Dịch thuật: "Quán Thế Âm" danh hiệu Trung Quốc này do ai đặt?

“QUÁN THẾ ÂM” - DANH HIỆU TRUNG QUỐC NÀY DO AI ĐẶT?

          Tổ tịch của Quán Thế Âm Bồ Tát tại Ấn Độ, tên Ấn Độ của Bồ Tát là “Avalokitesvara”, dịch âm là “A Phược Lô Chỉ Đế Thấp Phạt La” 阿缚卢枳帝湿伐逻, nguyên ý là “ vị quân chủ từ trên nhìn xuống” (do cao xứ hướng hạ quan chi quân chủ 由高处向下观之君主) hoặc “vị thần thăm nom hạ giới” (thám thị hạ giới chi thần 探视下界之神); còn tại Trung Quốc phổ biến dịch thành “Quán Thế Âm” 观世音 hoặc “Quán Âm” 观音.
          “Quán Thế Âm” – dịch danh Trung văn này xuất hiện sớm nhất trong Vô lượng thọ kinh 无量寿经, kinh điển phiên dịch của vị hoà thượng Ấn Độ Tăng Khải 僧铠 vào thế kỉ thứ 3. Nhưng phải đến thế kỉ thứ 5 khi phiên dịch gia đại danh đỉnh đỉnh là Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什 phiên dịch bộ kinh nổi tiếng Diệu pháp liên hoa kinh – Quán Thế Âm Bồ Tát phổ môn phẩm 妙法莲华经 - 观世音菩萨普门品, tên gọi “Quán Thế Âm” mới chính thức được xem trọng.
          Trong kinh nói rằng:
          Nhĩ thời, Vô Tận Ý Bồ Tát tức tùng toạ khởi, thiên đản hữu kiên, hợp chưởng hướng Phật, nhi tác thị ngôn, Thế tôn, Quán Thế Âm Bồ Tát dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm? Phật cáo Vô Tận Ý Bồ Tát, thiện nam tử , nhược hữu vô lượng bách thiên vạn ức chúng sinh, thọ chư khổ não, văn thị Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời quán kì âm thanh, giai đắc giải thoát.
          尔时, 无尽意菩萨即从座起, 偏袒右肩, 合掌向佛, 而作是言, 世尊, 观世音菩萨以何因缘名观世音? 佛告无尽意菩萨, 善男子, 若有无量百千万亿众生, 受诸苦恼, 闻是观世音菩萨, 一心称名, 观世音菩萨即时观其音声, 皆得解脱.
          (Bấy giờ trong pháp hội, Bồ Tát Vô Tận Ý từ toà ngồi đứng dậy chắp tay nhìn đức Phật mà cung kính bạch rằng: “Kính bạch đức Thế tôn! Bồ Tát Quán Thế Âm vì bởi nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm? Đức Phật liền chỉ bảo Bồ Tát Vô Tận ý: Này các thiện nam tử! nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh phải chịu mọi khổ não mà nghe được danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm liền dốc lòng niệm tên Bồ Tát Quán Thế Âm tức thì Ngài quán xét giọng tiếng của người ấy liền được khỏi khổ não.)
          (Theo Kinh Phổ môn (khoá lễ cầu an), bản dịch của Thích Tuệ Hải, ban hoằng pháp Miền Vĩnh Nghiêm xuất bản, năm 1964)
          Cách dịch tương cận, còn có vị đại tăng nước Nguyệt Chi 月氏 Trúc Pháp Hộ 竺法护 ở thế kỉ thứ 3 tinh thông văn tự 36 nước đã dịch là “Quang Thế Âm” 光世音.
          Nhưng, cách gọi mà người Trung Quốc thích nhất lại là hai chữ “Quán Âm”. Theo truyền thuyết, thời Đường Thái Tông, từ đế vương đến bách tính bình dân ai nấy đều sùng tín Quán Âm. Để tị huý tên của Thái Tông là Lí Thế Dân 李世民, mọi người đã gọi “Quán Thế Âm” là “Quán Âm”.
          Kì thực, trong Thành cụ quang minh định ý kinh 成具光明定意经, bộ kinh được dịch sang tiếng Hán vào thế kỉ thứ 2 đã từng xuất hiện dịch danh hai chữ “Quán Âm”, chỉ có điều là mọi người lúc bấy giờ không chú ý lắm. Mãi đến sau này trong các bộ kinh dịch sang tiếng Hán như Bi hoa kinh 悲华经, Hoa nghiêm kinh 华严经, Quán Thế Âm Bồ Tát thọ kí kinh 观世音菩萨授记经, mới đồng thời sử dụng hai tên gọi “Quán Thế Âm” và “Quán Âm”.
                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 06/11/2014

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post