Dịch thuật: Bí ẩn việc Vương Chiêu Quân xuất tái

BÍ ẨN VIỆC VƯƠNG CHIÊU QUÂN XUẤT TÁI

          Vương Chiêu Quân 王昭君 là một trong tứ đại mĩ nữ thời cổ của Trung Quốc. Trong diễn biến mấy ngàn năm ở Hoa Hạ, nét đẹp của Vương Chiêu Quân không chỉ chỉ sắc đẹp và tài trí siêu quần của nàng mà câu chuyện “Chiêu Quân xuất tái” 昭君出塞 đã được diễn dịch và đời đời tương truyền, khiến Chiêu Quân trong con mắt mọi người trở thành hoá thân sứ giả hữu hảo của dân tộc, mạnh dạn từ bỏ hạnh phúc của riêng mình vì sự yên định của đất nước. Việc xuất giá ra ngoài quan tái của Chiêu Quân khiến cho triều Hán lúc bấy giờ quốc lực suy yếu đã bảo toàn được mối quan hệ hữu hảo với Hung Nô trong khoảng thời gian hơn 50 năm.
          Theo Hậu Hán thư – Nam Hung Nô truyện 后汉书 - 南匈奴传, Vương Chiêu Quân tự là Tường , người Nam Quận 南郡. Thời Nguyên Đế 元帝 chấp chính, Vương Tường đang độ trẻ trung, tư dung tú lệ, thông minh hơn người, cầm kì đều giỏi và đã được tuyển vào cung. Những cung nữ chưa được sắc phong như nàng có đến trăm ngàn người, họ đều mong có cơ hội sớm được diện kiến hoàng thượng để được sủng hạnh, để được sách phong. Đối với số cung nữ đông như thế, hoàng thượng căn bản không thể ứng tiếp hết, nên đã sai hoạ công vẽ hình của mỗi cung nữ, tự mình theo hình vẽ đó mà tuyển chọn. Trong một khoảng thời gian, nhiều cung nữ đã hối lộ hoạ công, khẩn cầu vẽ bản thân mình cho đẹp. Riêng Vương Tường tính cách thẳng thắn, quật cường đã xem khinh những việc phát sinh bên cạnh mình, nàng không tin nét đẹp của mình chỉ vì hoạ công mà mãi mãi bị mai một trong bốn bức tường cao. Nhưng Vương Tường đẹp như hoa đào quả thực đã bị tên hoạ công tham lam vẽ thành hạng tầm thường xấu xí, bức hoạ này giống như một lệnh bài tàn khốc giam Vương Tường nơi hậu cung lạnh lẽo hơn 10 năm. Bấy giờ vừa lúc Hung Nô đến triều, thỉnh cầu thông hôn cùng với nhà Hán, hoàng thượng muốn triệu 5 cung nữ để ban cho. Chiêu Quân cho rằng năm này qua năm khác đau khổ chờ nơi hậu cung không bằng lợi dụng cơ hội này đứng lên, một là nhất định để hoàng thượng tận mắt thấy nét đẹp của mình; hai là thà bạt thiệp nơi quan sơn vạn dặm, làm sủng phi của Hung Nô, chứ không bằng lòng chôn tuổi thanh xuân của mình chốn hậu cung. Nàng đã chủ động thỉnh cầu.
          Trong buổi tiệc tiễn Thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà 呼韩邪lên đường, Hán Nguyên Đế triệu 5 cung nữ đến, nhìn thấy Chiêu Quân dung mạo xinh đẹp, Nguyên Đế bừng tỉnh, hoá ra nơi hậu cung ẩn tàng một sắc đẹp tuyệt trần như thế. Nguyên Đế có ý muốn giữ nàng lại, nhưng quân tử vô hí ngôn. Sau việc này Nguyên Đế khó tránh được ngày đêm tơ tưởng, phẫn nộ đem chém tên hoạ công trọng lợi khinh nghĩa.
          Chiêu Quân sau khi xuất tái, về khách quan đã truyền bá văn hoá Hán tộc, thúc đẩy Hán tộc và Hung Nô đối xử hoà mục, qua lại hữu hảo, khiến nhân dân hai nước tránh được nạn chiến tranh trong khoảng thời gian mấy chục năm, sống một cuộc sống hạnh phúc “biên cương an nhàn, trâu ngựa đầy đồng”. Nhưng cuộc sống của Chiêu Quân không phải mọi việc đều thuận lợi. Sau khi gã cho Thiền vu, nàng sinh được một người con trai. Thiền Vu mất, theo phong tục Hung Nô, con sẽ kế thừa nghiệp của cha, đồng thời cũng kế thừa thê thiếp của cha. Chiêu Quân không chịu theo cách này, thỉnh cầu được quay về Hán, nhưng nhận được câu trả lời là “phải theo tục người Hồ”. Nàng một lần nữa đành phải gã cho con của Thiền vu, sau đó sinh được 2 người con gái. Có thể thấy, Chiêu Quân một đời khắc phục được không biết bao nhiêu đau khổ và giày vò về tinh thần và thể xác.
          Chiêu Quân sở dĩ được người Hán và người Mông yêu quý là do bởi việc xuất tái của nàng đã làm tăng thêm tình cảm của hai dân tộc Hán và Hung Nô. Nhưng lịch sử cần phải tôn trọng sự thực, không thể từ kết quả khách quan mà suy đoán nguyên nhân chủ quan. Một bộ phận học giả cho rằng cách nghĩ chân thực khi Chiêu Quân xuất tái tuyệt đối không phải là vì sự hưng vong của dân tộc, mà về tư tưởng, ở nàng vẫn chưa hình thành kiến thức trác việt lấy hạnh phúc cá nhân đổi lấy sự yên định của dân tộc. Chiêu Quân chủ động xin xuất tái, đa phần xuất phát từ sự bất mãn và phản kháng đối với tên hoạ công tham lam, đối với hoàng thượng bất cầu chân tướng, và đối với trạng thái sinh tồn tịch mịch của bản thân mình. Về sau, do bởi khuynh hướng chính trị dân tộc và nhu cầu của thời kì riêng mới khoác lên trên người Chiêu Quân một màu sắc tươi đẹp, trở thành tượng trưng cho tình đoàn kết dân tộc.
          Cho đến hiện nay, việc Chiêu Quân gã đi xa rốt cuộc là kết quả khách quan sản sinh từ việc thân bất do kỉ hoà thân cùng Hung Nô, hay là nghĩa cử vĩ đại hiến thân cho đất nước, vẫn còn là vấn đề đang tranh nghị.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 11/4/2015

Nguyên tác Trung văn
VƯƠNG CHIÊU QUÂN XUẤT TÁI CHI MÊ
王昭君出塞之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009. 
Previous Post Next Post