BÍ ẨN VỀ RỒNG
Dân tộc
Trung Hoa tự cho rằng mình là truyền nhân của rồng, văn hoá truyền thống Trung
Quốc có thể gọi là “văn hoá rồng”. Rồng, quái vật thần bí khiến mọi người sợ
hãi này đã xuất hiện trên vũ đài lịch sử Trung Quốc mấy ngàn năm. Nhưng, rồng
là con vật như thế nào? Trong Dịch kinh 易经 từng nói đến
“tiềm long”, “hiện long”, “phi long”, “kháng long”, cũng có nói rồng đấu tranh
ngoài đồng nội; trong Tả truyện 左传 nói rồng là loại
thuỷ vật; trong Hàn Phi Tử 韩非子 thì cho rồng
là loại trùng, khi nó hiền hoà vui vẻ, con người có thể cưỡi nó, nhưng một khi
đụng vào chiếc vảy ngược dưới cổ họng của nó, nó sẽ giết chết ngay. Trong điển
tịch thời Tiên Tần, những ghi chép liên quan đến rồng đã có nhiều thuyết khác
nhau, sách vở trong khoảng thời Tần Hán lại càng tô vẽ cho rồng sắc thái thần
bí. Trong Sử kí 史记 nói rằng Tần
Thuỷ Hoàng 秦始皇 tự xưng là “Tổ long” 龙祖龙,
mẹ của Hán Cao Tổ 汉高祖 giao cảm với giao long mà sinh ra ông, nên ông có
“long chuẩn long nhan” 隆准龙颜. Gạch rỗng đời Tần
có hoa văn rồng khai quật được dài đến 1 mét, rồng có thân con mãng, đầu thú, với
4 chân, mỗi chân có 3 vuốt , trên thân trang sức hoa văn hạt châu tròn và hoa
văn lá chuối, trên đầu có sừng và có bờm. Rồng đã được thần hoá. Trong Luận hành 论衡 lại nói thẳng không kị huý, rồng là tượng trưng cho
hoàng đế. Trong Thuyết uyển 说苑, Thuyết văn giải tự 说文解字 đã tiến một
bước thần hoá rồng:
Long lân chi trưởng, năng u năng minh, năng
tế năng cự, năng đoản năng trường, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm
uyên.
龙鳞之长, 能幽能明, 能细能巨, 能短能长, 春分而登天, 秋分而潜渊
(Rồng đứng
đầu trong loài có vảy, có thể ẩn có thể hiện, có thể biến nhỏ có thể biến lớn,
có thể biến ngắn có thể biến dài, ngày xuân phân bay lên trời, ngày thu phân lặn
xuống vực)
Như vậy,
rồng đã được thần hoá thành linh vật, ngàn năm nay được đa số thần dân lễ bái.
Thế kỉ 20 trở lại đây, không ít học giả cố tìm cách giải thích một cách khoa học
đối với rồng, và đã có hơn 10 thuyết.
Những suy
đoán về rồng
Văn Nhất
Đa 闻一多 trong Phục Hi
khảo 伏羲考 cho rằng, tộc đoàn kiêm tính lấy rắn lớn làm totem đã hấp thu nhiều tộc
đoàn totem khác nhau, rắn lớn cũng đã tiếp thụ 4 chân của loài thú, đầu, bờm và
đuôi ngựa, sừng hươu, vuốt chó, vẩy và râu của cá, mới hình thành nên con rồng
như chúng ta đã biết. Trong Giáp cốt học
văn tự biên 甲骨学文字编 và trong Trung
Quốc đích long 中国的龙 của Hải Tư 海斯 (Newton Hayes) đều
cho rằng, rồng là khủng long thời viễn cổ. Chương Thái Viêm 章太炎trong Thuyết
long 说龙 chỉ ra, rồng mà trong Hàn Phi Tử
韩非子 miêu tả chính là cá sấu; trong Cửu
ca tân khảo 九歌新考 tiến thêm một bước chỉ ra rằng về chủng loại cá sấu có cá sấu sông
Nil, cá sấu Ấn Độ, cá sấu Mã Lai, cá sấu sông Mississipi, nhưng đều không phải
là cá sấu sản sinh ở Trung Quốc. Chỉ có cá sấu sông Dương Tử sản
sinh ở Trung Quốc, do đó nguyên hình của rổng rất có thể là cá sấu sông Dương Tử.
Chu Dịch tiên 周易笺 căn cứ vào câu
trong Chu lễ 周礼:
Mã bát xích dĩ thượng vi long
马八尺以上为龙
(Ngựa 8 thước trở lên là rồng)
mà cho rằng, rồng trong Dịch kinh đề cập đều chỉ ngựa. Nhưng ngựa không phải sống trong nước,
nhân đó rồng bắt nguồn từ hà mã ứng vận mà sinh ra. Chu Dịch thông nghĩa 周易通义, Thuyết long
说龙 và Thích long 释龙thì cho rằng, rồng
chỉ hình tượng sấm chớp. Trong Chư thần
đích khởi nguyên 诸神的起源 lại nói, thực thể của rồng là mây. Học giả Nhật Bản
Sâm An Thái Lang 森安太郎 trong Trung Quốc
cổ đại thần thoại nghiên cứu 中国古代神话研究còn cho rằng, hình rồng từ tinh tượng mà ra. Thậm chí còn
có người cho rằng, rồng là hươu cao cổ, là ốc sên, tằm, sinh thực khí, xuyên
sơn giáp, gà, nòng nọc, cá chạch, dê, lươn v.v… Rồng là con vật như thế nào, rốt
cuộc vẫn chưa có lời giải đáp, hình tượng rồng vẫn luôn bao phủ một lớp sương
mù thần bí.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 01/5/2015
Nguyên tác Trung văn
LONG CHI MÊ
龙之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Biên soạn: nhiều tác giả
Chu Hải xuất bản xã, 2007.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật