Dịch thuật: Hán Vũ Đế "bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật"

HÁN VŨ ĐẾ “BÃI TRUẤT BÁCH GIA, ĐỘC TÔN NHO THUẬT”

          Từ khi Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 diệt Hạng Vũ 项羽 kiến lập nên triều Hán, mảnh đất Hoa Hạ đã khôi phục lại sức sống. Sau khi Lưu Bang giá băng, hoàng vị mấy đời truyền nhau. Năm 140 trước công nguyên, hoàng thái tử Lưu Triệt 刘彻 lên ngôi. Lưu Triệt chính là Hán Vũ Đế, nhất đại hùng chủ trong lịch sử Trung Quốc. Triều Hán lúc bấy giờ là phồn vinh và xương thịnh nhất.
          Vũ Đế lên ngôi lúc 16 tuổi. Vừa mới lên ngôi, ông không chịu yên tâm hưởng lạc, mà lập chí tạo dựng sự nghiệp. Vũ Đế áp dụng những biện pháp, hạ chiếu xuống các quận huyện, tiến cử hiền lương phương chính, những người trực ngôn dâng lời can gián, trong số đó nổi tiếng nhất chính là Đổng Trọng Thư 董仲舒.
          Đổng Trọng Thư người Quảng Xuyên 广川 (nay thuộc địa phận huyện Tảo Trang 枣庄 tỉnh Hà Bắc 河北), ông là tư tưởng gia, chính luận gia thời Tây Hán, và cũng là người tinh thông học thuyết Nho gia, từng giữ chức Bác sĩ thời Cảnh Đế. Đổng Trọng Thư nhìn thấy triều Hán từ khi kiến lập đến nay mấy lần phát sinh sự kiện vương quốc mưu phản, ông cho rằng cần phải tuyên truyền tư tưởng đại nhất thống để củng cố địa vị trung ương tập quyền của hoàng đế. Ông căn cứ vào kiến giải của mình và nhu cầu về chính trị lúc bấy giờ, cải tạo học thuyết Nho gia do Khổng Tử sáng lập kinh qua Mạnh Tử phát triển, đồng thời đem học thuyết các nhà và tư tưởng mê tín âm dương ngũ hành dung hợp lại, khiến học thuyết Nho gia biến thành một loại lí luận mang màu sắc mê tín tôn giáo nhằm phục vụ cho chế độ chính trị mê tín phong kiến. Khi Hán Vũ Đế hạ chiếu tiến cử kẻ sĩ hiền lương, Đổng Trọng Thư đã đề xuất kiến nghị “thiên nhân tam sách” 天人三策 với Hán Vũ Đế. Ý nghĩa là: trời có ý chí, sự vật trên thế gian tồn tại và biến hoá theo ý trời. Hoàng đế là đại biểu của trời, quyền lực của hoàng đế do trời trao cho, con người phục tùng hoàng đế chính là phục tùng thiên đạo. Để duy trì trật tự phong kiến, Đổng Trọng Thư đặc biệt đề xuất “tam cương ngũ thường” 三纲五常. Dưới thiên đạo, giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em cần phải tuân thủ nghiêm nhặt lễ tiết thượng hạ tôn ti, tuyệt đối không được vi phạm lễ tiết này. Về sau, “tam cương ngũ thường” trở thành nội dung trọng tâm của quan niệm luân lí đạo đức phong kiến, trở thành công cụ đắc lực ủng hộ sự thống trị phong kiến, đối với tư tưởng của con người đã sản sinh tác dụng tiêu cực trói buộc nghiêm trọng. Ông còn nói rằng: “Học thuyết của bách gia chư tử làm trở ngại đến quyền uy tuyệt đối của hoàng đế, chỉ có học thuyết Nho học mới có thể bảo trì sự thống nhất về tư tưởng.”
          Năm Kiến Nguyên 建元 thứ 6 (năm 135 trước công nguyên), Hán Vũ Đế 21 tuổi chính thức bắt đầu độc lập xử lí chính sự: ông ra sức chỉnh đốn triều cương, bổ nhiệm Điền Phần 田蚡 làm Thừa tướng. Ông còn ra lệnh thiết lập “ngũ kinh bác sĩ” 五经博士, chuyên truyền thụ học thuyết Nho gia, dưới ngũ kinh bác sĩ có 50 đệ tử, những đệ tử này dưới sự chỉ đạo của ngũ kinh bác sĩ chuyên học kinh sách Nho gia, đồng thời quy định hàng năm tiến hành khảo thí họ một lần, trong ngũ kinh chỉ cần học thông một kinh là có thể làm quan, người đạt thành tích ưu tú có thể làm quan lớn. Về sau, nhân số của bác sĩ đệ tử dần tăng lên đến 3000 người. Học tập kinh sách Nho gia, đạt được thành tích ưu tú trở thành con đường làm quan duy nhất của đám học sĩ. Học thuyết của bách gia chư tử khác dần bị bài xích. Người dựa vào học thuyết Nho gia để làm quan đương nhiên sẽ theo lí luận của Đổng Trọng Thư, giúp Hán Vũ Đế trị lí thiên hạ, phụ tá triều chính, đồng thời dùng học thuyết Nho gia để giáo dục đời sau. Từ đó trở đi, tư tưởng trung ương tập quyền bắt đầu chính thức trở thành tư tưởng chính thống trong xã hội Trung Quốc, học thuyết Nho gia được Đổng Trọng Thư cải tạo hoàn toàn thống trị cả lĩnh vực văn hoá tư tưởng trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Đây chính là điều mà trong lịch sử gọi là “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” 罢黜百家, 独尊儒术.
          Dưới kiến nghị của Đổng Trọng Thư, Hán Vũ Đế đã thực hành phương châm “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”. Tại đương thời mà nói, đối với chính trị phong kiến tăng cường trung ương tập quyền là có tác dụng tích cực, đối với giai cấp thống trị phong kiến là có lợi. Nhưng nó đã thần hoá quân quyền, tước đoạt quyền lợi tư tưởng học thuật và chủ trương chính trị mà bách gia chư tử đã tự do tuyên truyền từ thời Chiến Quốc, điều này đã gây ra tác dụng xấu giam cầm đầu óc con người. Để khiến nó có thể càng thích hợp nhu cầu ủng hộ sự thống trị phong kiến, về sau, những kẻ thống trị của các vương triều đã không ngừng bổ sung và phát triển học thuyết Nho gia. Xã hội phong kiến Trung Quốc đình trệ không tiến lên trong một thời gian dài hơn hai ngàn năm, không thể tách rời “độc tôn Nho thuật” mà Hán Vũ Đế đề xướng.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 05/4/2015

Nguyên tác Trung văn
HÁN VŨ ĐẾ “BÃI TRUẤT BÁCH GIA, ĐỘC TÔN NHO THUẬT”
汉武帝罢黜百家, 独尊儒术
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post