Dịch thuật: Nhạc Phi (kì 4: tiếp theo và hết)

NHẠC PHI
(kì 4: tiếp theo và hết)

          Quân Tống không ngừng công kích, quân Kim nguyên khí bị tổn thương. Kim Ngột Truật 金兀术muốn hiệu triệu quân các lộ nghinh chiến một lần nữa, nhưng không một quân một tốt nào nghe lệnh. Lúc bấy giờ cả vùng trung nguyên các lộ nghĩa quân tấp nập hưởng ứng quân Tống, treo cờ chữ “Nhạc”, bách tính uý lạo nghĩa quân. Khi Nhạc Phi liên lạc với lực lượng kháng Kim chuẩn bị thu phục Yên Vân 燕云, sứ giả Nam Tống phi ngựa đến, lệnh cho Nhạc Phi rút quân. Nhạc Phi căm phẫn nói rằng:
          Yên Vân như đồ trong túi, sao lại cầu hoà với người Kim, bức ta phải rút quân.
          Sứ giả không nói gì, im lặng bỏ đi. Nhạc Phi dâng sớ về triều đình, xin triều đình không nên nghị hoà. Cao Tông sợ chúng tướng và nghĩa quân các lộ nhân chiến tranh khuếch trương thực lực, uy hiếp chính quyền Nam Tống. Cao Tông điều quân của Hàn Thế Trung 韩世忠, Trương Tuấn 张俊, Dương Nghi 杨沂về, khiến Nhạc Phi rơi vào tuyệt cảnh bị cô lập. Nhạc Phi vẫn không chịu lui quân, trong một ngày mà Cao Tông liên tiếp ban ra 12 đạo kim bài giục Nhạc Phi lui quân.
          Không lui quân sẽ bị xem là tạo phản, trong tình huống này, Nhạc Phi không ngăn nỗi bi phẫn tột cùng. Nhạc Phi nghĩ không thông tại sao Cao Tông lại không yêu giang sơn xã tắc, tuyệt tình với Huy Tông và Khâm Tông? Bách tính coi như đã xong, quốc gia coi như đã hết.
          Nỗi bi phẫn trùm lên Nhạc gia quân, chúng tướng như Nhạc Vân 岳云, Ngưu Cao 牛皋, Trương Hiến 张宪 khuyên Nhạc Phi tạo phản, Nhạc Phi thét lui. Nhạc Phi hạ lệnh lui quân, bách tính nghe tin vội đến chặn đường, quỳ trước đầu
ngựa của Nhạc Phi, khóc rằng:
          Nhạc nguyên soái, ngài đi lần này chúng tôi lại bị trả thù rồi.
          Nhạc Phi lấy kim bài ra, nói:
          Kim bài của hoàng thượng ở đây, nào để cho ta làm chủ!
          Bách tính trung nguyên than khóc:
          Lẽ nào hoàng thượng không cần chúng tôi sao? Chúng tôi mong vương sư thu phục trung nguyên, thế mà rốt cuộc rơi vào tình cảnh này!
          Nhạc Phi bảo rằng:
          Sự việc đã đến nước này, các vị chớ ai oán, những ai muốn theo ta đi về phương nam thì mau về nhà thu xếp hành trang, ta đợi mọi người 5 ngày.
          Năm ngày sau, dưới sự hộ tống của Nhạc gia quân, bách tính trung nguyên đỡ già dắt trẻ đi về phương nam. Quân Kim sợ Nhạc gia quân nên không dám đuổi theo.
          Cao Tông không muốn thu phục sơn hà, nếu không, sẽ phải đón Huy Tông và Khâm Tông trở về. Một nước không thể có hai chủ, huống hồ “nhất quốc tam công”. Cao Tông chỉ muốn làm một vị hoàng đế yên phận, vì thế muốn nghị hoà với người Kim mà không hề đắn đo.
          Nhạc Phi không rõ lòng dạ của Cao Tông, thường dâng thư yêu cầu thu phục sơn hà.
          Năm Thiệu Hưng thứ 9, Tống Kim nghị hoà, Nhạc Phi dâng thư lên Cao Tông kiên quyết phản đối, lại còn không ngừng xin Cao Tông cho đánh. Cao Tông luôn kiếm cớ gây khó Nhạc Phi. Nhạc Phi bi phẫn, nhiều lần xin từ chức càng khiến Cao Tông thâm thù Nhạc Phi.
          Nếu để Nhạc Phi thu phục sơn hà, công của Nhạc Phi há không chấn động, trở thành đại hoạn tâm phúc sao? Tần Cối 秦桧 là đại nhân vật phái chủ hoà, bị quân Kim làm cho sợ hãi. Nhạc Phi là người kiên quyết kháng chiến, công khai phản đối nghị hoà, nhiều lần đắc tội với Tần Cối.
          Tần Cối cho rằng, chỉ cần Nhạc Phi còn sống, đối với mình sẽ là sự uy hiếp. Nước Kim nhân cơ hội này muốn điều khiển Tần Cối giết chết Nhạc Phi, hai nước mới có thể nghị hoà. Nước Kim viết thư cho Tần Cối, nói rằng:
          Tống muốn cùng nước ta nghị hoà, nhưng Nhạc Phi lại không ngừng tấn công Hà Bắc, lại liên tiếp giết chết tướng của ta. Ông cần phải giết Nhạc Phi, ta mới đáp ứng nghị hoà.
          Thế lực của Nhạc Phi quá lớn không dễ gì giết được Nhạc Phi.Tần Cối quyết định trước tiên cô lập Nhạc Phi. Lúc bấy giờ, đại tướng Nam Tống nắm giữ trọng binh có 3 vị, tức Nhạc Phi, Hàn Thế Trung và Trương Tuấn. Hàn Thế Trung là danh tướng phái kháng Kim. Tần Cối quyết định trước tiên đuổi Hàn Thế Trung. Năm Thiệu Hưng thứ 11 (năm 1143), Cao Tông lệnh cho Nhạc Phi và Trương Tuấn đến trong quân của Hàn Thế Trung để “thị sát”, tìm cơ hội giải tán Hàn gia quân.
          Khi thị sát, Nhạc Phi thấy Hàn gia quân quân kỉ nghiêm minh, sinh lòng kính phục. Nhạc Phi cho rằng một khi giải tán Hàn gia quân, phái kháng Kim sẽ mất đi một lực lượng hùng mạnh, há không làm hỏng đại sự thu phục sơn hà.
          Trương Tuấn phụng ý chỉ của Cao Tông, gượng giải tán Hàn gia quân, đồng thời dùng tội danh mưu phản bắt Hàn Thế Trung. Nhạc Phi chạy đến cứu Hàn Thế Trung, Hàn Thế Trung thoát được mưu hại. Cao Tông cả giận, bãi miễn chức vụ của Nhạc Phi. Nhạc Phi đến Lư Sơn 庐山, ở ẩn trong rừng sâu. Nhạc Phi trở thành tri kỉ với hoà thượng Tuệ Hải 慧海 của chùa Đông Lâm 东林. Trung nguyên chưa được thu phục, tráng chí khó thành, Nhạc Phi muôn phần cảm khái.
          Để đối phó với Nhạc Phi, Tần Cối lôi kéo Tể tướng tiền nhiệm là Trương Tuấn 张浚. Tần Cối vừa uy hiếp vừa dùng lợi để dụ bộ hạ cũ của Nhạc Phi, bắt họ mưu hại Nhạc Phi. Tướng uý Vương Tuấn 王俊  thường bị cựu tướng của Nhạc Phi là Trương Hiến áp chế, trong lòng bất mãn. Vương Tuấn đem tờ trạng mà Trương Tuấn viết thay, đầu tố lên khu mật viện, vu cáo Trương Hiến tại Tương Dương có ý đồ mưu phản.
          Trương Tuấn tự truyền tin cho Trương Hiến, sẽ dùng đại hình, Trương Hiến thà chết chứ không hãm hại Nhạc Phi. Trương Tuấn nguỵ tạo “khẩu cung Trương Hiến” đưa cho Tần Cối. Tần Cốí sai người đi bắt Nhạc Phi về quy án, tống vào Đại lí tự để thẩm tra. Trong lúc kích phẫn, Nhạc Phi đã lộ lưng cho Trung thừa Hà Chú 何铸 và Đại lí tự Khanh Chu Tam Uý 周三畏 nhìn thấy.
          Hai người nhìn thấy 4 chữ “tinh trung báo quốc” trên lưng Nhạc Phi, vết xăm ăn sâu vào da thịt. Hà Chú lương tâm trổi dậy, liền đến chỗ Tần Cối kêu oan cho Nhạc Phi. Chu Tam Uý thì từ quan về ở ẩn.
          Không còn biết làm cách nào, Tần Cối sai Vạn Sĩ Tiết 万俟禼 người mà đối với Nhạc Phi nuôi hận trong lòng xử án này. Nhạc Phi chịu nhiều khốc hình, nhưng kiên quyết không nhận tội. Vạn Sĩ Cao nguỵ tạo cung từ Nhạc Phi, vu Nhạc Phi có mưu đồ. Đa số triều thần không dám can gián, một số ít đứng ra dâng lời bị bức hại, thậm chí bị xử chết.
          Hàn Thế Trung trước mặt Tần Cối chất vấn, Nhạc Phi Nhạc Phi rốt cuộc phạm vào tội gì? Tần Cối cười nói rằng:
          Không tra được chứng cứ, e là  “mạc tu hữu” 莫须有 (không cần phải có).
          Hàn Thế Trung hét lớn:
          Mạc tu hữu! lấy gì để thiên hạ phục.
          Chẳng bao lâu Hàn Thế Trung từ quan về ở ẩn, vân du khắp nơi.
          “Cung từ” đưa Cao Tông thẩm phê, Triệu Cấu 赵构 (Cao Tông) ngay cả nhìn cũng chẳng thèm nhìn, vội phê rằng:
          “Ban chết Nhạc Phi. Trương Hiến, Nhạc Vân xử trí theo quân pháp.
          Thế là Nhạc Phi đã uống rượu độc của Cao Tông, chết tại đình Phong Ba 风波 của Đại lí tự ở Lâm An, hưởng niên chỉ mới 39 tuổi. Trước phút lâm chung, Nhạc Phi cầm bút viết trên tờ “cung trạng” 8 chữ lớn:
Thiên nhật chiêu chiêu, thiên nhật chiêu chiêu
天日昭昭, 天日昭昭
(Trời cao soi sáng, trời cao soi sáng)
          Nhạc Phi sau khi mất đã được người đời sau đời đời kính ngưỡng.
                                                                                               (hết)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 03/5/2015

Nguyên tác
NHẠC PHI
TINH TRUNG BÁO QUỐC,
THANH SƠN HỮU HẠNH MAI TRUNG CỐT
岳飞
精忠报国
青山有幸埋忠骨
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post