Dịch thuật: Bí ẩn việc "Nghiêu Thuấn thiện nhượng"

BÍ ẨN VIỆC “NGHIÊU THUẤN THIỆN NHƯỢNG”

          Theo những ghi chép trong sách cổ, Nghiêu là vị Đế thứ 4 trong Tam Hoàng Ngũ Đế 三皇五帝, tính là Y Kì 伊祁, tên là Phóng Huân 放勋, hiệu Đào Đường thị 陶唐氏, gọi tắt là Đường Nghiêu 唐尧.  Thuấn tính Diêu , tên là Trùng Hoa 重华. Trong sử thư có nói, Đế Nghiêu tự động đem quyền vị nhường cho ông Thuấn, được khen là “cử hiền” 举贤, là mẫu mực trong việc giao và tiếp nhận quyền lực, tức “Nghiêu Thuấn thiện nhượng” 尧舜禅让.
          Kì thực, đây vốn là truyền thuyết của thời viễn cổ, không hề có văn tự ghi chép, về sau đến thời Xuân Thu Chiến Quốc mới hình thành văn tự. Truyền thuyết này chân thực, chuẩn xác hay không xưa nay cũng có người hoài nghi. Có người cho rằng truyền thuyết này là hư cấu, căn bản không phải “thiện nhượng” 禅让, mà là “soán đoạt” 篡夺, có lí có chứng cứ.
Theo ghi chép trong Sử kí 史记, sau khi ông Thuấn có được quyền quản lí hành chính, để củng cố sự thống trị của mình, lập tức phù trợ những người thân tín, trừ khử những ai khác ý với mình, trong lịch sử gọi là “cử thập lục tướng” 举十六相, “khứ tứ hung” 去四凶. Gọi là “cử thập lục tướng” chính là ông Thuấn đồng thời dùng “bát khải” 八恺, “bát nguyên” 八元 (1) bị Đế Nghiêu trường kì bài trừ ra khỏi trung tâm quyền lực. Gọi là “khứ tứ hung” (2)  chính là bài trừ đồng thời Hồn Thuần 浑沌, Cùng Kì 穷奇, Phù Ngột 符杌, Thao Thiết 饕餮 được Đế Nghiêu lúc tại vị sủng tín. Như vậy làm cho Đế Nghiêu mất thực quyền. Sau đó ông Thuấn lại giam lỏng Đế Nghiêu, không cho gặp mặt con và thân hữu, tiếp đó bức nhường ngôi vị. Cuối cùng còn đày con của Đế Nghiêu đến Đan thuỷ 丹水.

Thuyết “ủng đới” 拥戴 và “uý lao” 畏劳.
          Ngoài ra cũng có người cho rằng, không phải “thiện nhượng” 禅让 mà là “ủng đới” 拥戴 (ủng hộ tôn sùng). Mạnh Tử 孟子, Tuân Tử 荀子 cho rằng, chức vị thiên tử tối cao, quyền thế tối đại, không thể đem thiên hạ cho người khác. Thế thì, họ làm thế nào có được thiên hạ? Trong Mạnh Tử - Vạn Chương 孟子万章 có nói, sau khi Đế Nghiêu mất, ông Thuấn tránh con của Đế Nghiêu là Đan Chu 丹朱 ở phía nam Nam Hà 南河. Chư hầu trong thiên hạ đều chạy đến triều kiến ông Thuấn, các quan cũng đến tìm ông Thuấn, ca dao cũng ca tụng ông Thuấn. Vì thế ông Thuấn đã tiếp nhận ý tốt của mọi người lên ngôi Đế. Cũng chính là nói, bất kể là Đế Nghiêu thiện nhượng hay không thiện nhượng, chư hầu và dân chúng đều một lòng “ủng đới”, thiên hạ là của ông Thuấn. Đến thời vua Vũ , cũng theo lí này. Thuyết “ủng đới” này với sự kiện binh biến Trần Kiều 陈桥 “hoàng bào gia thân” 黄袍加身 của Tống Thái Tổ ở mấy ngàn năm sau không khác gì nhau. Ngoài ra, còn có một thuyết khác gọi là “uý lao” 畏劳 (sợ khổ), ý nói Nghiêu Thuấn thiện nhượng không có gì là nghiêm túc và thần thánh, chẳng qua chỉ là mọi người không muốn gánh lấy nhiệm vụ cực khổ mà thôi.
          Xem ra, chung quanh thuyết “thiện nhượng”, có rất nhiều truyền thuyết kì lạ. Nếu quả thực có việc “Nghiêu Thuấn thiện nhượng”, chí ít cũng chứng minh hành động cao thượng của họ đủ để khiến các bậc đế vương phong kiến đời sau cảm thấy hổ thẹn.

Chú của người dịch
1- Bát khải 八恺: tương truyền là 8 người tài giỏi của họ Cao Dương 高阳.
          Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左传 - 文公十八年 có chép “bát khải” gồm:
          Thương Thư 苍舒, Đồi Ngai 隤敳, Đào Dẫn 檮戭, Đại Lâm 大临, Mang Hàng 尨降, Đình Kiên 庭坚, Trọng Dung 仲容, Thúc Đạt 叔达.
    Bát nguyên 八元: tương truyền là 8 người tài giỏi của họ Cao Tân 高辛.
          Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左传 - 文公十八年 có chép “bát nguyên” gồm:
          Bá Phấn 伯奋, Trọng Kham 仲堪, Thúc Hiến 叔献, Quý Trọng 季仲, Bá Hổ 伯虎, Trọng Hùng 仲熊, Thúc Báo 叔豹, Quý Li 季狸.
2- Tứ hung 四凶: theo truyền thuyết, 4 hung thần bị vua Thuấn đày ra 4 phương. Trong Thượng thư 尚书Tả truyện 左传 đều ghi chép, nhưng có chỗ khác nhau.
         Trong Thượng thư – Thuấn điển尚书 - 舜典 là: Cung Công 共工, Hoan Đâu 欢兜, Cổn , Tam Miêu 三苗.
          Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左传 - 文公十八年  là: Hồn Đôn 浑敦, Cùng Kì 穷奇, Đào Ngột 檮杌, Thao thiết 饕餮.
                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 04/01/2015

Nguyên tác Trung văn
“NGHIÊU THUẤN THIỆN NHƯỢNG” CHI MÊ
尧舜禅让之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Biên soạn: nhiều tác giả
Chu Hải xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post