Dịch thuật: Thời đại thanh đồng - Triều Thương (tiếp theo)

 THỜI ĐẠI THANH ĐỒNG - TRIỀU THƯƠNG
(Thế kỉ 16 trước công nguyên đến năm 1066 trước công nguyên)
(tiếp theo)

          Về phương diện chế tạo đồ vật, thành tựu của người Ân được mọi người biết nhiều nhất chính là chế tạo thanh đồng khí. Thanh đồng khí của người Ân có nhiều chủng loại khác nhau, trọng lượng lớn nhỏ cũng khác nhau. Trong đó nổi tiếng nhất là “Tư Mẫu Mậu đại phương đỉnh” 司母戊大方鼎. Theo sự mở rộng cương vực và sản xuất cùng nhu cầu chiến tranh, phương tiện giao thông của người Ân cũng có sự tiến bộ. Việc chế tạo thuyền xe không chỉ đạt đến trình độ kĩ thuật cao, mà còn chú trọng đến hiệu quả trang sức. Trong những khí vật mà người Ân sử dụng, có ngọc thạch Tân Cương 新疆, vỏ sò ốc Nam Hải và mai rùa phương nam, điều này nói rõ trình độ phát triển về phương tiện giao thông của người Ân.
          Lịch pháp của người Ân là “âm dương hợp lịch”, lấy tháng nhuận điều tiết độ dài hồi quy của năm. Người Ân còn sử dụng lịch pháp ghi ngày theo thiên can địa chi. Nhìn từ giáp cốt văn và tên của các đế vương, đối với danh xưng của thiên can địa chi người Ân đã có sự sùng bái đặc biệt. Về phương diện số học, người Ân đã có văn tự ghi số, cũng có thể tiến hành tính toán thông thường, tạo ra những hình kỉ hà tương đối phức tạp. Về phương diện y dược, vu và y chưa tách rời. Gặp phải bệnh tật, vu y trừ tiến hành cầu đảo ra, còn dùng thuốc để trị, thậm chí còn dùng thang dược. Người Ân đem bệnh tật dựa vào bộ vị của thân thể tiến hành phân loại sơ bộ.
          Thành tựu của văn hoá đời Thương là đa phương diện. Người Ân không chỉ có thành tựu cao siêu về chế tạo đồ vật, đồng thời trong quá trình chế tạo cũng đã dung nhập tài năng sáng tạo kĩ thuật của họ. Từ hoa văn trang sức trên thanh đồng khí đến điêu khắc ngọc khí, từ tạc tượng từ đá hoa cương đến chế tạo đồ gốm, từ việc tạo hình ở đồ gỗ , đồ bằng xương đến việc sử dụng nhạc khí, tất cả đều thể hiện sức tưởng tượng nghệ thuật và trình độ giám định thưởng thức của họ. Triều Thương mở đầu cho lịch sử Trung Quốc được ghi chép bằng văn tự. Văn tự triều Thương chủ yếu là kim văn và giáp cốt văn. Gọi là “kim văn” 金文 chính là văn tự được đúc trên những khí vật bằng kim loại. Kim văn trên một khí vật nhìn chung là không nhiều, thông thường từ 10 chữ trở xuống, vượt qua 20 chữ thì  tương đối ít thấy. Việc nghiên cứu kim văn bắt đầu từ đời Tống, đến triều Minh, Thanh là đại thịnh. Môn học này được gọi là “Kim văn học” 金文学. Văn hoá đời Thương là văn hoá đế vương, mà đặc trưng chủ yếu của văn hoá đế vương này là “quỷ văn hoá” 鬼文化. Trong con mắt của người Ân, hết thảy mọi vật đều có thần của vật đó, Thiên đế là chủ tể của vạn vật. Thiên đế đã sắp xếp trật tự tự nhiên, lại quyêt định các loại hiện tượng tự nhiên. Để hướng đến những vị thần linh này cầu phúc, người Ân vắt óc, dùng mọi phương pháp có thể để tế tự thần linh. Người đại diện Thiên đế chốn nhân gian là đế vương thế tục – thần nhân gian. Đồng thời, người Ân có địa vị, cũng thần hoá tổ tiên của mình, đặc biệt là những tiên nhân có công lao to lớn. Tương quan với đó là kiến trúc tông miếu và phong tục hậu táng, tất cả đều phản ánh ý thức sùng bái quỷ thần mãnh liệt của dân tộc Thương Ân.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 11/3/2015

Nguyên tác Trung văn
          THANH ĐỒNG THỜI ĐẠI – THƯƠNG
青铜时代 -
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post