THI
KINH
Thi kinh 詩經 là bộ tổng tập thi ca sớm nhất của Trung Quốc, thu thập
hơn 300 thiên thi ca đời Chu, phân làm 3 loại là phong 風,
nhã 雅, tụng 頌.
Phong 風 bao gồm 15 bộ phận gồm: Chu Nam 周南, Thiệu Nam 召南, Bội 邶, Dung 鄘, Vệ 衛, Vương 王, Trịnh 鄭, Tề 齊, Nguỵ 魏, Đường 唐, Tần 秦, Trần 陳, Cối 檜, Tào 曹, Bân 豳, gọi chung là “thập
ngũ quốc phong” (gọi tắt là “quốc phong”), tổng cộng 160 thiên. Đại bộ phận là
ca dao dân ca, một bộ phận nhỏ là tác phẩm của quý tộc.
Nhã 雅 chia làm đại nhã 大雅
và tiểu nhã 小雅, tổng cộng 105 thiên. Tiểu nhã, đại nhã đại bộ phận
là tác phẩm của quý tộc, một bộ phận nhỏ là ca dao dân ca. Đại nhã toàn là tác
phẩm của quý tộc, trong đó có thơ tự sự, thơ tế tự.
Tụng 頌có Chu tụng 周頌, Lỗ tụng 魯頌, Thương tụng 商頌 tổng cộng 40 thiên. Chu
tụng sản sinh vào nửa thời kì đầu thời Tây Chu, Lỗ tụng đại khái là thơ của nước
Lỗ vào thế kỉ thứ 7 trước công nguyên, Thương tụng đại khái là thơ của nước Tống
vào khoảng thế kỉ thứ 7, thứ 8 trước công nguyên. Những bài thơ này hơn một nữa
là nhạc ca mà giai cấp thống trị triều Tây Chu, nước Lỗ và nước Tống dùng trong
việc tế tự tông miếu, cũng đều là tác phẩm của quý tộc.
Thời đại
sản sinh Thi kinh, trên từ sơ kì thời
Tây Chu (thế kỉ thứ 11 trước công nguyên) dưới đến trung kì thời Xuân Thu (thế
kỉ thứ 6 trước công nguyên), tổng cộng khoảng hơn 500 năm. Trừ cực thiểu số là
tác phẩm thời Tây Chu ra, đại bộ phận là tác phẩm thời Đông Chu .
Thời kì mà nó bao gồm kéo dài như thế, đề tài lại vô cùng rộng lớn, cho nên đã
phản ánh được nhiều mặt của xã hội, như cuộc sống xã hội phức tạp và cuộc đấu
tranh giai cấp, tư tưởng và tình cảm của nhân dân đại chúng, có tinh thần chủ
nghĩa hiện thực mạnh mẽ.
Thi kinh không chỉ có địa vị cực kì trọng
yếu trong văn học sử Trung Quốc, mà còn chiếm một địa vị vô cùng quan trọng
trong lịch sử phát triển Hán ngữ. Nó phản ánh diện mạo chân thực ngôn ngữ văn học
từ đầu đời Chu đến giữa thời Xuân Thu, có từ vựng phong phú, đặc biệt là về
phương diện nghiên cứu âm vận thượng cổ, nó là nguồn tư liệu rất quan trọng.
Chữ
“kinh” 經 trong Thi kinh
là do Hán nho thêm vào, thời Tiên Tần chỉ gọi là “Thi”, không gọi “Thi kinh”, Thi kinh sau khi trải qua ngọn lửa nhà Tần,
đến đời Hán được phục truyền, tổng cộng có 4 nhà truyền Thi, tức Tề, Lỗ, Hàn,
Mao. Do Viên Cố 轅固 người nước Tề truyền lại gọi là Tề thi 齊詩, do Thân Bồi 申培
người nước Lỗ truyền lại gọi là Lỗ thi 魯詩, do Hàn Anh 韓嬰 người nước Yên truyền lại gọi là Hàn thi 韓詩, do Mao Hanh 毛亨
người nước Lỗ truyền lại gọi là Mao thi 毛詩. Bốn nhà giải
thi, đa phần có chỗ bất đồng. Từ sau Trịnh Huyền 鄭玄
thời Đông Hán dùng Mao thi truyện 毛詩傳 (nguyên tên là
“hỗ huấn truyện” 詁訓傳) làm “tiên” 箋, người học Mao thi
ngày càng đông lên, về sau 3 nhà kia dần suy yếu rồi lần lượt mất đi. Thi kinh hiện nay chính là do Mao Hanh
truyền lại.
Các bản
chú Thi kinh và những trứ tác nghiên
cứu Thi kinh của các đời rất nhiều, bản
chú thông hành tương đối tốt có:
- Mao thi chính nghĩa 毛詩正義 (truyện của Mao Hanh đời Hán, lời tiên của Trịnh Huyền
đời Đông Hán, lời sớ của Khổng Dĩnh Đạt 孔穎達
đời Đường)
- Thi tập truyện 詩集傳 (Chu Hi 朱熹 đời Tống biên soạn)
- Thi Mao thị truyện sớ 詩毛氏傳疏 (Trần Hoán 陳奐 đời Thanh biên soạn)
- Mao thi truyện tiên thông thích 毛詩傳箋通釋 (Mã Thuỵ Thần 馬瑞辰
đời Thanh biên soạn)
Người giải thích Thi kinh của các đời thì có hạn chế , giải
thích Thi kinh, không phù hợp hoàn
toàn với nguyên ý của Thi kinh, thậm
chí còn tạo ra một số uẩn khúc. Nhân đó, khi chúng ta đọc những bản chú này,
đương nhiên phải có thái độ thẩm tra thận trọng. Đối với những thuyết giải của
người xưa, vừa không thể mê tín, mà cũng không thể mạt sát toàn bộ.
Người thời nay cũng làm một số
công việc chú thích có liên quan đến Thi
kinh, như Thi kinh tuyển 詩經選 của Dư Quán
Anh 余冠英 đây là quyển tương đối tốt.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 24/4/2015
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 2)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật