Dịch thuật: Truyền thuyết thần thoại về "Hà đồ" "Lạc thư"

TRUYỀN THUYẾT THẦN THOẠI VỀ “HÀ ĐỒ” “LẠC THƯ”

          Trong truyền thuyết, khi vua Nghiêu cai trị thiên hạ, xuất hiện nạn hồng thuỷ khiến cả thế giới biến thành một biển nước mênh mông. Do bởi nạn hồng thuỷ nên ngũ cốc không mọc được, cỏ cây lại mọc um tùm, cầm thú sinh sôi nảy nở, uy hiếp nghiêm trọng đến sự an toàn sinh mệnh của mọi người. Truyền thuyết kể rằng, đó là do Thiên đế trừng phạt bách tính nên cố ý gây ra. Phụ thân của Hạ Vũ 夏禹 là ông Cổn khẩn cầu Thiên đế thu hồi cơn hồng thuỷ lại, nhưng Thiên đế không động lòng. Ông Cổn muốn cứu dân nên quyết định đi trộm loại đất thần để chặn. Đương lúc ném loại đất thần vào giòng nước thì bị Thiên đế phát giác, Thiên đế nổi giận sai Thuỷ thần Cung Công 共工 làm nạn hồng thuỷ quay trở lại, đồng thời sai Hoả thần Chúc Dung 祝融 đi trừng phạt ông Cổn. Ông Cổn chống không lại uy lực của Hoả thần Chúc Dung, cuối cùng bị bắt. Theo lệnh của Thiên đế, ông Cổn bị đưa tới một nơi gọi là Vũ sơn 羽山 để xử tử. Ông Cổn tuy bị sự trừng phạt tàn khốc của Thiên đế, nhưng không thay đổi quyết tâm tiêu diệt tai hoạ cho dân, sau ba năm bị giết, mắt ông không hề nhắm. Không chỉ thế, trong người ông lại có một sinh mệnh mới. Thiên đế biết được lại lệnh cho Hoả thần Chúc Dung mang thanh Ngô đao 吴刀 đến Vũ Sơn mổ bụng ông Cổn giết chết thai nhi trong bụng ông.
          Hoả thần Chúc Dung đến Vũ sơn, giơ thanh Ngô đao nhắm bụng ông Cổn  rạch một đường. Không ngờ từ trong bụng ông Cổn có một người nhảy ra, bay vút lên không, còn ông Cổn thì hoá thành con gấu vàng chạy vào Vũ sơn. Tiếp đó lại phát sinh biến hoá, hoá thành một con rồng vàng. Người mà từ trong bụng ông Cổn nhảy ra bay lên không sau này chính là anh hùng Đại Vũ 大禹 nổi tiếng, cũng gọi là Hạ Vũ 夏禹.
          Sự kiện đó khiến Thiên đế kinh hãi, liền giao việc trị thuỷ cho Đại Vũ, lại sai Đại Vũ đi giúp Hoàng Đế 黄帝 bình định Xi Vưu 蚩尤. Trong việc trị thuỷ, Đại Vũ đánh bại Thuỷ thần Cung Công, khống chế được nạn hồng thuỷ, sau đó bắt tay vào việc trị lí nạn hồng thuỷ. Đại Vũ đích thân đi xem xét núi cao sông lớn, đánh dấu mốc, xác định phương án biến thuỷ tai thành thuỷ lợi. Trong quá trình trị thuỷ, thông qua việc khơi thông sông ngòi, khiến nước chảy được thông suốt. Điều này làm cho nguồn nước phong phú cung ứng cho bách tính sử dụng, như cày cấy, chăn nuôi, dùng trong sinh hoạt.
          Đại Vũ trị thuỷ thành công, công lao của ông to lớn đến mấy ngàn năm sau vẫn được mọi người truyền tụng. Nhân đó Đại Vũ là một trong Ngũ đế trong truyền thuyết thần thoại cổ đại, là vị lãnh tụ của liên minh bộ lạc cổ đại và cũng là vị quân chủ khai quốc của triều Hạ.
          Cũng theo truyền thuyết, khi Đại Vũ trị thuỷ, có một con rồng vàng ở sông Lạc quẫy đuôi dẫn đường, vạch đất thành sông, khơi thông nước chảy. Còn có một con rùa lớn sắc đen, trên lưng cõng bùn xanh theo sau rồng vàng, gặp nơi nào trũng thấp thì bỏ bùn vào cho bằng phẳng, lại nâng cao chỗ ở của mọi người. Những nơi được đắp cao trở thành núi, nơi thấp thành sông.
         Còn có một truyền thuyết khác, chỉ có một con rùa lớn trên lưng cõng hàng chữ số từ 1 đến 9. Đại Vũ hiểu được ẩn ý sâu xa theo đó mà chế định ra “Hồng phạm cửu trù” 洪范九畴 bao quát tư tưởng ngũ hành trong đó. Theo thứ tự sắp xếp phân trời đất thành 9 châu, cũng chính là nói chia cả nước thành 9 khu vực hành chính. Do bởi rùa đội thư xuất hiện ở sông Lạc nên bức vẽ đó gọi là “Lạc thư” 洛书. Ngày nay tại huyện Lạc Ninh 洛宁, thành phố Lạc Dương 洛阳 tỉnh Hà Nam 河南 có xuất xứ của “Lạc thư” trong truyền thuyết.
          Đại Vũ bên cạnh Hoàng hà khi quan sát sự biến hoá của nước bỗng lại thấy từ trong nước xuất hiện một người. Người này mặt trắng thân cá, tự xưng là Hà tinh 河精, bưng một hòn đá láng bóng đưa cho Đại Vũ, sau đó nhảy vào nước biến mất. Đại Vũ nhìn kĩ mới biết đó là bức “Hà đồ” 河图. Bức Hà đồ này dùng hình vẽ miêu hoạ, cung cấp cho mọi người tri thức về phương diện địa lí và thuỷ văn vận dụng vào việc trị thuỷ. Với sự giúp đỡ của hoàng long, huyền quy, Hà tinh, Đại Vũ trị thuỷ một cách thuận lợi. “Hà đồ”, “Lạc thư” trong truyền thuyết trị thuỷ của Đại Vũ cùng với văn hoá thái cực có mối quan hệ khăng khít . Phục Hi 伏羲 cũng căn cứ theo đó vẽ ra bát quái, đó là phù hiệu văn tự cổ xưa nhất của Trung Quốc.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 10/12/2014

Nguyên tác Trung văn
“LẠC THƯ”, “HÀ ĐỒ” ĐÍCH THẦN THOẠI TRUYỀN THUYẾT
洛书”, “河图的神话传说
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post