TRÚC LÂM THẤT HIỀN VỚI RƯỢU
(tiếp theo)
Hướng Tú 向秀: tự Tử Kì 子期, thời Tư Mã Chiêu 司马昭
giữ chức Hoàng môn thị lang, Tán kị thường thị. Hướng Tú biết rộng, thường cùng
với Kê Khang luận bàn về đạo dưỡng sinh, quan điểm của hai người bề ngoài có vẻ
đối lập nhưng bên trong là nhất thể. Hướng Tú trình bày luận điểm của Kê Khang
càng đầy đủ cho nên nhiều lần cố ý gây
khó, chẳng qua luận điểm coi trọng ngũ cốc của ông chí ít đã đại biểu cho tư tưởng
của một bộ phận nhân sĩ khác. Có lẽ Hướng Tú giống Kê Khang, cũng là người
trong Trúc lâm thất hiền chẳng có hứng thú gì đối với rượu, nhưng một chút rượu
có nếm qua không cũng là điều khó nói.
Lưu Linh 刘伶: tự Bá Luân 伯伦, từng giữ chức Kiến uy tham quân, tính thích rượu,
phóng túng, thường ngồi xe do hươu kéo, mang theo bình rượu, sai người vác xẻng theo sau, nói rằng:
Bất luận ta chết ở nơi đâu thì chôn ta
nơi đó.
Lưu
Linh đạm bạc ít nói, nhưng một khi cất tiếng có thể khiến người ta kinh ngạc.
Có một lần Lưu Linh uống rượu sắp say, liền cởi áo đang mặc trên người, phô trần
thân thể. Có người trông thấy vậy cười lên, Lưu Linh nói rằng:
Ta lấy trời đất làm nhà, lấy phòng ốc làm quần
áo. Ông xem, mấy người các ông chui vào quần của ta rồi.
Người nọ
cảm thấy xấu hổ. Lại có một lần, Lưu Linh sau khi say cùng với một đại hán phát
sinh xung đột, người nọ xắn tay áo lên vung nắm đấm định đánh. Lưu Linh lạnh
lùng nói một câu:
Ta gầy như một sợi gân gà, không có chỗ
cho nắm đấm của ông.
Câu nói
ấy đã khiến cho vị đại hán nọ hết giận, trong phút chốc bật cười.
Nguyễn Hàm 阮咸: tự Trọng Dung 仲容, cháu gọi Nguyễn Tịch bằng chú, hai chú cháu được gọi
là “đại tiểu Nguyễn”. Nguyễn Hàm từng giữ chức Tán kị thị lang, ra làm Thái thú
ở Thuỷ Bình 始平, một đời không chịu câu thúc, ham rượu. Tông tộc họ
Nguyễn đều thích rượu, có một lần người trong tộc tụ họp lại, ngay cả li uống
rượu thường ngày đều không dùng đến, chỉ dùng chậu lớn đựng rượu, mọi người ngồi
quanh cùng uống. Lúc đó có một bầy heo chạy lại, heo và người cùng hưởng rượu
trong chậu. Nhân vì Nguyễn Hàm tinh thông âm nhạc, giỏi đánh đàn tì bà nên uống
rất cao hứng lại còn đàn ca một khúc.
Sơn Đào 山涛: tự Cự Nguyên 巨源, trong Trúc lâm thất hiền, ông giữ chức quan tương đối
lớn, Lại bộ Thượng thư, Thị trung. Tửu lượng của Sơn Đào đạt đến 8 đấu. Tấn Vũ
Đế muốn thử tửu lượng Sơn Đào cao thấp nên mời đến uống rượu, về danh nghĩa là
mời Sơn Đào 8 đấu nhưng lén tăng thêm một ít, Sơn Đào uống đến 8 đấu thì không
nâng li nữa.
Vương Nhung 王戎: tự Tuấn Xung 濬冲, con đường làm quan của ông thông đạt, trải qua các
chức Trung thư lệnh, Quang lộc đại phu, Thượng thư Tả bộc xạ, tư đồ. Vương
Nhung là người nhỏ tuổi nhất trong Trúc Lâm thất hiền, lúc nhỏ thông minh hơn
người, thần thái thấu triệt. Lúc còn nhỏ, có một lần Vương Nhung cùng đám trẻ
chơi ở bên đường, nhìn thấy cây lí sai trĩu quả, đám trẻ tranh nhau hái, chỉ một
mình Vương Nhung thanh sắc tự nhiên bất động. Có người hỏi tại sao không đi hái
ăn, Vương Nhung trả lời rằng:
Cây lí mọc bên đường thế mà đầy cả quả
nhất định là lí đắng.
Người nọ
hái xuống nếm thử, quả đúng như thế. Nhà Vương Nhung có trồng loại lí ngon, thường
bán được giá cao, ông sợ người ta có được hạt lí đem trồng sẽ đoạt mất nguồn lợi
của mình nên đem hạt lí đục lỗ rồi mới bán quả, vì việc này mà ông bị người đời
chê cười.
Trong
Trúc lâm thất hiền, Vương Nhung, Kê Khang và Hướng Tú không thích rượu mấy,
nhưng cũng không thể nói họ không uống giọt nào. Trong Thế thuyết tân ngữ - Nhậm đản 世说新语 - 任诞 có
ghi:
Thất nhân thường tập vu trúc lâm chi hạ,
tứ ý hàm sướng.
七人常集于竹林之下, 肆意酣畅
(Bảy người thường tập
trung nơi rừng trúc, uống rượu thoả thích)
Có thể thấy ít nhiều họ cũng uống qua. Trong ngôi mộ
táng thời Lục triều ở khu vực gần Nam Kinh 南京,
người ta đào được gạch có chạm hình, trong đó có Trúc lâm thất hiền, 7 người đều
ngồi trên đất, người thì ôm đàn, người thì phanh áo uống rượu, người thì ngâm vịnh,
khắc hoạ được tài tình phong độ danh sĩ.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn
10/01/2015
Nguyên tác Trung văn
TRÚC LÂM THẤT HIỀN DỮ TỬU
竹林七贤与酒
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật