Dịch thuật: Tập tục sử dụng nhân tịch (tiếp theo)

TẬP TỤC SỬ DỤNG NHÂN TỊCH
(tiếp theo)

          Người xưa đối với hướng ngồi trên tịch cũng có sự chú trọng nhất định. Trải tịch trên đường , đa phần chỗ cửa sổ của căn phòng, hướng về phía nam là tôn quý, cho nên trong sách cổ thường nói “nam diện” 南面. Chỗ ngồi trong thất , thì phía đông là tôn quý. Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ 史记 - 项羽本纪 có nói:
Hạng Vương, Hạng Bá đông hướng toạ.
项王, 项伯东向坐.
(Hạng Vương, Hạng Bá ngồi hướng về phía đông)
          Nếu một người nào đó đang có những việc không tốt, như người thân mất, phạm phải tội ngồi tù, hoặc người thân mắc bệnh nặng, thì họ tự giác ngồi sang bên cạnh để biểu thị sự tôn kính đối với chủ nhân. Như trong Lễ kí 礼记  ghi rằng:
Hữu ưu giả trắc tịch nhi toạ, hữu tang giả chuyên tịch nhi toạ.
有忧者侧席而坐, 有丧者专席而坐.
(Nếu cha mẹ bệnh nặng trong lòng lo lắng thì tự mình trải chiếc khác để  ngồi, nếu đang có tang thì ngồi riêng tịch một lớp)
          Truyền thuyết kể rằng, Tề Cảnh Công 齐景公 ra ngoài săn bắn, khi nghỉ ngoài đồng, ngồi trên đất mà ăn. Án Tử 晏子 từ phía sau đến, cắt lấy cỏ lau bên đường, trải lên đất mà ngồi. Cảnh Công nhìn thấy không vui, hỏi rằng:
Sao một mình khanh lại ngồi trên tịch?
Án Tử đáp rằng:
Thần nghe nói, người mặc giáp trụ không thể ngồi trên tịch, người phạm pháp hoặc phát sinh tranh chấp với người khác không thể ngồi trên tịch, người có thân nhân ngồi tù không thể ngồi trên tịch. Nhân bởi 3 sự việc này đều là những việc ưu sầu, thần không thể lấy cách ngồi của người có việc ưu sầu để hầu hạ ngài.
Cảnh Công nghe qua rất vui mừng, liền hạ lệnh đi cắt cỏ lau để làm tịch.
Thời cổ bề tôi lên triều nghị sự, quân thần đều đứng, người qua tuổi 70 có thể dùng trượng, khi quốc quân có lời muốn hỏi thì trải tịch cho phép ngồi. Trong Lễ kí 礼记  ghi rằng:
Thị cố triều đình đồng tước tắc thượng xỉ, thất thập trượng vu triều, quân vấn tắc tịch. Bát thập bất sĩ triều, quân vấn tắc tựu chi.
是故朝廷同爵则尚齿, 七十杖于朝, 君问则席. 八十不俟朝, 君问则就之.
          (Vì thế tại triều đình nếu tước vị ngang nhau thì luận tuổi tác, người nào tuổi cao sẽ ở trước, 70 tuổi có thể chống gậy lên triều, khi quốc quân có việc muốn hỏi thì trải tịch cho ngồi. 80 tuổi không phải lên triều, khi quốc quân có việc muốn hỏi thì phải đích thân đến nhà).
          Trong nhân tịch 茵席 còn có một loại có cách dùng đặc biệt, tên gọi là “cảo” , đa phần dùng rơm rạ để làm thành, dành cho phạm nhân. Người bình thường cũng có thể dùng, mang ý nghĩa tự ví mình như người có tội, cũng là một cách bày tỏ việc thỉnh tội của người xưa. Trong Sử kí – Phạm Thư truyện 史记 - 范雎传 có câu:
Ứng Hầu tịch cảo thỉnh tội
应侯席藁请罪
(Ứng Hầu trải tịch làm bằng cỏ lau ngồi chịu tội)
           Trong Sử kí – Ngô vương Tị truyện 史记 - 吴王濞传 cũng có ghi:
Giao Tây Vương nãi đản tiển, tịch cảo, ẩm thuỷ tạ Thái hậu
胶西王乃袒跣, 席藁, 饮水谢太后
(Giao Tây Vương bèn đi chân đất, ngồi tịch làm bằng cỏ lau, uống nước tạ Thái hậu)
Ngoài ra người xưa trong thời gian cư tang cũng dùng loại tịch này, trở thành loại lễ nghi ở thời kì cư tang.
Tịch dùng làm vật để ngồi, không chỉ thể hiện lễ tiết, mà còn là vật trân quý dùng để tặng.
Tịch và lễ tiết trong cuộc sống con người có quan hệ mật thiết, nhìn chung thường chỉ riêng loại tịch dùng để ngồi. Người xưa có tập quán là, phàm những vật dùng để nằm như gối và tịch, trước khi ngủ bày ra, đến sáng thì cất vào. Tịch dùng để nằm bị mọi người cho là vật không thể diện, không sạch sẽ.
          Còn có một vật sử dụng đồng thời với diên tịch đó là “trấn” . Nhìn chung “trấn” được làm bằng đồng hoặc ngọc thạch, chất liệu tương đối cứng, đặt ở 4 góc tịch. Thời cổ nhân tịch lúc nào dùng thì mới trải ra, không dùng thì cuộn lại, vì thế khi trải ra 4 góc thường cong lên, nên dùng “trấn” để đè 4 góc. Trong Sở từ - Cửu ca 楚辞 - 九歌 của Khuất Nguyên 屈原 có câu:
Dao tịch hề ngọc trấn
瑶席兮玉镇
“ngọc trấn” tức dùng ngọc làm thành, hình dạng giống quả chuông, cũng có loại có hình dạng các loài động vật, dùng để đè 4 góc tịch, thường 4 cái làm thành một nhóm, sử dụng đồng thời.
          Tóm lại, việc sử dụng các loại nhân tịch phổ biến nhất vào thời Hán, Đường. Sau thời Đường, loại gia cụ có chân cao dần phổ cập, việc nằm ngồi từ chỗ dưới đất chuyển sang ngồi trên những gia cụ chân cao, nhân tịch ở một trình độ nhất định trở thành vật phụ thuộc của các loại giường, sạp, ghế, nhưng nó vẫn giữ được và phát triển được phong cách và đặc điểm riêng, trước sau nó cùng với các loại gia cụ khác luôn theo trong sinh hoạt của con người.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 17/12/2014

Nguyên tác Trung văn
NHÂN TỊCH ĐÍCH SỬ DỤNG TẬP TỤC
茵席的使用习俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI GIA CỤ
中国古大家具
Tác giả: Hồ Đức Sinh 胡德生
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1997.
Previous Post Next Post