VIÊN LÂM TÔ CHÂU
Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô Hàng
上有天堂, 下有苏杭
Tô Châu
苏州 là “viên lâm chi thành” 园林之城, nhân vì tinh nhã mà nổi tiếng khắp thiên hạ. Lịch sử của viên lâm Tô
Châu cách nay hơn 2000 năm, có giá trị và địa vị lịch sử đặc biệt trong lịch sử
tạo vườn trên thế giới, là điển hình của nghệ thuật tạo vườn phương đông, đáng
được gọi là viên ngọc quý về nghệ thuật của dân tộc Trung Hoa.
Viên
lâm Tô Châu chiếm diện tích mặt đất ít, nhưng áp dụng thủ pháp nghệ thuật biến
hoá vô cùng, không gò trong một kiểu, lấy tính sơn thuỷ hoa điểu Trung Quốc, ngụ
ý cảnh Đường thi Tống từ, trong một không gian hữu hạn điểm xuyết giả sơn, cổ
thụ, sắp đặt đình đài lầu các, ao hồ cùng cầu nhỏ, khiến viên lâm Tô Châu nhờ cảnh
mà nổi tiếng, cảnh nhân vườn mà khác lạ, tạo hiệu quả nghệ thuật từ trong cái
nhỏ thấy được cái lớn.
Theo ghi chép, nội thành Tô
Châu có đến gần 200 viên lâm lớn nhỏ, trong đó Thương Lãng đình 沧浪亭, Sư Tử lâm 狮子林, Chuyết Chính viên
拙政园 và Lưu viên 留园 lần lượt đại biểu
cho phong cách nghệ thuật của 4 triều đại Tống (960 – 1278), Nguyên (1271 –
1368), Minh (1368 – 1644), Thanh (1644 – 1911), được gọi là “tứ đại danh viên”
của Tô Châu. Võng Sư viên 网师园, Hoàn Tú sơn trang
环秀山庄 cũng khá nổi tiếng. Ngoài ra, Tô Châu còn có nhiều kiến
trúc viên lâm như Di viên 怡园, Sướng viên 畅园.
Thương Lãng
đình 沧浪亭
Thương
Lãng đình là viên lâm cổ xưa nhất hiện còn ở Tô Châu, tại phường Tam Nguyên 三元 phía nam thành, được kiến tạo bắt đầu khoảng từ niên
hiệu Khánh Lịch 庆历 thời Bắc Tống (1041 – 1048), đầu thời Nam Tống (đầu
thế kỉ 12) từng là nơi ở của danh tướng Hàn Thế Trung 韩世忠,
chiếm diện tích 1,1 hecta. Toàn vườn bố cục tự nhiên hài hoà, đáng gọi là một
giai tác có cấu tứ xảo diệu, thủ pháp thích nghi. Vườn nầy mấy lần đổi chủ, trải
bao tang thương, tuy phần lớn vật kiến trúc bị hư hại rồi được tu sửa, nhưng giả
sơn trong vườn, ao hồ ngoài vườn đa phần giữ được cảnh quan cũ. Toàn vườn cảnh
sắc tự nhiên trong sáng, thuần phác cổ
xưa. Không đẹp vì tinh xảo mà đẹp vì tự nhiên. Gọi là tự nhiên, một là không tạo
tác màu mè, không điêu sức rườm rà, không lộ dấu vết tạc đẽo; hai là biểu hiện
đắc pháp, ra sức cầu sơn thuỷ tương nghi, phong cảnh uyển chuyển tự nhiên. Bên
ngoài vườn Thương Lãng đình, cảnh sắc nhân theo nước mà trổi lên, cửa vườn mở về
hướng bắc, phía trước có cầu đá, dòng nước uốn khúc chảy từ tây sang đông vây bọc
quanh vườn, sáng sớm chiều tối khói nước mênh mông, mang đậm ý thơ sơn đảo thuỷ
hương. Bố cục trong vườn lấy núi làm chủ, bước vào cửa thấy giả sơn Hoàng thạch
黄石 đất và đá xen nhau, trên giả sơn có cổ thụ tràn đầy sức
sống, bóng trúc xanh lay động, loài dây leo buông rủ, tạo nên cảnh sơn lâm. Kiến
trúc cũng đa phần vây quanh núi, nối nhau với hành lang dài. Nhưng nước mà
không có núi thì kém mạnh, núi mà không có nước thì khuyết cái đẹp, nên men
theo ao tạo phục lang 复廊(1) quanh co uốn khúc, vừa làm cho đình tạ xây cất bên ao
nối liền nhau, không cảm thấy đơn độc, lại có thể thấy được cảnh quan hai bên
thông qua những cửa sổ với hàng trăm đồ án trên phục lang, khiến nước bên ngoài
vườn cùng với núi bên trong vườn tương phản lẫn nhau, chiếu rọi lẫn nhau, hoà
thành nhất thể một cách tự nhiên, có thể nói đó là điển hình của mượn cảnh.
Trong vườn còn có đền thờ 500 danh hiền, trên vách khắc hoạ hình tượng của hơn
500 người, nét khắc tinh tế, có giá trị thưởng ngoạn.
Sư tử lâm 狮子林
Sư Tử
lâm toạ lạc tại đường Viên Lâm 园林 phía đông bắc thành
Tô Châu, được bắt đầu kiến tạo vào năm Chí Chính 至正
thứ 2 nhà Nguyên (năm 1342), diện tích 1 hecta, do bởi trong vườn núi đá mọc
như rừng, đa phần có hình dạng sư tử cho nên có tên là “Sư Tử lâm”. Sư Tử lâm nổi
tiếng có nhiều hồ, thạch, giả sơn, là nơi có quần thể giả sơn cổ đại lớn nhất
hiện còn ở trong nước. Giả sơn xinh xắn linh lung, xuất thần nhập hoá, hình dạng
tựa sư tử múa, động thất liền nhau li kì khúc chiết. Quần thể giả sơn tổng cộng
có 9 tuyến đường, 21 động khẩu, đường ngang quanh co uốn khúc, đường dọc vòng
vèo nhấp nhô. Du khách đi xuyên qua động, thấy như bên trái bên phải lẩn quẩn,
lúc lên đỉnh núi, lúc xuống đáy hang, ngước thấy khắp nơi đỉnh núi cheo leo,
cúi thấy bốn bên nghiêng dốc, chỗ hiểm trở, chỗ bằng phẳng, tạo cho du khách một
cảm giác thần bí thú vị hoảng hốt mê li. Bố cục toàn vườn chặt chẽ, phía đông
nam nhiều núi, phía tây bắc là nước, phía đông bắc chủ yếu là kiến trúc sảnh đường,
bốn bên hành lang thông nhau. Kiến trúc dựa núi dựa nước cao thấp so le, hành
lang theo thế đất cao thấp lên xuống, trên vách có chạm khắc trân phẩm bi thiếp
của các danh gia như Tô Thức 苏轼, Mễ Phế 米芾, Hoàng Đình Kiên 黄庭坚
đời Tống.
(còn tiếp)
Chú của người
dịch
(1)- Phục lang 复廊: là loại hành
lang chính giữa có tường ngăn chia làm hai bên, cũng gọi là “lí ngoại lang” 里外廊. Do bởi chia làm hai lối đi nên chiều rộng của hành
lang hơi lớn. Trên bức tường ở giữa trổ các dạng cửa sổ, từ bên này nhìn qua cửa
sổ có thể thấy cảnh sắc phía bên kia.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 01/9/2014
Nguyên tác Trung văn
TÔ CHÂU VIÊN LÂM
苏州园林
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân 墨人
Trung Quốc hí kịch xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật