NHẠC PHI
(kì 1)
Nhạc Phi lúc nhỏ ban ngày đốn củi chăn
trâu, ban đêm thắp đèn đọc sách, mẫu thân dạy ông học chữ. Lớn lên một chút, Nhạc
Phi làm ruộng, học võ nghệ, có thể kéo cung lớn nặng 300 cân, quyền bổng đao kiếm
đều tinh thông.
Nhạc Phi rất thích đọc “Tả truyện” 左传, “Tôn Tử binh pháp” 孙子兵法, “Ngô Tử” 吴子 , thường đọc từ tối đến khi trời sáng. Về
sau Nhạc Phi ra ngoài mưu sinh, giao du rất rộng, tầm mắt được mở rộng.
Nhạc Phi khi lâm trận rất anh dũng,
thường đi trước quân sĩ. Kỉ luật trong Nhạc gia quân của ông rất nghiêm minh, “đống
tử bất sách ốc, ngạ tử bất đả lỗ” 冻死不拆屋, 饿死不打掳 (thà chết rét chứ không dỡ nhà của dân để lấy củi đốt
sưởi ấm; thà chết đói chứ không cướp lương thực của dân để ăn), đánh bại quân
Kim xâm nhập.
Nhạc Phi là vị anh hùng dân tộc cổ đại
được tôn kính nhất, là nhà quân sự kiệt xuất. Ở Nhạc Phi đã ngưng tụ tinh hoa
dùng binh thời Đường Tống, thể hiện sự kết hợp hoàn mĩ lí giữa luận binh gia với
thực tiễn chiến tranh.
THIẾU NIÊN TÒNG QUÂN, LUÔN ĐI TRƯỚC SĨ TỐT
Năm
Sùng Ninh 崇宁 thứ 2 đời Tống Huy Tông 宋徽宗,
Nhà của Nhạc viên ngoại là một hộ lớn của Nhạc gia trang, gia tài phong phú,
thường cứu giúp dân nghèo, rất có uy vọng với bà con trong làng. Đối với ông mà
nói, điều đáng tiếc nhất đó là đã gần 50 tuổi mà vẫn không có con nối dõi.
Một hôm,
một con chim bằng từ trời cao bay đến, đậu lại trên nóc nhà của Nhạc gia trang
tại làng Vĩnh Hoà 永和. Nhạc viên ngoại nghe tiếng chim kêu, không ngăn nỗi
kinh ngạc. Lúc bấy giờ, từ trong nhà vang ra tiếng khóc của em bé, Nhạc viên
ngoại vội bước vào, trên khuôn mặt trắng bệch của Diêu thị 姚氏 hiện rõ một vầng sáng hồng. Diêu thị nói rằng:
Mau lại nhìn con.
Nhạc
viên ngoại cười nói rằng:
Cuối cùng ta cũng có con rồi.
Chim bằng
trên nóc nhà kêu lên từng hồi, Nhạc viên ngoại bảo rằng:
Đặt tên con là Nhạc Phi, tự là Bằng Cử đi,
mong con sau này giống như chim bằng tung cánh bay cao.
Một
ngày nọ, từ xa vang lại những trận kêu thất thanh:
Hoàng hà vỡ đê rồi! Hoàng hà vỡ đê rồi!
Mọi người
dẫn già dắt trẻ, khóc vang chạy ra khỏi nhà hướng đến ngoài thôn, cứ nhắm địa
thế cao mà chạy đến. Nhạc viên ngoại bế Nhạc Phi chưa đầy một tháng, dẫn Diêu
thị chạy ra giữa sân. Trong tình hình khẩn cấp, Nhạc viên ngoại nhìn thấy nơi
góc tường có một cái chậu gỗ lớn liền kéo Diêu thị chạy đến. Nhạc viên ngoại ẵm
Diêu thị bỏ vào chậu, bảo Diêu thị bế Nhạc Phi, nói rằng:
Phu nhân, nhờ nàng bảo toàn huyết mạch của
Nhạc gia.
Nước lớn
ùa tới, chậu gỗ theo giòng nước trôi đi.
Diêu thị
ngồi trong chậu gỗ, chung quanh biển nước mênh mông, nào gà nào lợn nào chó nào
dê nổi trên mặt nước, có cả thây người. Diệu thị ôm chặt Nhạc Phi trong lòng.
Chậu gỗ từ huyện Hoàng 黄 phủ Đại Danh 大名 tỉnh Hà Bắc 河北 theo giòng nước
trôi đến bên bờ. Trận lũ này khiến tài sản của Nhạc gia tích luỹ từ bao đời đã
trôi ra biển đông.
Diêu thị
dựa vào việc may vá để nuôi Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi lên 6,7 tuổi bắt đầu đốn củi
chăn trâu, xách nước nấu cơm. Lớn thêm một chút đến làm công cho nhà người ta.
Diêu thị tính tình mạnh mẽ, hi vọng việc chấn hưng cơ nghiệp kí thác vào Nhạc
Phi. Không có bút giấy mực nghiên, bà dùng mâm gỗ rải cát lên trên để viết dạy
Nhạc Phi học chữ.
Từ khi
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 赵匡胤 lên ngôi, triều
đình thực thi chính sách trọng văn khinh võ, quân nhân bị áp chế, sĩ tốt bị gọi
là “xích lão” 赤佬, trên mặt có thích chữ. Lúc bấy giờ, Liêu Kim nhiều lần
khiêu khích, xâm nhập trung nguyên, ra tay cướp bóc. Quân Tống hễ đánh là bại,
bách tính khổ sở vì chiến loạn.
Nhạc
Phi thiếu thời đi khắp nơi tìm danh sư để học võ nghệ. Đầu tiên bái Trần Quảng 陈广 ở
Thang Âm 汤阴 làm thầy để luyện thương pháp. Trong cuộc tỉ võ toàn
huyện, Nhạc Phi với một cây thương đã đánh rớt đài nhiều đối thủ đoạt lấy vòng
nguyệt quế. Nhạc Phi còn hướng tới Chu Đồng 周同 học cưỡi ngựa bắn tên, Nhạc Phi có thể kéo cây cung nặng
300 cân, ngồi trên lưng ngựa bắn bên trái bên phải, trăm phát trăm trúng. Chu Đồng còn dạy Nhạc Phi những chiến thuật được ghi chép
trong “Tôn Tử binh pháp”. Chu Đồng nói rằng:
Dùng binh đánh trận phải dựa vào trí, phải lấy
ít thắng nhiều, lấy yếu
thắng mạnh.
Sau khi
Chu Đồng mất, cứ đến ngày mồng 1 ngày rằm Nhạc Phi đều đến trước mộ Chu Đồng
cúng bái, hành vi không quên ân sư của Nhạc Phi được mọi người khen ngợi.
Năm
Tuyên Hoà 宣和 thứ 4 đời Tống Huy Tông (năm 1122), Tuyên phủ sứ Chân
Định 真定 là Lưu Cáp 刘铪 chiêu binh, Nhạc
Phi 19 tuổi trở thành tiểu đội trưởng. Có một lần, Nhạc Phi xin Lưu Cáp cho
đánh trận, nguyện đem kị binh quyết một trận tử chiến với bọn thổ phỉ. Được sự
đồng ý, Nhạc Phi sai một bộ phận kị binh giả trang thành thương nhân đến doanh
trại thổ phỉ “kinh doanh”. Bọn phỉ nhìn thấy đám “thương nhân” mạnh khoẻ nên bắt
lại toàn bộ ép nhập bọn để bổ sung đội ngũ.
Nhạc
Phi sai 100 binh sĩ mai phục nơi hiểm yếu ở dưới núi, riêng mình đích thân dẫn
mấy chục kị binh đến trước doanh trại thổ phỉ khiêu chiến. Bọn phỉ mở cổng trại,
ào ào xông ra, Nhạc Phi vờ đánh mấy hiệp rồi quay đầu ngựa bỏ chạy. Khi bọn phỉ
đến dưới chân núi, phục binh bốn phía nổi dậy. Nhạc Phi quay lại. Một trận kịch
chiến, thổ phỉ chết quá nửa, số còn lại lũ lượt đầu hàng.
Quan
binh nhân cơ hội phá huỷ sào huyệt của thổ phỉ, thủ lĩnh thổ phỉ là Đào Tuấn 陶俊 và Giả Tiến 贾进 cưỡi ngựa chạy trốn,
ngựa vấp ngã cả hai bị bắt, Nhạc Phi áp giải tù binh trở về.
Chẳng
bao lâu, Nhạc Phi tham gia quân Tống đánh Yên thành 燕城.
Đương thời nước Liêu không ngừng bị quân Kim chinh phạt, nước sắp mất, binh lực
Yên thành bạc nhược. Quân Tống mười mấy vạn nhân mã, lại thêm 8000 binh mã của
Quách Dược Sư 郭药师 đã chiếm ưu thế tuyệt đối về binh lực.
Nhưng
tướng lĩnh của đội quân nhà Bắc Tống tham sống sợ chết, sĩ tốt kỉ luật không
nghiêm, vừa mới giao tranh cùng quân Liêu đã bại. Quách Dược Sư kiến nghị với đại
tướng Lưu Diên Khánh 刘延庆, nên công hạ Yên
thành trước khi quân Liêu chưa tới. Lưu Diên Khánh đồng ý. Quách Dược Sư dẫn
6000 binh mã suốt đêm vượt qua sông Lư Câu 芦沟
tập kích Yên thành.
Trong
trận này, Nhạc Phi dẫn đội quân cảm tử xông lên phía trước, quân Liêu ra sức bắn
tên, đá và gỗ cũng không ngừng đổ xuống, Nhạc Phi theo thang dây lên tường
thành, chém địch, mở cửa thành. Quân Quách Dược Sư tiến vào, chiếm lĩnh ngoài
thành Yên Kinh. Đại tướng Lưu Diên Khánh lại không chịu tăng viện, chẳng bao
lâu, viện quân của quân Liêu xông đến ngoại thành, hợp cùng quân Liêu trong
thành đánh quân Tống vào thành, chỉ có một số ít quân Nhạc Phi thoát được.
Năm
Tuyên Hoà 宣和 thứ 7 (năm 1125) sau khi diệt Liêu, quân Kim chia làm
2 lộ xâm nhập Bắc Tống. Quân Kim tây lộ do Tông Bật 宗弼
chỉ huy, từ Đại Đồng 大同 thẳng tới Thái
Nguyên 太原, quân dân Thái Nguyên anh dũng phản kích, ngăn chúng
tiến xuống phía nam. Quân Kim đông lộ do Oát Li Bất 斡离不
chỉ huy, dùng hàng tướng nhà Tống là Quách Dược Sư làm tiên phong, tiến đánh
Khai Phong 开封. Triều Tống khủng hoảng, căn bản không muốn nghinh
chiến, chỉ muốn bỏ chạy. Cuối năm, quân Kim tiến sát gần Khai Phong. Tống Huy Tông sợ đến nỗi ngất lăn ra đất. Sau khi tỉnh lại, đòi
đem bút mực đến viết chiếu thư thoái vị, để thái tử Triệu Hằng 赵恒 kế vị, tức Tống Khâm Tông 宋钦宗.
Tống Huy Tông dẫn một nhóm đại thần chạy đến Trấn Giang 镇江. Tống Khâm Tông nhiều lần cũng muốn bỏ chạy nhưng bị
đại thần chủ trương kháng Kim là Lí Cương 李纲
ngăn cản, bức phải lưu lại.
Năm
Tĩnh Khang 靖康 thứ nhất (năm 1126), Khang vương Triệu Cấu 赵构 lập phủ Đại nguyên soái ở Tương Châu 相州, sai Xu mật phó sứ Lưu Hạo 刘浩
mộ binh. Nhạc Phi một lần nữa tham gia. Triệu Cấu rất mến mộ Nhạc Phi, người đầu
tiên leo lên thành khi đánh Yên Kinh, sai Nhạc Phi đi chinh phạt thổ phỉ Cát
Thiến 吉倩. Cát Thiến từ lâu đã nghe danh Nhạc Phi, không đánh
đã hàng. Triệu Cấu phong Nhạc Phi làm Vũ Huấn Lang 武训郎.
Khai
Phong cấp báo, Triệu Cấu sai Nhạc Phi theo Lưu Hạo đi cứu viện, trên đường gặp
phải quân Kim, hai bên đối đầu nhau tại thành Hoạt Đài 滑台.
Một ngày nọ, Nhạc Phi chỉ huy hơn 100 kị binh thao luyện bên sông, đột nhiên đại
quân của quân Kim xuất hiện. Một số kị binh quay ngựa muốn chạy bị Nhạc Phi
ngăn lại. Nhạc Phi nói rằng:
Quân Kim tuy đông nhưng không biết nội tình
của chúng ta, há dám khinh suất tấn công. Nếu chúng ta bỏ chạy, đương nhiên
quân Kim thừa thắng truy sát, chúng ta khó tránh khỏi cái chết; còn nếu chúng
ta nhân lúc quân Kim chưa ổn định đánh cho chúng trở tay không kịp.
Nói
xong, Nhạc Phi thét lớn, đi trước xông vào quân địch, đám kị binh theo sau.
Một
viên tướng Kim chạy thẳng đến chỗ Nhạc Phi vung đao muốn chém, Nhạc Phi huơ
thương trúng ngay tim tướng Kim, quân Kim trông thấy sợ hãi vô cùng. Cây thương
trong tay Nhạc Phi vung lên giáng xuống, quân Kim ôm đầu lủi chạy. Nhạc Phi thắng
lợi thu binh, Lưu Hạo dâng thư lên Triệu Cấu xin thưởng công cho Nhạc Phi. Triệu
Cấu ban xuống uỷ nhiệm thư, đề bạt Nhạc Phi làm Bỉnh Nghĩa Lang 秉义郎. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 25/01/2015
Nguyên tác
NHẠC PHI
THIẾU NIÊN TÙNG QUÂN, HƯỚNG LAI THỊ THÂN TIÊN SĨ TỐT
岳飞
少年从军向来是身先士卒
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật