TÀI THẦN TRONG DÂN GIAN CÙNG DỊ THUYẾT
Rốt cuộc
ai là Tài Thần có rất nhiều thuyết, do bởi địa phương khác nhau, ngành nghề
khác nhau. Dưới đây nêu lên một số thuyết.
- Ngũ Lộ Tài Thần
五路財神: Huyền Đàn Chân Quân Triệu Công Minh 玄壇真君趙公明 cùng 4 vị thần linh nắm giữ tài phú gồm Chiêu Bảo Thiên Tôn 招寶天尊, Nạp Trân Thiên Tôn 納珍天尊, Lợi Thị Tiên Quan 利市仙官, Chiêu Tài Sứ Giả
昭財使者 ở
Chung Nam sơn 終南山 Thiểm Tây 陝西.
- Thủ Tài Chân
Quân 守財真君: Tỉ Can 比干 trong Phong thần
diễn nghĩa 封神演義, là trung thần của triều Thương, bị Trụ vương mổ tim mà chết. Vũ Vương
thắng nhà Ân, Khương Thái Công 姜太公 phong Tỉ Can là
Văn Khúc Tinh Quân 文曲星君, Đạo giáo tôn ông là Thủ Tài Chân Quân守財真君. Dân gian cho rằng Tỉ Can không có tim nên không
thiên vị, tôn là “Tài Thần”, cũng nhân vì Tỉ Can là một văn thần, nên cũng được
gọi là “Văn Tài Thần” 文財神.
- Tăng Phúc Chân
Quân 增福真君: quan viên Lí Quỷ Tổ 李詭祖 thời Hiếu Văn Đế
triều Bắc Nguỵ yêu dân như con, thường lấy bổng lộc bố thí cho dân nghèo, dân
cho là có đức. Sau khi mất, ông được tôn làm Tài Thần.
- Thiên Quan Đại
Đế 天官大帝: trong Đạo giáo, Tam Quan Đại Đế chia nhau nắm giữ việc giáng phúc, xá
tội và tiêu tai, trong đó Thiên Quan chuyên việc giáng phúc. Người Hoa có thuyết
“Thiên Quan tứ phúc” 天官賜福.
- Thổ Địa Thần 土地神: đại bộ phận
người Đài Loan cho rằng, Thổ Địa Thần có thể mang lại tài phú cho dân. Hương Cảng
cũng có tập tục thờ Thổ Địa Tài Thần.
- Bố Đại hoà
thượng 布袋和尚: truyền thuyết cho rằng Phật Di Lặc hoá thân thành Bố
Đại hoà thượng. Nụ cười và bao bố của hoà thượng cũng thường được xem là tượng trưng cho hoan
hỉ, chiêu tài, nên xem như là Tài Thần.
- Phúc Lộc Thọ
tam tiên 福祿壽三仙: cũng gọi là “Tam tinh” 三星
là 3 vị thần nổi tiếng ở Trung Quốc. Phúc tinh, Lộc tinh, Thọ tinh đại biểu cho
cát lợi.
- Đoan Mộc Tứ 端木賜: chính là Tử Cống
子貢, học trò của Khổng Tử 孔子,
giỏi về ngôn ngữ, nổi tiếng về kinh thương, rất giàu có.
- Phạm Lãi 范蠡: chính trị gia
nước Việt, về sau từ quan chuyên kinh thương làm giàu, hiệu xưng là “Đào Chu
Công” 陶朱公.
- Ngô Vương Tị 吳王濞: phiên vương
triều Hán, đúc tiền nấu muối, cự phú trong thiên hạ. Do bởi người con bị Hán Cảnh
Đế giết nhầm nên đã phát động “thất quốc chi loạn”, cuối cùng bị chết trận.
- Hàn Tín 韓信: truyền thuyết
cho rằng Hoài Âm Hầu Hàn Tín triều Hán phát minh ra nhiều dụng cụ đánh bạc,
cung cấp cho binh sĩ vui chơi. Một số
tay đổ bác cung phụng Hàn Tín, gọi ông là “Thiên Tài Thần 偏財神.
- Quan Vũ 關羽: truyền thuyết
cho rằng Quan Vũ sở trường về cách ghi chép sổ sách, có thể bảo vệ lợi ích của
thương nghiệp, tại Đài Loan, Hương Cảng, Nam Dương tương đối phổ biến. Cũng
nhân vì Quan Vũ là một võ tướng, nên cũng được gọi là “Võ Tài Thần” 武財神.
- Hoà Hợp nhị
thánh 和合二聖: cũng gọi là “Hoà Hợp nhị tiên” 和合二仙. Hàn San 寒山 và Thập Đắc 拾得 là hai vị cao tăng
thời Đường Thái Tông, tương truyền là hoá thân của Văn Thù Bồ Tát 文殊菩薩và Phổ Hiền Bồ Tát 普賢菩薩. Hai người tình cảm hoà hợp, tượng trưng cho hoà mục và “hoà khí sinh
tài”. Rất nhiều tranh tết lấy hai vị này làm chủ đề.
- Chung Li Quyền
tổ sư 鍾離權祖師, Lã Thuần Dương tổ sư 呂純陽祖師: cũng gọi là
“Chung Lã nhị tiên”. Tương truyền Chung Li Quyền và Lã Thuần Dương, hai người có
thể “điểm thạch thành kim” (lấy đá biến
thành vàng) nên một số thợ kim hoàn và thương nhân tôn làm Bảo Hộ Thần, Tài Thần.
- Lưu Hải Thiềm
劉海蟾: dân gian gọi là Lưu Hải 劉海, Tể tướng của Yên
vương Lưu Thủ Quang 劉守光 thời Ngũ đại thập quốc. Về sau bỏ quan tu đạo (tương
truyền là Chung Li Quyền hoá thân, Lã Thuần Dương truyền cho phép), đạo hiệu là
Hải Thiềm Tử 海蟾子, là tổ sư phái Hải Thiềm của Đạo giáo toàn chân đạo.
Dân gian tương truyền “Lưu Hải Thiềm đùa với con cóc vàng, mỗi bước nhả ra một
tiền). Cóc vàng được xem là thần thú có thể ban cho tiền bạc, tượng trưng cho
nguồn kim tiền tuôn tới, còn Lưu Hải coi giữ cóc vàng (Lưu Hải Thiềm) tượng
trưng cho Tài Thần. Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt 忽必烈
phong là “Hải Thiềm Minh Ngộ Hoằng Đạo Chân Quân” 海蟾明悟弘道真君, Nguyên Vũ Tông gia phong là Đế Quân 帝君.
- Thẩm Vạn Tam 沈萬三: trong truyền
thuyết dân gian là thương nhân triều Minh. Nguyên nhân Thẩm Vạn Tam giàu có là
nhân vì có “tụ bảo bồn” 聚寶盆, thuyết kể rằng họ
Thẩm có một chiếc chậu, đem bất cứ vật gì bỏ vào đều có thể biến thành trân bảo.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 28/02/2015
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật