Dịch thuật: Tề Hoàn Công hội chư hầu ở đất Quyên

TỀ HOÀN CÔNG HỘI CHƯ HẦU Ở ĐẤT QUYÊN

          Mùa xuân năm 679 trước công nguyên (Chu Hi Vương 周僖王 năm thứ 3), Tề Hoàn Công 齐桓公 một lần nữa triệu tập Tống Hoàn Công宋桓公, Trần Tuyên Công 陈宣公, Vệ Huệ Công 卫惠公, Trịnh Lệ Công 郑厉公 hội minh tại đất Quyên (cách phía đông huyện Bộc tỉnh Sơn Đông 山东 hiện nay 20 dặm). Các chư hầu cùng thừa nhận địa vị minh chủ của nước Tề, Tề Hoàn Công bắt đầu xưng bá.
          Sau khi Tề Hoàn Công lên ngôi, không nghĩ chuyện cũ, trọng dụng Quản Trọng 管仲, Quản Trọng phụ tá Tề Hoàn Công thi hành chính sách cải cách về chính trị, văn hoá, quốc lực nước Tề ngày càng lớn mạnh. Dựa vào lực lượng kinh tế và quân sự hùng hậu, Tề Hoàn Công có ý muốn phát triển ra bên ngoài, Quản Trọng tích cực thúc đẩy Tề Hoàn Công áp dụng phương châm “tôn vương nhương di, tranh thủ dữ quốc” 尊王攘夷, 争取与国 để kiến lập bá quyền.
          Gọi là “tôn vương” tức tôn sùng quyền lực của Chu vương. Lúc bấy giờ Chu vương thất đã suy yếu, nhưng trên danh nghĩa vẫn là cộng chủ của đại tông các nước tính Cơ và chư hầu thiên hạ. Thực chất của “tôn vương” là lấy việc tôn sùng vương thất làm chiêu bài, rồi lấy đó làm mục đích hiệu lệnh thiên hạ. Gọi là “nhương di” tức ngăn chống sự xâm phạm, quấy nhiễu trung nguyên của nhung địch, các dân tộc thiểu số phương bắc, bảo vệ sự an toàn của các nước chư hầu ở Hoa Hạ. “Tranh thủ dữ quốc” là chỉ việc kết thân cùng các nước chư hầu. Phương châm “tôn vương nhương di, tranh thủ dữ quốc” đã thuận ứng với thời thế, nước Tề từng bước tiến đến địa vị bá chủ.
          Năm 681 trước công nguyên (Chu Hi vương nguyên niên), để bình định nội loạn nước Tống, Tề Hoàn Công triệu tập chư hầu Tống , Trần , Thái , Chu hội minh tại Bắc Hạnh 北杏, khai sáng tiền lệ lấy chư hầu làm chủ của minh hội thời Xuân Thu, sau đó phái binh diệt nước Toại vì đã không tham gia kết minh. Đến mùa xuân năm 679 trước công nguyên, Tề Hoàn Công lại hội chư hầu Tống, Trần, Vệ, Trịnh, địa vị minh chủ của nước Tề được các nước chư hầu công nhận, nước Tề bước lên địa vị bá chủ.
          Nhưng kì thực, Trịnh Lệ Công không cam tâm thừa nhận địa vị minh chủ của nước Tề, muốn khôi phục lại công nghiệp của phụ thân mình là Trịnh Trang Công. Năm 676 trước công nguyên (Chu Huệ Vương nguyên niên), Cơ Lãng 姬阆 (Chu Huệ Vương) lên ngôi, Trịnh Lệ Công cùng Quắc công 虢公, Tấn quân 晋君 sau khi nghinh lập tân vương, thể hiện quyết tâm tích cực tham gia sự việc của vương thất. Từ đó, mối quan hệ giữa Trịnh với Tề xấu đi, tiếp đó nước Lỗ cũng quay lưng với nước Tề. Mùa xuân năm 674 trước công nguyên (Chu Huệ Vương năm thứ 3), Trịnh Lệ Công cùng Quắc Công Sửu hưởng ứng lời hiệu triệu của Cơ Lãng, thảo phạt vương tử Đồi , giúp Cơ Lãng phục quốc, giết vương tử Đồi cùng bè đảng. Trịnh Lệ Công nhân vì có công lớn trong việc bình định loạn vương thất, đã được Cơ Lãng đem phía đông Hổ Lao 虎牢, đất cũ của Trịnh Vũ Công ban cho để báo đáp. Những hoạt động của Trịnh Lệ Công làm dao động sự nghiệp vừa mới bắt đầu xưng bá của Tề Hoàn Công, nhưng chẳng bao lâu Trịnh Lệ Công mất, thế lực nước Trịnh theo đó mà đi xuống, không đủ lực lượng để chống lại nước Tề. Mùa hạ năm 667 trước công nguyên (Chu Huệ Vương năm thứ 10), nước Trịnh biểu thị sự phục tùng nước Tề, vì vậy Tề Hoàn Công một lần nữa lại cùng với Lỗ, Tống, Trần, Trịnh hội minh tại đất U . Chu Huệ Vương nhìn thấy thế lực nước Tề lớn mạnh, liền phái Thiệu Bá Liêu 召伯廖 đến Tề, ban cho Tề Hoàn Công làm Hầu bá 侯伯 (trưởng chư hầu), việc này biểu thị Chu vương thất chính thức thừa nhận địa vị bá chủ của Tề Hoàn Công.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 04/9/2014

Nguyên tác Trung văn
TỀ HOÀN CÔNG HỘI CHƯ HẦU VU QUYÊN
齐桓公会诸侯于鄄
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post