VĂN HOÁ THANH ĐỒNG XÁN LẠN
Từ nhà Hạ 夏,
nhà Thương 商 đến nhà Tây Chu, phàm công cụ sản xuất, vũ khí, vật dụng
dùng trong sinh hoạt, lễ khí, những vật quý trọng không vật nào là không được
làm bắng đồng, đối chiếu với xã hội nguyên thuỷ trước đó lấy thạch khí 石器 làm tiêu chuẩn hoặc đặc trưng, thanh đồng khí 青铜器 trở thành đặc trưng của thời đại này, cho nên văn hoá
của thời đại này trong Khảo cổ học gọi là “thanh đồng văn hoá” 青铜文化. Các nước cổ trên thế giới có nền văn minh đều trải
qua giai đoạn “thanh đồng văn hoá”, riêng “thanh đồng văn hoá” ở trung nguyên
Trung Quốc càng huy hoàng xán lạn hơn.
Văn hoá
Ngưỡng Thiều 仰韶 vãn kì cách nay hơn 5000 đã năm tiến vào thời đại thanh
đồng. Nhưng do bởi thanh đồng khí của đương thời phát hiện được rất ít, vật mà
chủ nhân sản xuất và sinh hoạt vẫn là thạch khí, cho nên người ta vẫn xem văn
hoá Ngưỡng Thiều là thời đại thạch khí. Điều này không công bằng. Chẳng qua
giai đoạn phồn vinh của văn hoá thanh đồng là ở vào đời Thương.
Trong
di chỉ văn hoá tại Nhị Lí Đầu 二里头 ở Yển Sư 偃师, Hà Nam 河南 và tại Đông Hạ Phùng 东下冯,
Sơn Tây 山西, không chỉ phát hiện những loại tửu khí như: tước 爵, cô 觚, hoà 盉 … (cũng là lễ khí thanh đồng sớm nhất của Trung Quốc),
còn có binh khí như qua 戈, việt 钺, thốc 镞; hơn nữa tại di chỉ
Nhị Lí Đầu còn phát hiện khu vực đúc đồng, đặc biệt còn phát hiện công cụ bằng
đồng như dao, dùi đục, chứng minh thanh đồng khí đã được ứng dụng phổ biến
trong xã hội, dự báo thời kì phồn vinh của văn hoá thanh đồng sắp đến.
Trung
nguyên cũng là nơi văn hoá thanh đồng phồn vinh nhất Trung Quốc, đứng đầu phải
kể đến văn hoá thanh đồng đời Thương tại Ân Khư 殷墟,
An Dương 安阳, Hà Nam
河南. Văn hoá thanh đồng thời này và tại nơi này có mấy đặc
điểm như sau:
1- Các
phương diện sản xuất, sinh hoạt sử dụng phổ biến thanh đồng khí. Sản xuất nông
nghiệp có xẻng đồng, dao đồng, công cụ thủ công nghệ sản xuất
Có rìu đồng, dùi đồng, nạo đồng; những vật dụng dùng
trong sinh hoạt ăn uống thường ngày (chủ yếu là quý tộc chủ nô) có các loại
thanh đồng khí như cô 觚, tước 爵, giả 斝, hoà 盉, bàn 盘, hồ 壶, quang 觥; ngoài ra còn có
kính đồng dùng để soi mặt trang điểm, lúc ra đi trên ngựa xe có trang sức những
phụ kiện bằng đồng.
Từ xưa
những loại sắc bén được dùng đầu tiên trong chiến tranh. Binh khí bằng đồng thời
Tam đại là sản phẩm trọng điểm của phường đúc đồng lúc bấy giờ, sản lượng cũng
nhiều nhất, như trong mộ của nữ tướng quân Phụ Hảo 妇好,
phi tử của Vũ Đinh 武丁 đã đào được hơn 130 món (1). Binh khí thanh
đồng chủ yếu có qua 戈, mâu 矛, việt 钺, đao 刀, thốc 镞…
2- Sản
lượng thanh đồng khí nhiều. Tại khu vực An Dương 安阳
không chỉ là mộ lớn của quý tộc, ngay cả trong những mộ táng nhỏ và trung bình
cũng thường có đồng khí. Có thể thấy, sản lượng thanh đồng khí lúc bấy giờ đã rất
nhiều, trừ nô lệ ra, phàm những ai có thể mua được đều có thể sử dụng thanh đồng
khí. Thanh đồng khí tuỳ táng trong mộ chủ đều là những loại mà mộ chủ đã dùng
qua lúc còn sống, nhưng những loại mà mộ chủ dùng qua không nhất định phải bồi
táng hết, điều đó khẳng định thanh đồng khí mà mọi người sử dụng trong cuộc sống
thường ngày càng nhiều. Rốt cuộc họ có bao nhiêu thanh đồng khí, người ngày nay
không thể biết được. Chúng ta chỉ từ mộ Phụ Hảo trong số 1928 tuỳ táng phẩm có
đến 468 món thanh đồng khí.
3- Thanh
đồng khí lớn, đứng đầu trong cả nước, cũng ít nhất trên thế giới. Thanh đồng
khí ở Ân Khư 殷墟, An Dương 安阳 không chỉ số lượng
nhiều mà còn lớn. Như đỉnh lớn hình vuông “Tư Mẫu Mậu” 司母戊
phát hiện vào năm 1938 tại thôn Vũ Quan 武官,
An Dương安阳, cao 133cm tính đến quai đỉnh, miệng đỉnh dài 110cm,
rộng 78cm, nặng 875kg. Nó chính là đỉnh vua trong nhóm thanh đồng khí của cả nước,
không có cái nào sánh bằng. Tại mộ Phụ Hảo cũng phát hiện được một cặp đỉnh lớn
vuông, mấy đỉnh lớn này trong cả nước đếm được trên đầu ngón tay, so với đỉnh
Tư Mẫu Mậu giống như đứa bé so với người lớn.
4- Trình
độ đúc cao, tạo hình tinh mĩ, đậm tính thưởng thức nghệ thuật. Đúc những thanh
đồng khí lớn giống như đỉnh Tư Mẫu Mậu cần phải có cả trăm người phân công hợp
tác, dùng công nghệ phức tạp chia ra đúc rồi hợp lại để chế tạo, phản ánh được
trình độ công nghệ tương đối cao. Trình độ công nghệ đúc đồng cao cũng phản ánh
trên những đồ đồng được đúc, tạo hình đều rất tinh mĩ, như ngạc tôn 鹗尊, ngẫu phương di 偶方彝,
tam liên nghiễn 三联甗, phương lôi 方罍 đào được tại mộ Phụ
Hảo đều có thiết kế tạo hình rất đẹp. Đồng thời, những lễ khí bằng đồng phát hiện
được đều có hoa văn trang sức bề ngoài phức tạp. Hoa văn trang sức có 2 loại lập
thể và bình diện; lập thể là loại rồng mang tính động vật (thần thoại), quỳ
long 夔龙, song đầu bàn long 双头盘龙 cùng những tạo hình về trâu dê; loại bình diện thường lấy vân lôi văn 云雷纹 làm hoa văn nền, lấy hoa văn thao thiết 饕餮 làm hoa văn chính, đây là loại hoa văn trang sức phổ
biến nhất. Hai loại hoa văn lập thể và bình diện hỗ tương phản chiếu lẫn nhau, cấu thành tính thưởng thức nghệ thuật mạnh mẽ.
5- Lễ
khí thanh đồng được làm tế khí trong tông miếu, những loại dùng trong triều hội,
lễ kết minh đều mang tính chất lễ nghi chuyên dụng, cho nên còn gọi là “lễ khí”
礼器. Lễ khí thanh đồng chủ yếu có phương đỉnh 方鼎, viên đỉnh 圆鼎, cách 鬲, nghiễn 甗, quỹ 簋, tôn 尊, hồ 壶, lôi 罍, cô 觚, tước 爵, bàn 盘v.v… Đương nhiên quốc vương và quý tộc thường ngày
cũng có cuộc sống “chung minh đỉnh thực” 钟鸣鼎食, những lễ khí thanh đồng nói ở trên, trên thực tế cũng là đồ hưởng dụng
thường ngày của quý tộc. Nói “lễ khí”, là cũng đã thần thánh hoá cuộc sống của
quốc vương và quý tộc, từ đó cung cấp cho nó hàm nghĩa tôn nghiêm và thần
thánh. Một trong những nét đặc sắc của thanh đồng khí chính là lễ khí có tính
tượng trưng vương quyền và thần quyền.
Trong
văn hoá thanh đồng ở Trung Quốc, “đỉnh” của trung nguyên có hàm nghĩa chính trị
cao nhất
- Tượng
trưng vương quyền, quốc gia.
- Tượng
trưng quyền lực chính trị và đẳng cấp địa vị xã hội.
Đỉnh
nguyên vốn là một loại dụng cụ dùng để nấu thịt, có một số đỉnh đồng khi đào được
trên miệng đỉnh còn có xương heo xương trâu, càng chứng minh cho điều này.
Nhưng do bởi đỉnh chỉ là loại dành cho quốc vương hoặc quý tộc dùng, có lúc nấu
thịt để cung cấp cho tế tự nên đã khiến cho đỉnh đồng từ loại ẩm thực khí, tửu
khí trở thành loại lễ khí chuyên dụng của vương thất quý tộc. Do bởi đỉnh lớn
mà vương triều dùng đứng đầu lễ khí, là loại trọng khí dùng trong tế tự ở tông
miếu, nên đã được xem là bảo khí quốc gia thần thánh không thể xâm phạm, được
xem là tượng trưng cho vương quyền và quốc gia. Thời Chu Vũ Vương diệt nhà
Thương, đã đem bảo khí (lễ khí) của họ dời đến Hạo kinh 镐京, xem đó là tượng trưng cho chính quyền đã đổi chủ.
Năm 606 trước công nguyên, khi Sở Trang Vương dàn binh ở ngoại ô đất Chu 周 (nay là phía ngoài Lạc
Dương 洛阳) đã phát sinh sự kiện “vấn đỉnh trung nguyên” 问鼎中原. Từ đó, “vấn đỉnh trung nguyên” 问鼎中原 chính là cụm từ mang ý nghĩa muốn đoạt lấy thiên hạ.
Còn gọi “định đỉnh trung nguyên” 定鼎中原 chính là mang ý
nghĩa chiếm được quyền lực quốc gia trong cuộc tranh giành nhau, kiến lập một
chính quyền mới ở trung nguyên. Ở đây chúng ta có thể thấy “văn hoá đỉnh” trong
văn hoá thanh đồng là linh hồn, đại biểu cho văn hoá quốc gia có chế độ nô lệ.
Chú của
nguyên tác
1- Ân Khư Phụ Hảo
mộ 殷墟妇好墓, Văn vật xuất bản xã, năm 1981.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/01/2015
Nguyên tác Trung văn
XÁN LẠN ĐÍCH THANH ĐỒNG VĂN HOÁ
灿烂的青铜文化
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật