TẬP TỤC SỬ DỤNG NHÂN TỊCH (1)
Tịch 席 nhìn chung có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, dài
ngắn khác nhau. Loại dài có thể ngồi 5,6 người; loại ngắn chỉ ngồi 1,2 người..
Loại tịch vuông gọi là “độc tịch” 独席, đa phần dành cho bậc
trưởng thượng hoặc tôn quý. Gạch có hình bữa tiệc phát hiện tại ngôi mộ thời
Đông Hán ở Thành Đô 成都 Tứ Xuyên 四川, bên trên có khắc
hình 2 người hoặc 3 người cùng ngồi chung một tịch, trước tịch đặt thực án, đây
là hình ảnh chân thực miêu tả cảnh sinh hoạt của mọi người lúc bấy giờ. Về sau,
mọi người gọi bày tiệc chiêu đãi khách là “thiết diên” 设筵,
gọi rượu cùng món ăn là “diên tịch” 筵席 là có nguồn gốc từ
đây. Quả thực, diên tịch là một hình thức lễ nghi thời cổ ngồi khi trên tịch ăn
uống. Lời chú trong Chu lễ - Xuân quan –
Tư kỉ diên 周礼 - 春官 - 司几筵 có ghi:
Diên, diệc tịch dã, phô trần viết diên,
tịch chi viết tịch.
筵, 亦席也, 铺陈曰筵, 藉之曰席.
(Diên cũng là tịch, loại trải trên đất gọi là diên, loại
trải trên diên gọi là tịch)
“Diên” 筵 (2) và “tịch”
席 thường sử dụng đồng thời với nhau, để khu biệt, người
ta gọi loại tịch lớn trải trên mặt đất
là “diên”. Khi sử dụng, trước tiên trải diên trên đất, sau đó căn cứ theo yêu cầu
của buổi tiệc trải tịch nhỏ lên trên, tức người sẽ ngồi trên tịch nhỏ. Trên
diên tịch đặt kỉ án, cũng do vị quan Tư kỉ diên 司几筵
(người giữ việc trải tịch, bày án) căn cứ theo yêu cầu buổi tiệc mà xếp đặt.
Thời cổ,
khi ngồi trên tịch cũng có quy củ nghiêm túc. Nếu số lượng người ngồi tương đối
đông, thì bậc trưởng thượng hoặc tôn quý phải ngồi riêng một tịch khác, nếu ngồi
cùng những người khác thì cũng phải ngồi ở đầu tịch, và những người khác ngồi
trong tịch cũng phải có tôn ti tương ứng, nếu không bậc trưởng thượng hoặc tôn
quý sẽ cho đó là sự ô nhục đối với mình. Thời cổ thường phát sinh việc ngồi
trên tịch không tương xứng, bậc trưởng thượng tôn quý cho rằng bị nhục nên đã
rút kiếm cắt tịch phân chỗ ngồi. Trong Sử
kí 史记 có nói:
An 安cùng với Điền
Nhân 田仁 đều là môn khách của Vệ tướng quân,
cùng ở trong phủ. Có một lần Vệ tướng quân bảo hai người theo mình đến nhà công
chúa Bình Dương 平阳, người nhà
công chúa xếp hai người này ngồi cùng tịch với người đánh xe, hai người liền
rút dao cắt tịch ngồi riêng. Người nhà công chúa đều lấy làm lạ, ghét, nhưng
không dám lên tiếng.
Trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语 cũng có câu
chuyện cắt tịch:
Quản Ninh 管宁 và Hoa Hâm 华歆 cùng ngồi chung tịch đọc sách. Có một chiếc xe trang
hoàng lộng lẫy đi ngang qua cửa, Quản Ninh vẫn đọc sách như thường, riêng Hoa
Hâm bỏ sách chạy ra xem. Quản Ninh liền cắt tịch chia chỗ ngồi, bảo rằng: ‘Anh
không phải là bạn của tôi nữa.’
Người
xưa khi chiêu đãi tân khách đều phải trải tịch, cho nên khi lên nhà, việc trước
tiên phải cởi giày. Khi trải tịch, trước tiên hỏi khách muốn ngồi ở vị trí nào,
sau khi đã chọn vị trí, cũng cần hỏi chân hướng về phía nào. Chủ nhân quỳ sửa tịch
cho ngay ngắn để mời khách, khách vỗ tịch từ tạ biểu thị ý khiêm cung, chủ nhân
mời hai ba lần, khách mới vào ngồi. Trong Lễ
kí 礼记 có ghi:
Phụng tịch như kiều hành, thỉnh tịch hà hướng,
thỉnh nhẫm hà chỉ. Tịch, nam hướng bắc hướng, dĩ tây phương vi thượng, đông hướng
tây hướng, dĩ nam phương vi thượng. Nhược phi ẩm thực chi khách, tắc bố tịch, tịch
gian hàm trượng. Chủ nhân quỵ chính tịch, khách quỵ phủ tịch nhi từ, khách triệt
trùng tịch, chủ nhân cố từ, khách tiễn tịch nãi toạ.
奉席如桥衡, 请席何向, 请衽何趾. 席, 南向北向, 以西方为上, 东向西向, 以南为上. 若非饮食之客, 则布席, 席间函丈. 主人跪正席, 客跪抚席而辞, 客彻重席, 主人固辞, 客践席乃坐.
(Bưng tịch
giống như bưng khúc cây nằm ngang, đầu bên trái cao, đầu bên phải thấp, khi trải
tịch phải hỏi khách mặt quay về hướng nào, hỏi khách ngồi chân hướng về hướng
nào. Tịch khi trải theo hướng nam bắc, thì hướng tây là trên hết, khi trải theo
hướng đông tây, thì hướng nam là trên hết. Nếu khách mời không phải đến để ăn uống,
thì trải tịch của chủ và khách đối diện nhau, khoảng cách giữa hai tịch có thể
đặt được cây trượng. Chủ nhân quỳ thay khách sửa tịch cho ngay ngắn, khách cũng
quỳ vỗ tịch từ tạ. Chủ trải hai lớp tịch cho khách, khách lấy bớt một lớp, chủ
nhân mời nữa, khách lúc này mới vào tịch ngồi.)
Khách
trước khi ngồi phải xem tịch trải có ngay ngắn không, nếu không ngay cho là bất
lợi, sẽ không ngồi. Nếu lúc ăn uống, trước khi món ăn bưng lên, trước tiên phải
sửa tịch của mình cho ngay, sau đó mới dùng. Trong Luận ngữ - Hương đảng thiên 论语 - 乡党篇 có
câu:
Tịch bất chính bất toạ, ….. quân tứ thực, tất chính tịch, tiên thường chi.
席不正不坐, ….. 君赐食, 必正席, 先尝之.
(Tịch
trải không ngay ngắn không ngồi, ….. khi quốc quân ban cho thức ăn, (Khổng Tử)
nhất định trải tịch ngay ngắn ngồi nếm trước để biểu thị sự tôn kính)
Ở đây
đã phản ánh tập tục ngồi trên tịch lúc bấy giờ. (còn tiếp)
Chú của người
dịch
(1)- Nhân tịch 茵席: theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
Nhân 茵 : đệm, chiếu kép, đệm xe.
Tịch 席 : cái chiếu
Theo Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của
Nguyễn Tôn Nhan:
Nhân 茵: cái đệm đặt trên xe
Tịch 席 : vật để ngồi hay nằm, tức cái chiếu.
(2)- Diên 筵:
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
1- Cái
chiếu trúc. Ngày xưa giải chiếu xuống đất ngồi, cho nên gọi chỗ ngồi là diên.
2- Tục
gọi tiệc rượu là diên tịch 筵席 .
Theo Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của
Nguyễn Tôn Nhan:
Cái chiếu
tre.
Diên tịch 筵席:
Trải chiếu mời khách ngồi, nay dùng với nghĩa là tiệc rượu ăn uống.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/12/2014
Nguyên tác Trung văn
NHÂN TỊCH ĐÍCH SỬ DỤNG TẬP TỤC
茵席的使用习俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI GIA CỤ
中国古大家具
Tác giả: Hồ Đức Sinh 胡德生
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1997.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật