Dịch thuật: Bạch Khởi (kì 2)

BẠCH KHỞI
(kì 2)

DỤNG BINH NHƯ THẦN , BỨC NƯỚC SỞ DỜI ĐÔ

          Năm 279 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương 秦昭王 chia quân Tần ra làm 2 lộ, một lộ do Bạch Khởi 白起 thống lĩnh mấy vạn binh mã, từ Hán bắc tiến xuống phía nam; một lộ khác do Trương Nhược 张若 dẫn một số ít quân Tần từ Tứ Xuyên tấn công vùng Vu , Trách , Kiềm Trung 黔中, sau đó men theo Trường Giang xuống phía đông, kiềm chế quân Sở, khiến quân Sở ở vào tình trạng chú ý bên này lại mất bên kia.
          Bạch Khởi dụng binh như thần, nhanh chóng bao vây Yên thành 鄢城, gặp phải sự kháng cự ngoan cường của quân và dân giữ thành, cuộc chiến nhất thời rơi vào tình thế bế tắc. Yên là bồi đô 陪都 (kinh đô phụ) của nước Sở, cách đô thành Dĩnh rất gần. Yên thất thủ, Dĩnh rất khó giữ, vì thế quân dân nước Sở thề chết giữ cho được đất Yên. Sở vương không ngừng phái binh đến, tăng cường lực lượng phòng thủ. Địa vị chiến lược của Yên thành rất quan trọng, quân Tần cần công chiếm để khai thông đường đến đô thành nước Sở.
          Bạch Khởi đã trải qua trăm trận lúc này suy nghĩ để tìm kế sách phá thành. Sau khi đích thân trinh sát địa lí của Yên thành, quyết tâm dùng kế thuỷ công. Phía tây Yên thành có sông Yên, từ Kinh sơn 荆山 cùng với Khương Hạn sơn 康限山 theo hướng đông nam chảy vào sông Hán. Bạch Khởi sai binh sĩ đắp một con đê ở phía tây Yên thành, khi nước sông chứa đầy thì phá đê tháo nước. Nước từ phía tây thành cuồn cuộn chảy về, quân dân nước Sở bị chết chìm đến mấy chục vạn người. Lúc bấy giờ đang là mùa Hạ, thi thể mục rửa mùi hôi bay đến tận trời, từ đó Yên thành bị gọi là “Xú trì” 臭池.
          Bạch Khởi công hạ Yên thành một cách dễ dàng, thừa thắng truy kích, tiến đánh An Lục 安陆, nhanh chóng công hạ đô thành Dĩnh của nước Sở.Quân Sở thua chạy, quân Tần truy sát, đuổi đến bên hồ Động Đình 洞庭. Khi quân Tần qua Tây Lăng 西陵 (Nghi Xương 宜昌) đã phá huỷ lăng mộ của tiên vương nước Sở. Sở vương dời quốc đô đến đất Trần (Hoài Dương 淮阳Nam 河南). Năm 278 trước công nguyên, nước Tần lập quận mới là Nam quận, trị sở tại Dĩnh, quản lí đất Sở đã chiếm lĩnh. Bạch Khởi chỉ dẫn mấy vạn quân Tần mà  đã khiến cho nước Sở với mấy trăm vạn quân phải dời đô, chấn động cả thiên hạ. Bạch Khởi được quân Tần xem như thần nhân, Tần Chiêu Vương phong ông làm Vũ An Quân 武安君, ban cho rất nhiều vàng lụa.
          Nước Tần sau khi đánh bại nước Sở, mục tiêu tấn công là nước Triệu và nước Nguỵ. Triệu là cường địch duy nhất của Tần. Tần Chiêu Vương năm thứ 34 (năm 273 trước công nguyên), Bạch Khởi thống lĩnh quân Tần vượt đường dài gặp liên quân Triệu Nguỵ tại Hoa Dương 华阳 (phía nam Trịnh Châu 郑州Nam 河南). Quân Tần dũng mãnh xông trận, tướng sĩ liên quân Triệu Nguỵ nghe nói chủ tướng quân Tần là Bạch Khởi liệu địch như thần, vô cùng hoảng sợ, bỏ chạy tứ tán.
          Quân Tần thừa cơ truy sát, bắt sống 3 tướng lĩnh của quân Nguỵ, giết chết 13 vạn quân địch, công hạ Hoa Dương. Bạch Khởi đem quân tấn công quân Triệu do Giả Yển 贾偃 thống lĩnh. Quân Triệu hồn bay phách lạc, theo gió mà chạy. Quân Tần đuổi tới cùng, khiến 2 vạn quân Triệu bị chết chìm trong nước.
          Tần Chiêu Vương năm thứ 41 (năm 266 trước công nguyên), tướng quốc nước Tần là Nguỵ Nhiễm 魏冉 dùng Bạch Khởi làm chủ tướng, thống lĩnh quân Tần viễn chinh đến đất Cương , đất Thọ 寿 của nước Tề, mở rộng lãnh thổ. Lúc này, Phạm Thư 雎 người nước Nguỵ đến Tần bái kiến Tần Chiêu Vương. Phạm Thư nói với Tần Chiêu Vương rằng:
          Nguỵ Nhiễm dùng Bạch Khởi làm tướng, vượt qua nước Hàn nước Nguỵ đi đánh đất Cương, đất Thọ của nước Tề. Cương, Thọ của nước Tề cách nước Tần rất xa, giữa có hai nước Hàn Nguỵ. Tần xuất binh ít thì không có cách gì chiếm được đất Cương đất Thọ; xuất binh nhiều thì vô cùng bất lợi đối với Tần. Năm đó, Nguỵ vượt qua Triệu đi đánh nước Trung Sơn 中山, công hạ rất nhiều nơi, kết quả bị nước Triệu chiếm lấy, do bởi Trung Sơn gần với Triệu. Nay quân Tần đánh Tề nếu không thắng sẽ khiến nước Tần chịu tổn thất; nếu đánh thắng, sau khi quân Tần ban sư, những nơi công hạ được sẽ bị Hàn Nguỵ chiếm lấy,
Việc này đối với Tần chẳng có lợi gì.
          Tần Chiêu Vương gật đầu, Phạm Thư lại nói:
          Chi bằng hiện nay từ gần đến xa, chiếm dần các nước lân cận, như tằm ăn lá dâu.
          Tần Chiêu Vương vô cùng vui mừng, hỏi thực thi chiến lược viễn giao cận công như thế nào. Phạm Thư nói rằng:
          Viễn giao Tề, Sở; cận công Hàn, Nguỵ. Sau khi công hạ được Hàn Nguỵ, sẽ dễ dàng đối phó với Tề Sở. Sau khi công hạ Tề Sở, sẽ dễ dàng đối phó với Yên Triệu.
          Tần Chiêu Vương đại hỉ, bái Phạm Thư làm khách khanh. Chẳng bao lâu, Nguỵ Nhiễm bị bãi miễn, Tần Chiêu Vương bái Phạm Thư làm quốc tướng, phong làm Ứng Hầu 应侯. Tần Chiêu Vương tiếp thụ chủ trương của Phạm Thư, quyết định tấn công Hàn Nguỵ ở phía đông, xuống chiếu lệnh cho Bạch Khởi đưa quân Tần đang đánh Tề ban sư về nước.
          Năm 264 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương phái Bạch Khởi đem quân đánh nước Hàn, giết 5 vạn quân, công hạ 5 toà thành của Kinh Thành 陉城, một trọng trấn của nước Hàn, còn chiếm lĩnh đại bộ phận khu vực phía nam nước Tấn.   (còn tiếp)

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 29/10/2014

Nguyên tác
BẠCH KHỞI
DỤNG BINH NHƯ THẦN,
BÁCH SỬ ỦNG BINH BÁCH VẠN ĐÍCH SỞ QUỐC THIÊN ĐÔ
白起
用兵如神
迫使拥兵百万的楚国迁都
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post