Dịch thuật: Thi đích phác đạm dữ xảo nùng




诗的朴淡与巧浓
    诗宜朴不宜巧, 然必须大巧之朴; 诗宜淡不宜浓, 然必须浓后之淡. 譬如大贵人, 功成宦就, 散发解簪, 便是名士风流. 若少年纨绔 (1), 遽为此态, 便当笞责 (2). 富家雕金琢玉, 别有规模 (3); 然后竹几藤床, 非农夫穷相
                         (袁枚 - 随园诗话)

THI ĐÍCH PHÁC ĐẠM DỮ XẢO NÙNG
          Thi nghi phác bất nghi xảo, nhiên tất tu đại xảo chi phác; thi nghi đạm bất nghi nùng, nhiên tất tu nùng hậu chi đạm. Thí như đại quý nhân, công thành hoạn tựu, tán phát giải trâm, tiện thị danh sĩ phong lưu. Nhược thiếu niên hoàn khoa (1), cự vi thử thái, tiện đương si trách (2). Phú gia điêu kim trác ngọc, biệt hữu quy mô (3); nhiên hậu trúc kỉ đằng sàng, phi nông phu cùng tướng.
                                                           (Viên Mai – Tuỳ Viên thi thoại)

Chú thích
(1)- Hoàn khoa 纨绔: y phục hoa mĩ của con em quý tộc cổ đại.
(2)- Si : đánh bằng roi.
(3)- Quy mô 规模: khí độ, phong thái.

SỰ CHẤT PHÁC GIẢN DỊ VÀ SỰ TINH XẢO KHÉO LÉO CỦA THƠ
          Thi ca cần phải truy cầu chất phác chứ không phải tinh xảo, nhưng phải là từ trong chất phác thấy được sự xảo diệu. Thi ca cần phải đạm nhã chứ không cần phải rực rỡ diễm lệ, nhưng phải là nét đạm nhã hiển lộ sau khi đã có được sự rực rỡ diễm lệ. Ví như một người đại phú đại quý, sau khi công danh đã thành, quan lộ đã đạt liền xoả tóc tháo trâm, trở thành danh sĩ phong lưu. Còn nếu con em quý tộc với tư thái đó sẽ bị đánh roi chỉ trích. Những nhà phú quý chạm vàng khắc ngọc, khí phái vô cùng, nếu bày ra kỉ trúc giường mây, thì đó chẳng phải là cảnh tượng bần cùng của nông dân.

Chú của người dịch
Tuỳ Viên thi thoại 随园诗话: bộ trứ tác của Viên Mai 袁枚 đời Thanh. Những vấn đề mà bộ sách này đề cập rất rộng, từ tư chất tiên thiên của thi nhân đến phẩm đức tu dưỡng hậu thiên, việc học tập thi thư cùng thực tiễn xã hội; từ tả cảnh, ngôn tình đến vịnh vật, vịnh sử; từ lập chí cấu tứ đến định thiên luyện câu; từ từ thái, vận luật đến tỉ hứng, kí thác, tự nhiên, không linh, khúc chiết, các thủ pháp biểu hiện và phong cách nghệ thuật, cùng với việc sửa đổi thơ, thưởng thức thơ, biên tuyển thơ và soạn viết thi thoại, phàm những vấn đề liên quan đến thơ, không gì là không nói đến.
          Tuỳ Viên thi thoại gồm 16 quyển và phần “Bổ di” 10 quyển. 
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/121995.htm

Viên Mai 袁枚 (1716 – 1797): tự Tử Tài 子才, hiệu Giản Trai 简斋, một hiệu khác là Tồn Trai 存斋, người đời gọi ông là Tuỳ Viên tiên sinh 随园先生, về già lại có hiệu là Thương Sơn cư sĩ 仓山居士, Tuỳ Viên lão nhân 随园老人, người Tiền Đường 钱塘, Triết Giang 浙江 (nay là Hàng Châu 杭州). Viên Mai đậu Tiến sĩ năm Càn Long thứ 4 (năm 1739), được tuyển làm Hàn lâm viện Thứ cát sĩ. Năm Càn Long thứ 7, ông bị điều khỏi kinh thành, làm Tri huyện các huyện như Lật Thuỷ 溧水, Giang Phố 江浦, Mộc Dương 沐阳, Giang Ninh 江宁. Năm Càn Long thứ 13, lúc 33 tuổi Viên Mai từ quan về sống tại Tuỳ Viên 随园 tại Tiểu Thương sơn 小仓山 ở Giang Ninh 江宁. Trừ lúc làm quan ở Thiểm Tây 1 năm vào năm Càn Long thứ 17 ra, về sau ông không ra làm quan nữa. Viên Mai nổi tiếng về thơ văn, ông giao thiệp rất rộng, được mọi người trên thi đàn ngưỡng mộ gần 50 năm. Trứ thuật của Viên Mai cũng rất phong phú.
          Tuỳ viên 随园, tại Tiểu Thương sơn ở Giang Ninh (nay là Nam Kinh), là tên gọi biệt thự mà Viên Mai cất sau khi từ quan. Thi thoại của Viên Mai được viết ở đây nên có tên là Tuỳ Viên thi thoại 随园诗话.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 10/11/2014

Nguồn
TUỲ VIÊN THI THOẠI
随园诗话
Tác giả: Viên Mai 袁枚
Chú dịch: Lôi Phương 雷芳
Vũ Hán: Sùng Văn thư cục, 2007.
Previous Post Next Post