Dịch thuật: Gia lễ

GIA LỄ

          Trong Chu lễ - Xuân quan – Đại tông bá 周礼 - 春官 - 大宗伯 có ghi:
Dĩ gia lễ thân vạn dân
以嘉礼亲万民
(Lấy gia lễ để  kết thân với vạn dân)
         Gia lễ 嘉礼 là từ gọi chung các lễ chúc mừng như ẩm thực 饮食, hôn quán 婚冠, tân xạ宾射, yến hưởng燕飨, thẩn phiền 脤膰. “Gia” có nghĩa là thiện, là tốt.
          Gia lễ là loại lễ nghi dựa vào những điều tốt đẹp mà con người ưa thích chế định ra, cho nên gọi là “gia lễ”.

Ẩm thực chi lễ 饮食之礼
          Quốc quân thông qua lễ tân xạ 宾射, lễ yến hưởng 燕飨 cùng với huynh đệ trong tộc, tân khách bốn phương tụ họp ăn uống để liên lạc và tăng thêm tình cảm, cho nên nói:
Dĩ ẩm thực chi lễ, thân tông tộc huynh đệ
以饮食之礼, 亲宗族兄弟
(Lấy lễ ẩm thực để kết thân huynh đệ trong tông tộc)

Hôn quán chi lễ 婚冠之礼
          Thời cổ, con trai đến tuổi 20 sẽ đội mũ, con gái lấy chồng, lên 15 tuổi sẽ cài kê, có lễ đội mũ, lễ cài cây kê, biểu thị đã thành niên. Nam nữ thành niên lấy hôn lễ để ân ái tương thân, cho nên nói:
Dĩ hôn quán chi lễ, thân thành nam nữ
以婚冠之礼, 亲成男女
(Lấy lễ hôn quán để kết thành đôi nam nữ)

Tân xạ chi lễ 宾射之礼
          Thời cổ làng quê có Hương xạ lễ 乡射礼, triều đình có Đại xạ lễ 大射礼. Trong xạ lễ , cho dù có thiên tử tham dự cũng phải lập chủ khách, cho nên gọi  là Tân xạ chi lễ 宾射之礼. Xạ lễ chủ yếu là để thân với bạn cũ, biết bạn mới, cho nên nói:
Dĩ tân xạ chi lễ, thân cố cựu bằng hữu
以宾射之礼, 亲故旧朋友
(Lấy lễ Tân xạ để kết thân bạn cũ)

Yến hưởng chi lễ 燕飨之礼
          Chư hầu bốn phương đến triều kiến là tân khách của thiên tử. Thiên tử phải thông qua phương thức yến hưởng để tương thân với họ. Cho nên nói:
Dĩ yến hưởng chi lễ, thân tứ phương chi tân khách
燕飨之礼, 亲四方之宾客
(Lấy lễ Yến hưởng để kết thân tân khách bốn phương)

Thẩn phiền chi lễ脤膰之礼
          Thẩn phiền 脤膰 là thịt tế ở tông miếu xã tắc. Sau khi kết thúc tế tự, đem “thẩn phiền” chia cho anh em của các quốc, lấy đó để tăng thêm tình cảm của đôi bên, cho nên nói:
Dĩ thẩn phiền chi lễ, thân huynh đệ chi quốc
以脤膰之礼, 亲兄弟之国
(Lấy lễ thẩn phiền để kết thân các nước anh em)

Hạ khánh chi lễ 贺庆之礼
          Đối với những nước khác họ có mối quan hệ thông gia, khi họ có chuyện vui phải tặng lễ vật để chúc mừng. Cho nên nói:
Dĩ hạ khánh chi lễ, thân dị tính chi quốc
以贺庆之礼, 亲异姓之国
(Lấy lễ hạ khánh để kết thân với những nước khác họ)

Tuần thú lễ 巡守礼
          Trong Lễ kí - Vương chế 礼记 - 王制 có ghi:
Thiên tử ngũ niên nhất tuần thú
天子五年一巡守
(Thiên tử 5 năm tuần thú một lần)
          Trong Chu lễ - Đại hành nhân 周礼 - 大行人 thì nói, thiên tử 12 năm :
Tuần thú Ân quốc
巡守殷国
(Đi tuần thú nước Ân)
          Trong Dịch – Quan quái - 观卦 cũng có nói, bậc vương giả phải:
Tỉnh phương, quan dân, thiết giáo
省方, 观民, 设教
Ý là thiên tử phải đi tuần thú phương quốc, quan sát dân tục để lập chính giáo. Theo những ghi chép, thời thượng cổ, đế vương có chế độ tuần thú định kì.
          Trong Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典 có nói, vua Thuấn trong năm có tuần thú, tháng 2 đi phía đông đến Đại tông 岱宗 (Thái sơn 泰山; tháng 5 đi đến Nam nhạc 南岳; tháng 8 đi đến Tây nhạc 西岳; tháng 11 đi đến Bắc nhạc 北岳. Nơi vua Thuấn đến, phải tế các danh sơn đại xuyên, quan sát phong tục dân tình, đồng thời nghe những lời thuật lại của chư hầu, khảo luận về thành tích chính sự, thi hành thưởng phạt. Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 từng đến các nơi tuần thú.
          Trong Hán thư – Thế Tổ bản kỉ 汉书 - 世祖本纪 có nói, Quang Vũ Đế 光武帝 vào năm thứ 17 từng tuần thú phía nam, năm 18 tuần thú phía tây, năm 20 tuần thú phía đông.

Tức vị cải nguyên lễ 即位改元礼
          Người xưa gọi lúc Đông chí giờ Tí ngày Giáp Tí tháng Giáp Tí năm Giáp Tí là “Sơ nguyên” 初元 (hoặc Thượng nguyên 上元). Chính quyền thay đổi, luôn chọn “nguyên nhật” 元日. Theo ghi chép trong Thượng thư 尚书, Đường Nghiêu Ngu Thuấn thiện nhượng đã chọn “Chinh nguyệt thượng nhật” 正月上日. “Thượng nhật” chính là ngày sóc (mồng 1). Trong Xuân Thu 春秋 có nói, tân quân tức vị phải xưng là “nguyên niên” 元年. Trong Công Dương truyện - Ẩn Công nguyên niên 公羊传隐公元年giải thích rằng:
Nguyên là gì, là năm đầu tiên của vua.
Ý tại “thể nguyên cư chính” 体元居正. Nói chung, trong Xuân Thu 春秋 có nói, năm gặp phải tang, bất luận là tháng nào, tân quân đều phải tiếp tục dùng niên hiệu của vua trước, vào nguyên nhật tháng Giêng năm sau mới cáo Thái miếu tức vị, điều này vừa là để cho tân quân từ “tân nguyên” 新元 bắt đầu tính năm, cũng vừa có ý nghĩa chỉnh tề vương niên.
          Hán Vũ Đế 汉武帝 căn cứ vào đề nghị của Hữu ti, lần lượt sử dụng các niên hiệu Kiến Nguyên 建元, Nguyên Quang 元光, Nguyên Sóc 元朔, Nguyên Thú 元狩, Nguyên Đỉnh 元鼎, Nguyên Phong 元封, trở thành vị đế vương sử dụng niên hiệu sớm nhất. Quang Vũ Đế 光武帝 nhà Hậu Hán là vị quân vương đầu tiên cử hành đại lễ tức vị, từ đó, đế vương khi tức vị đều có điển lễ, nghi thức điển lễ cũng ngày càng phức tạp hơn.
          Phạm vi của gia lễ rất rộng, trừ những lễ nói ở trên, còn có: Chinh đán triều hạ lễ, Đông chí triều hạ lễ, Thánh tiết triều hạ lễ, Hoàng hậu thụ hạ lễ, Hoàng thái tử thụ hạ lễ, tôn Thái thượng hoàng lễ, học hiệu lễ, dưỡng lão lễ, chức quan lễ, hội minh lễ, cho đến việc xem xét thiên tượng hoặc phân chia khu vực hành chính. 

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 07/3/2015

Nguyên tác Trung văn
GIA LỄ
嘉礼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post