CHỮ “KHÂU” NHIỀU BIẾN ĐỔI
BÀN VỀ CHỮ “KHÂU”
“Khâu” 丘 cũng là “sơn”山,
nhưng “sơn” là gọi chung, còn “khâu” chỉ núi đất nhỏ (thổ sơn 土山). Trong Từ Hải 辞海 giải thích rằng:
Khâu, tiểu sơn, thổ đôi
丘, 小山, 土堆
(Khâu là thổ sơn, là gò đất)
Từ Hải còn nêu một câu trong Cổ Mãng đàm tây tiểu khâu kí 鈷鉧潭西小丘记 của Liễu
Tông Nguyên 柳宗元:
Lương chi thượng hữu khâu yên, sinh trúc
thụ
梁之上有 丘焉, 生竹树
(Trên bãi đất có gò, trên gò mọc đầy trúc và các loại
cây khác)
Có thể
thấy “khâu” là tiểu sơn, là gò đất. Nhưng Vương Quân 王筠
trong Thuyết văn cú đậu 说文句读 lại nói rằng:
Khâu sơn bất dĩ đại tiểu phân, nhi dĩ thổ
thạch phân (1)
丘山不以大小分, 而以土石分
(Khâu và sơn không lấy lớn và nhỏ để phân biệt, mà lấy
đất và đá để phân biệt)
Cách
nói này cũng có căn cứ. Đại sơn cũng có thể gọi là “khâu”, như Côn Luân sơn 昆仑山cũng có thể gọi là
Côn Luân khâu 昆仑丘, chứng thực cho lời của Vương Quân “sơn khâu bất dĩ đại
tiểu phân”.
“Khâu” 丘 và “lăng” 陵 cũng có sự khu biệt,
“khâu” chỉ gò đất nhỏ, tiểu sơn; “lăng” chỉ gò lớn, đại sơn. Cả 2 tổ hợp thành
từ “khâu lăng” 丘陵, chỉ gò đất nhấp nhô kéo dài không dứt.
“Khâu” 丘 cũng là tên của Khổng Phu Tử. Khổng Tử là thánh nhân,
do bởi tị huý của Khổng Tử, mọi người không dám tuỳ tiện viết là 丘, càng không dám gọi thẳng tên của Khổng Tử. Vì thế
khi viết chữ 丘, phải viết khuyết một nét sổ bên phải, âm đọc cũng
theo đó mà đổi, đọc chữ 丘 thành “mỗ” 某, nếu không sẽ là đại bất kính. Theo sự phát triển đi
lên của xã hội phong kiến, địa vị của Khổng Tử ngày càng cao, nên lại xuất hiện
một chữ “khâu” mới, tức chữ 坵 có thêm bộ “thổ” bên
cạnh. Chữ 丘 là gò đất đã có chữ chuyên dùng, từ đó không được
dùng đại danh 丘của Khổng Tử để giải thích là gò đất. “Khâu” 丘 cũng là một họ, như tác gia biền văn thời Nam
triều là Khâu Trì 丘迟, Dữ Trần Bá chi
thư 与陈伯之书 là tác phẩm nổi tiếng của ông. Họ 丘 tương truyền là Tề Đại Công 齐大公
được phong ở Doanh Khâu 营丘, con cháu của ông
đã lấy 丘 làm họ. Những chữ 丘 ở họ 丘 đến đời Thanh lại xuất hiện một chữ khác, đó là chữ 邱. Đây là sự kiện năm Ung Chính 雍正 thứ 3. Hoàng đế Ung Chính quy định, trừ tứ thư ngũ
kinh ra, phàm gặp họ 丘 phải thêm bộ 阝(ấp) bên cạnh, viết thành 邱.
Địa danh cũng viết là 邱. Như vậy, nguyên chỉ
có 1 chữ 丘 đã biến thành 4 chữ: 丘,
chữ “khâu” bớt nét, 坵, 邱. Hiện tại chữ “khâu”
bớt nét và chữ坵 đã phế bỏ, còn chữ 邱
dùng làm họ vẫn dùng cho đến nay.
Nói đến
tị huý, có một số địa danh phạm vào chữ 丘
trong Khổng Khâu 孔丘. Ở Sơn Đông 山东 có huyện Giả Khâu 叚邱, và huyện Cung Khâu 龚邱,
do vì tị huý nên vào năm Đại Quan 大观 thứ 4 đời Tống Huy
Tông 宋徽宗 (tức năm 1110), đổi Giả Khâu 叚邱
thành Giả huyện 叚县; đổi Cung Khâu龚邱
thành Cung huyện 龚县 (nay là Ninh Dương 宁阳)
(2).
Chữ 丘 cũng được giải thích là phần mộ. Trong Hán thư – Tư Mã Thiên truyện 汉书 - 司马迁传 có câu:
Diệc hà diện mục phục thướng phụ mẫu chi
khâu mộ hồ?
亦何面目复上父母之丘墓乎?
(Còn mặt mũi nào đến lại phần mộ của cha mẹ nữa?)
“khâu” 丘 và “mộ” 墓 đi liền với nhau, cùng một ý nghĩa. Nếu tách ra,
nghĩa của chúng cũng có chút khác nhau. Mộ cao thì gọi là “khâu” 丘; mộ bằng phẳng thì gọi là “mộ” 墓, cũng chính là nói “đại mộ” 大墓
mới gọi là “khâu” 丘. Như tại Tô Châu 苏州
có phần mộ của Ngô vương Hạp Lư 阖闾 gọi là “Hổ khâu” 虎丘, phía đông bắc tỉnh Sơn Tây 山西
có huyện Linh Khâu 灵丘, chính nhân vì mộ của Triệu Vũ Linh Vương 赵武灵王 gọi là Linh Khâu 灵丘.
Huyện Linh Khâu này cũng là huyện có “Bình Hình quan” 平型关 (*).
Chú của
nguyên tác
(1)- Vương Quân王筠Thuyết văn cú đậu 说文句读, quyển 15,
trang 28.
Bắc
Kinh thị Trung Quốc thư điếm.
(2)- Tiền Đại Hân 钱大昕 Thập Giá Trai dưỡng tân lục 十驾斋养新录, trang 162,
Khổng Tử huý 孔子讳 điều, Thượng Hải thư điếm xuất bản.
Chú của người
dịch
(*)- Bình Hình
quan 平型关:
Ở phía
đông Nhạn Môn quan 雁门关, nay là dưới Bình Hình lĩnh 平型岭
nơi tiếp giáp giữa phía đông bắc huyện Phồn Trĩ 繁峙
với huyện Linh Khâu 灵丘 tỉnh Sơn Tây 山西.
Thời cổ gọi là Bình Hình trại 瓶形寨, nhân vì địa
hình chung quanh giống chiếc bình nên có
tên gọi như thế.
Thời
Kim là Bình Hình trấn 瓶形镇, thời Minh Thanh gọi
là Bình Hình lĩnh quan 平型岭关, sau đổi gọi như
hiện nay.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 03/12/2014
Nguyên tác Trung văn
KHÂU TỰ ĐA BIẾN
ĐÀM “KHÂU”
丘字多变
谈 “丘”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật