Dịch thuật: Hán phú tứ đại gia

HÁN PHÚ TỨ ĐẠI GIA

          Hán phú tứ đại gia là hợp xưng Tư Mã Tương Như 司马相如, Dương Hùng 扬雄 thời Tây Hán và Ban Cố 班固, Trương Hành 张衡 thời Đông Hán.
          Ban Cố là phú gia nổi tiếng thời Đông Hán tiền kì. Tác phẩm đại biểu của ông Lưỡng đô phú 两都赋 được Tiêu Thống 萧统 khi biên soạn bộ Văn tuyển 文选 xếp vào quyển đầu, rất được nhiều người coi trọng. Về thể lệ và thủ pháp, Lưỡng đô phú đều mô phỏng theo Tư Mã Tương Như, là sự kế tục đại phú thời Tây Hán, nhưng nó đem đối tượng miêu tả từ cung uyển của đế vương chư hầu cùng việc vui chơi săn bắn mở rộng đến cả hình thế, bố cục và khí tượng của đế đô, đồng thời vận dụng tương đối nhiều tài liệu sử địa thực tế của Trường An 长安 và Lạc Dương 洛阳, so với phú của Tư Mã Tương Như, Dương Hùng càng có nội dung hiện thực thực tại. Sự xuất hiện của điều mà gọi là “kinh đô đại phú” của Trương Hành cho đến Tả Tư 左思, rõ ràng đều tiếp thụ ảnh hưởng của Lưỡng đô phú.
          Hai bài phú mang tính đại biểu của Trương Hành là Nhị kinh phú 二京赋Quy điền phú 归田赋. Nhị kinh phú là sáng tác khi Trương Hành còn trẻ cảm nhận:
Thiên hạ thừa bình nhật cửu, tự vương hầu dĩ hạ mạc bất du xỉ.
天下承平日久, 自王侯以下莫不逾侈
          (Thiên hạ thái bình vô sự đã lâu, từ vương hầu cho đến quan lại cấp dưới, không ai là không xa xỉ quá độ)
Về cơ bản phỏng theo Tử hư 子虚, Thượng lâm 上林 của Tư Mã Tương Như và Lưỡng đô phú两都赋của Ban Cố. Nhưng đối với cuộc sống hưởng lạc hoang dâm của giai cấp thống trị, ông chỉ trích tương đối mạnh mẽ và rõ ràng xác thực, ông cảnh cáo kẻ thống trị,  thiên hiểm không thể cậy, còn dân oán thực phải sợ, muốn kẻ thống trị phải hiểu đạo lí ở câu nói của Tuân Tử 荀子:
Thuỷ sở dĩ tái chu diệc sở dĩ phúc chu
水所以载舟亦所以覆舟
(Nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền)
          Ngoài giống Lưỡng đô phú miêu tả hình thế, cung thất, sản vật của đế đô ra, Nhị kinh phú còn miêu tả nhiều về phong tục dân tình lúc bấy giờ, dung nạp tương đối rộng cuộc sống xã hội.
          Quy điền phú với ngôn ngữ trong sáng mới mẻ, miêu tả phong cảnh thiên nhiên, bộc lộ tình cảm chí hướng của bản thân, biểu hiện tác giả trong tình hình làm quan không chịu đồng lưu hợp ô, tự cam chịu phẩm cách đạm bạc. Trong lịch sử Hán phú, đây là sự chuyển biến rất lớn, từ chỗ là thể vật đại phú chuyên cung cấp cho đế vương quý tộc thưởng thức, chuyển biến thành loại tiểu phú để cá nhân ngôn chí trữ tình, khiến tác phẩm có phong cách, cá tính của tác giả, cũng từ chỗ trau chuốt đẽo gọt đi đến chỗ bình dị.
          Trước Trương Hành đã từng xuất hiện qua một số bài phú ngôn chí thuật hành, như Bắc chinh phú 北征赋 của Ban Bưu 班彪, thông qua việc kí thuật những điều nghe thấy trên đường lữ hành, đã bộc lộ tình cảm về thân thế của mình, hiển thị điềm chuyển biến trong phong cách phú. Trên cơ sở của tiền nhân, Trương Hành đã khiến cho sự phát triển của Hán phú phát sinh bước ngoặt mang tính cơ bản.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 15/10/2014

Nguyên tác Trung văn
HÁN PHÚ TỨ ĐẠI GIA
汉赋四大家
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post