TÍNH DANH
(tiếp theo và hết)
Với người
xưa, khi xưng danh và tự thì thường trước xưng tự, sau xưng danh. Ví dụ: Mạnh
Minh 孟明 (tự) Thị 視 (danh); Khổng Phủ 孔父 (tự) Gia 嘉 (danh); Thúc Lương 叔粱 (tự) Hột 紇 (danh) v.v…
Người
xưa, tôn đối với ti thì xưng danh, ti khi tự xưng cũng xưng danh; đối với người
ngang hàng hoặc bậc tôn quý thì xưng tự. Ví dụ như trong Luận ngữ 論語, Khổng Tử 孔子 tự xưng là Khâu 丘, đây là khiêm xưng. Đối với đệ tử, Khổng Tử xưng
danh, ví dụ:
Cầu, nhĩ hà như?
求爾,
何如?
Cầu, anh thì như thế nào?
(Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進)
Xích, nhĩ hà như?
赤,
爾何如?
Xích, anh thì như thế nào?
(Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進)
Đệ tử khi tự xưng cũng xưng
danh, ví dụ:
Do dã vi chi, bí cập tam niên
由也為之, 比及三年
Do này mà cầm quyền nước ấy
thì vừa đầy ba năm (có thể khiến dân chúng dũng cảm mà biết đạo lí nữa)
(Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進)
Cầu dã vi chi, bí cập tam niên
求也為之, 比及三年
Cầu này mà cầm quyền nước ấy
thì vừa đầy ba năm (có thể khiến dân chúng được no đủ)
(Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進)
Đệ tử khi trước mặt thầy xưng
hô những đệ tử khác cũng xưng danh, ví dụ:
Phu tử hà thẩn Do dã?
夫子何哂由也?
Sao thầy lại cười anh Do?
(Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進)
Người
ghi lại Luận ngữ đối với đệ tử của Khổng
môn nhìn chung đều xưng tự, ví dụ:
Nhan Uyên, Quý Lộ thị
顏淵, 季路侍
Nhan Uyên và Quý Lộ theo hầu
(Luận ngữ - Công Dã Tràng論語 - 公冶長)
Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây
Hoa thị toạ
子路, 曾皙, 冉有, 公西華侍坐
Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa ngồi hầu
(Luận ngữ - Tiên tiến 論語 - 先進)
Chỉ có đối với Tăng Tử 曾子
xưng “Tử” không xưng tự, đối với Hữu Nhược 有若
cũng có một lần xưng “Tử” không xưng tự, cho nên có người suy đoán, Luận ngữ là do môn nhân của Tăng Tử và Hữu
Nhược ghi chép. Mãi đến đời sau xưng danh, xưng tự về cơ bản vẫn theo tiêu chuẩn
này.
Người đời
sau thông thường dùng 2 chữ để làm tự, ví dụ Chư Cát Lượng 諸葛亮 tự là Khổng Minh 孔明,
Lục Cơ 陸機 tự là Sĩ Hành 士衡,
Bảo Chiếu 鮑照 tự là Minh Viễn 明遠
v.v… Ngoài danh và tự ra, còn có biệt hiệu (biệt tự). Biệt hiệu và danh không
nhất thiết phải có mối liên hệ về ý nghĩa. Đại để có thể phân làm 2 loại:
Loại thứ
1: biệt hiệu có 3 chữ trở lên, như Cát Hồng 葛洪
tự hiệu là Bão Phác Tử 抱朴子; Đào Tiềm 陶潛 tự hiệu là Ngũ Liễu tiên sinh 五柳先生; Tô Thức 蘇軾 tự hiệu là Đông Pha
cư sĩ 東坡居士.
Loại thứ
2: biệt hiệu 2 chữ, như Vương An Thạch 王安石
tự là Giới Phủ 介甫, biệt hiệu là Bán Sơn 半山;
Lục Du 陸游 tự là Vụ Quan 務觀,
hiệu Phóng Ông 放翁. Biệt hiệu 2 chữ và tự về ứng dụng không có sự khu biệt
rõ ràng, thậm chí phần nhiều không xưng tự, mà thường xưng hiệu (như Lục Phóng
Ông). Biệt hiệu 3 chữ trở lên có lúc cũng có thể rút còn 2 chữ, ví dụ Tô Đông
Pha.
Về sau,
có người cho rằng xưng tự xưng hiệu chưa đủ tôn kính, vì vậy xưng quan tước,
xưng địa vọng (nơi sinh hoặc nơi cư trú), ví dụ Đỗ Phủ 杜甫
được xưng là Đỗ Công bộ 杜工部, Vương An Thạch 王安石 được xưng là Vương Lâm Xuyên 王臨川.
Ngoài
ra, trong thơ văn đời Đường cũng thường thấy lấy thứ bậc để xưng, hoặc lấy thứ
bậc và quan chức xưng liền nhau, ví dụ: Bạch Cư Dị 白居易
được xưng là Bạch nhị thập nhị 白二十二, Lí Thân 李紳 được xưng là Lí nhị thập Thị lang 李二十侍郎. Phụ nữ đời Đường cũng được xưng là Trấp kỉ nương 廿幾娘. Thứ bậc này là dựa theo thứ tự trưởng ấu của anh em
cùng chung ông cố mà có, hoàn toàn không phải thứ bậc anh em cùng một cha mẹ
sinh ra, đây là điều cần chú ý.
Thời cổ,
đế vương, chư hầu, khanh đại phu, cao quan đại thần… sau khi mất, triều đình sẽ
căn cứ hành vi của họ lúc còn sống mà đặt cho một loại xưng hiệu khen hoặc chê,
gọi là “thuỵ” hoặc “thuỵ hiệu”. Thuỵ hiệu khái quát sự tích và phẩm hạnh lúc
sinh tiền của người mất, kì thực, đó chỉ là hư nguỵ, không phù hợp sự thực.
Nhưng một người có tên thuỵ, đồng nghĩa với việc ngoài danh tự ra, người đó còn
có thêm biệt danh.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 16/3/2015
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.