Dịch thuật: Nguồn gốc tập tục Đông chí ăn sủi cảo

NGUỒN GỐC TẬP TỤC ĐÔNG CHÍ ĂN SỦI CẢO

          Trong phong tục hai miền nam bắc Trung Quốc, thực phẩm ăn vào ngày Đông chí 冬至có khác nhau, miền bắc có tập tục ăn sủi cảo (giảo tử 饺子), còn miền nam có tập tục ăn chè trôi nước (thang viên 汤圆), mì sợi. Ở miền bắc, vào ngày Đông chí, nhà nhà bất luận là giàu nghèo, sủi cảo là món không thể thiếu được. “Giảo tử” 饺子 (sủi cảo) hài âm với “kiều nhĩ” 娇耳. Ăn sủi cảo là do bởi sợ cái lạnh đến mức buốt cả tai. Theo truyền thuyết, tập tục này là để kỉ niệm nghĩa cử cứu giúp dân của Y thánh Trương Trọng Cảnh 张仲景 thời Đông Hán.
          Danh y Trương Trọng Cảnh thời Đông Hán y thuật cao siêu, tay ông đến đâu là bệnh lui đến đấy. Sau khi từ chức Thái thú ở Trường Sa 长沙, Trương Trọng Cảnh về quê nhà ở Nam Dương 南阳, tai nghe mắt thấy dân nghèo bị đói, bị rét, thế là vào mùa Đông năm nọ, Trương Trọng Cảnh đã cất một túp lều tranh ở ngoài đông quan thành Nam Dương, bắc một chiếc nồi lớn, bỏ vào ớt và một số vị thuốc khử hàn nấu lên. Sau khi nấu chín lại dùng bột mì và thịt dê bao lại thành hình chiếc tai rồi lại nấu tiếp, khi chín trở thành món “Khư hàn kiều nhĩ thang” 祛寒娇耳汤 (1), rồi phân phát cho bách tính để chống lại cái rét. Mọi người sau khi ăn qua, toàn thân nóng hôi hổi, tai phát nhiệt, chẳng mấy chốc hết lạnh. Mọi người vô cùng cảm kích Trương Trọng Cảnh, truyền kể cho nhau nghe, rồi tấp nập bắt chước theo món “kiều nhĩ” làm thành món sủi cảo mà ngày nay chúng ta thấy. Về sau, mỗi khi đến tiết Đông chí, nhà nhà đều có tập tục ăn sủi cảo bao thịt dê để chống rét và tăng thêm chất bổ, tập tục này lưu truyền đến ngày nay. Hiện nay tại vùng quê Nam Dương còn lưu truyền câu dân dao:
Đông chí bất đoan giảo tử oản, đống điệu nhĩ đoá một nhân quản
冬至不端饺子碗, 冻掉耳朵没人管
(Ngày Đông chí mà không bưng bát sủi cảo, thì có lạnh buốt tai cũng không ai thèm quản)



Tiết Đông chí ở miền nam ăn chè trôi nước là lấy ý nghĩa đoàn viên. Nấu xong chè trôi nước, cả nhà ngồi quây quần, đoàn viên vui vẻ náo nhiệt, mang đậm không khí gia đình và không khí ấm áp. Có nơi vào sáng sớm ngày Đông chí có tập tục ăn bánh làm bằng bí đỏ, ăn trứng chiên với dầu mè. Nghe nói vào ngày này ăn trứng chiên với dầu mè có thể trị được chứng ho.

Chú của người dịch
1- Khư hàn kiều nhĩ thang 祛寒娇耳汤: kì thực chính là đem thịt dê, ớt cùng một số vị thuốc có tính chất khử hàn cho vào nồi nấu lên, sau khi chín vớt ra và băm nhỏ, dùng bột mì bao lại thành hình chiếc tai, rồi sau đó đem hấp chín. Nhân vì bánh có dạng hình chiếc tai, lại có công hiệu làm cho tai không bị lạnh, cho nên Trương Trọng Cảnh张仲景 đã đặt tên cho món đó là “kiều nhĩ”.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 22/12/2014
                                                 Tiết Đông chí 01/11 năm Giáp Ngọ

Nguyên tác Trung văn
ĐÔNG CHÍ NGẬT GIẢO TỬ TẬP TỤC ĐÍCH DO LAI
冬至吃饺子的由来
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post