Dịch thuật: Trúc lâm thất hiền với rượu


TRÚC LÂM THẤT HIỀN VỚI RƯỢU

          “Trúc lâm thất hiền” 竹林七贤 chỉ 7 nhân vật đại biểu “thanh đàm gia” 清谈家 đầu thời Tây Tấn, gồm: Nguyễn Tịch 阮籍, Kê Khang 嵇康, Lưu Linh 刘伶, Hướng Tú 向秀, Nguyễn Hàm 阮咸, Sơn Đào 山涛, Vương Nhung 王戎. Họ đề xướng cái học hư vô Lão Trang, coi nhẹ lễ pháp, tránh xa trần tục, kết bạn vui chơi trong rừng trúc, nhân đó sử gọi là “Trúc lâm thất hiền”. 7 người này tính tình cổ quái, ngoài mặt ra vẻ tiêu sái bất phàm, coi thường thế sự, nhưng trong lòng lại có một dòng chảy đau khổ khó dừng. Lúc đầu Trúc lâm thất hiền đều bị tập đoàn họ Tư Mã 司马 đang nắm quyền phản đối, về sau có người bị mua chuộc giữ chức quan cao, còn những ai không thuận theo thì bị trị tội.

Nguyễn Tịch阮籍: tự Tự Tông 嗣宗, từng giữ chức Binh bộ hiệu uý, Tán kị thị lang, được phong Quan nội hầu 关内侯. Nguyễn Tịch vốn có chí cứu đời, nhân vì có mâu thuẫn với họ Tư Mã đang nắm quyền, nhìn thấy danh sĩ lúc bấy giờ đa số có kết cục không hay, nên thường mượn rượu phóng cuồng để tránh hoạ hại. Mỗi lần cuồng say liền chạy đến núi hoang rừng sâu kêu thét, phát tiết nỗi uất ức trong lòng. Cạnh nhà ông có một tiệm rượu, thiếu phụ đứng bán rất xinh đẹp, ông thường sang đó uống rượu, uống say là nằm lăn quay bên cạnh thiếu phụ. Chồng thiếu phụ rất hiểu con người Nguyễn Tịch nên không trách tội.
          Nguyễn Tịch ham uống rượu, có được cơ hội là uống thật say. Nghe nói vị đầu bếp bộ binh giỏi ủ rượu, có trữ 300 hộc rượu, Nguyễn Tịch liền thỉnh cầu làm Binh bộ hiệu uý, mục đích là để ngày ngày có thể uống được rượu. Con người Nguyễn Tịch trước giờ không chịu câu thúc, gác bỏ lễ giáo ra ngoài. Khi người mẹ qua đời, đương lúc ông đang đánh cờ với người khác, đối thủ nghe được hung tin, xin ông không nên đánh nữa, Nguyễn Tịch lại đòi phải quyết một trận ăn thua, đánh xong lại uống 2 đấu rượu, gào lên một tiếng, thổ huyết mấy thăng. Lúc lâm tang mẹ, lại uống 2 đấu.
Kê Khang 嵇康: tự Thúc Dạ 叔夜, nổi tiếng ngang cùng Nguyễn Tịch, làm quan đến chức Trung tán đại phu. Ông cùng với tông thất nhà Nguỵ có mối quan hệ thông gia, không muốn dựa vào họ Tư Mã, cuối cùng bị gièm mang tội chết. Trong sử nói rằng, năm 20 tuổi Kê Khang không lộ sắc mặt vui buồn, điềm tĩnh quả dục, khoan giản đại lượng. Sau khi Sơn Đào 山涛 đắc chí đã tiến cử ông làm quan, ông từ chối không nhận, nói rằng:
Rượu đục một li, đàn cầm một khúc thể là đã thoả chí nguyện rồi.
          Ông cho việc làm quan như loài động vật bị nhốt trong vườn, mất hết tự do. Điều đó chứng tỏ Kê Khang không mong cầu danh tiếng.
          Kê Khang có viết Dưỡng sinh luận 养生论, đem lí luận ẩm thực nhiếp sinh của đạo Lão Trang trình bày rõ ràng, đề xướng thanh hư tĩnh thái, thiểu tư quả dục. Người giỏi dưỡng sinh đều nhận thức đạo lí hậu vị hại tính, không thể tham cầu. Thậm chí Kê Khang tổng kết kinh nghiệm “năm được mùa nhiều bệnh, năm đói ít bệnh”, nên cần phải tiết chế ẩm thực, “khẩu bất tận vị” 口不尽味.
          Nếu “lấy điềm tĩnh làm vị ngon thì tửu sắc không đủ để kính trọng”, tửu và sắc đều là loại độc dược ngọt ngon, không có thì luôn đi tìm. Nhưng Kê Khang không được liệt vào tửu đồ, ông không có những sự tích về say rượu như những người khác trong Trúc lâm thất hiền. Kê Khang còn đề xuất thuyết “dưỡng sinh hữu ngũ nan” 养生有五难 (5 cái khó trong việc dưỡng sinh) tức điều mà gọi là:
          - Danh lợi bất diệt 名利不灭(danh và lợi không diệt được)
          - Hỉ nộ bất trừ 喜怒不除(vui và giận không trừ được)
          - Thanh sắc bất khứ 声色不去(thanh và sắc không bỏ được)
          - Tư vị bất tuyệt 滋味不绝 (món ngon không dứt được)
          - Thần hư tinh tán 神虚精散
          Nhiều nội dung trong đạo dưỡng sinh của Kê Khang có thể tiếp nhận được.
                                                            (còn tiếp)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 09/01/2015

Nguyên tác Trung văn
TRÚC LÂM THẤT HIỀN DỮ TỬU
竹林七贤与酒
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post