Dịch thuật: Chân liêm dữ đại xảo


真廉与大巧
真廉无廉名 (1) , 立名者所以为贪 (2); 大巧无巧术 (3), 用术者所以为拙 (4)
                                                                (小窗幽记)

CHÂN LIÊM DỮ ĐẠI XẢO
          Chân liêm vô liêm danh (1), lập danh giả sở dĩ vi tham (2); đại xảo vô xảo thuật (3), dụng thuật giả sở dĩ vi chuyết (4).
                                                                               (Tiểu song u kí)

Chú thích
(1)- Liêm : liêm khiết
(2)- Lập danh giả 立名者: người tạo danh tiếng cho chính mình
(3)- Đại xảo 大巧: khéo léo.
       Vô thuật 无术: không có phương thức, phương pháp
(4)- Dụng thuật 用术: dùng hết tâm thuật.
       Chuyết : vụng về.

Dịch nghĩa
THỰC LIÊM VÀ CỰC KHÉO
          Liêm khiết chân chính không cần phải có danh tiếng liêm khiết. Phàm hạng người lấy danh tiếng liêm khiết để làm nổi bật mình thì hạng người đó không ai là không dùng nó để che đậy lòng tham; khéo léo nhất là không cần bất kì kĩ xảo nào. Phàm những người vận dụng kĩ xảo, trên thực tế họ đều là những người che đậy sự vụng về.

Phân tích và thưởng thức
          Liêm khiết và tham lam là hai khái niệm đối lập nhau, không tham thì không liêm, không liêm thì không tham. Có người tham tiền tài, có người tham danh tiếng. Vì liêm khiết để được nổi tiếng, tuy không tham lợi, nhưng lại tham danh, thực chất là như nhau. Kì thực, liêm khiết vốn là bổn phận của người làm quan, nếu ai ai cũng liêm khiết, thì không cần phải có danh tiếng liêm khiết. Mua danh bán tiếng để làm chính trị cũng là một loại hủ bại, không thể không đề phòng. Cũng như vậy, khéo léo và vụng về cũng là hai khái niệm đối lập nhau. Khéo léo chân chính là ở chỗ thuận theo tự nhiên, như vậy mới thích ứng với vạn vật. Lão Tử có nói:
Đại xảo nhược chuyết
大巧若拙
(Cực khéo mà như vụng về)
Đây chính là nói người thuận ứng theo tự nhiên mà làm, nhìn thấy như vụng về, nhưng kì thực là khéo léo. Những người thích vận dụng kĩ xảo, vận dụng mưu lược, luôn từ khéo hoá vụng, để lại trò cười.

Chú của người dịch
Tiểu song u kí 小窗幽记 là tác phẩm ghi lại những cách ngôn tu thân xử thế do Trần Kế Nho 陈继儒biên soạn, thể hiện thái độ nhân sinh tích cực của nho gia về việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tác phẩm này xưa nay được xem là giai tác về việc tu dưỡng bản thân.
          Toàn sách được chia làm 12 quyển:
     quyển 1: tập tỉnh 集醒     quyển 2: tập tình 集情     quyển 3: tập tiễu 集峭
     quyển 4: tập linh 集灵     quyển 5: tập tố 集素        quyển 6: tập cảnh 集景
     quyển 7: tập vận 集韵     quyển 8: tập kì 集奇        quyển 9: tập ỷ 集绮
     quyển 10: tập hào 集豪   quyển 11: tập pháp 集法  quyển 12: tập thiến 集倩
          Theo http://www.360doc.com/content
                   http://baike.baidu.com/view/147434.htm
          Tiểu song u kí được dùng ở đây do Lôi Phương 雷芳 chú dịch, Sùng Văn thu cục xuất bản năm 2007, sách này  không chia thành 12 quyển như ở trên.

Trần Kế Nho 陈继儒 (1558 – 1639): văn học gia, thư hoạ gia đời Minh, tự Trọng Thuần 仲醇, hiệu Mi Công 眉公, người Hoa Đình 华亭 Tùng Giang 松江 (nay là Tùng Giang Thượng Hải).
Trần Kế Nho lúc nhỏ đã thông minh, ông học rộng biết nhiều, giỏi cả thơ lẫn văn, về thư pháp theo Tô Thức 苏轼, Mễ Phế 米芾 nổi tiếng một thời. Khoảng những năm hai mươi mấy tuổi, ông tuyệt ý với khoa cử, ẩn cư tại Tiểu Côn sơn 小昆山, sau cất nhà tại Đông Xà 东佘 suốt ngày đóng cửa viết sách. Triều đình nhiều lần cho mời nhưng ông đều lấy cớ bệnh tật từ chối.
Trần Kế Nho cả một đời đọc rất nhiều, trứ thuật cũng đồ sộ phong phú. Tác phẩm của ông có Trần Mi Công toàn tập 陈眉公全集  truyền đời.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 16/02/2015

Nguyên tác
CHÂN LIÊM DỮ ĐẠI XẢO
真廉与大巧
Trong quyển
TIỂU SONG U KÍ
小窗幽记
Tác giả: Trần Kế Nho 陈继儒
Chú dịch: Lôi Phương 雷芳
Sùng Văn thư cục, 2007.
Previous Post Next Post