?
          Câu Tiễn hài lòng liên tiếp gật đầu và nói:
          Nói hay lắm, nếu đã là bảo vật vô giá thì ta vĩnh viễn lưu giữ vậy.
          Câu chuyện này được thấy trong Việt tuyệt thư 越绝书.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 22/6/2015

Nguồn
Previous Post Next Post