Dịch thuật: Nét đặc sắc trong cấu trúc viên lâm Tô Châu

NÉT ĐẶC SẮC TRONG CẦU TRÚC VIÊN LÂM TÔ CHÂU

          Xã hội phong kiến Trung Quốc, bất luận là dân gian hoặc triều đình, đều truy cầu “cát tường” 吉祥, phàm phi cầm tẩu thú, kì hoa dị thảo, chỉ cần một loại nào đó mà hình, âm, ý có thể hiển thị sự hỉ lạc, an khang, tường hoà, cát khánh thì đều có thể được dùng, nhân đó “đồ án cát tường” cũng trở thành hiện tượng văn hoá đặc hữu. Trong viên lâm cổ điển ở Tô Châu 苏州, việc vận dụng đồ án cát tường cũng thường thấy, như:
          Tuế hàn tam hữu 岁寒三有: tức tùng, trúc, mai phối hợp với nhau, có lúc lấy tùng, trúc, thạch. Nếu điêu khắc trên đồ vật, ngoài “tuế hàn tam hữu” ra, còn có “ngũ hữu đồ” 五友图, tức trúc, mai, lan, cúc, liên, biểu hiện nhã ý “cao phong lượng tiết” 高风亮节.
          Hoan thiên hỉ địa 欢天喜地: do con hoan (tên một loài thú) và chim hỉ thước tổ thành, có lúc dùng hình tượng “Hoà hợp nhị tiên” 和合二仙 (Thập Đắc 拾得 và Hàn Sơn 寒山) hoặc 4 chữ “hoan thiên hỉ địa” đồ án hoá tổ thành, thường dùng nhiều trong điêu khắc.
          Quan cư nhất phẩm 官居一品: đồ án con dế (quắc quắc 蝈蝈) trên hoa cúc, chữ “quắc” trong tiếng ở đất Ngô hài âm với chữ “quan” , chữ “cúc” đồng âm với chữ “cư” .
          Nhất lộ vinh hoa 一路荣华: do cò trắng (lộ ti 鹭鸶) và hoa phù dung tổ thành.
          An cư lạc nghiệp 安居乐业: do hoa cúc, chim cút (am thuần 鹌鹑) và lá cây phong rụng tổ thành, lấy hình tượng hài âm, có lúc còn thêm thọ thạch 寿石(đá) để tăng thêm nội dung trường thọ.
          Tứ quý bình an 四季平安: tập quán trong lọ hoa bài trí nơi sảnh đường cắm cành hoa nguyệt quý 月季 (hoa nguyệt quý còn có tên là “tứ quý” 四季, “trường xuân” 长春). Trong hội hoạ, điêu khắc có hình tượng mấy loại hoa của 4 mùa cắm trong 4 lọ hoa, tức: xuân hoa – mai, lan,  sơn trà; hạ hoa – sen, bách hợp; thu hoa – cúc , hoa quế; đông hoa – Nam thiên trúc, thuỷ tiên … lấy đó để tượng trưng “tứ quý bình an”.
         Viên lâm cổ điển Tô Châu kết duyên chặt chẽ với văn học, sở dĩ nó nồng đượm thi tình hoạ ý, đậm đà phong trí thần vận điển nhã mĩ lệ, nguyên nhân chủ yếu chính là do bởi sự điểm xuyết, hình dung, thẩm thấu của ngôn ngữ văn học. Tên gọi kiến trúc trong viên lâm Tô Châu dường như được lấy từ thơ văn trứ danh hoặc cổ thi, như toà lầu phía bờ bắc ao ở Lưu viên 留园, lầu phía trên tên là “Viễn Thuý các” 远翠阁, lầu phía dưới tên là “Tự tại xứ” 自在处, từ đây đưa mắt nhìn về phía nam, cảnh sắc trung bộ ở Lưu viên hết thảy thu vào tầm mắt. Tên gọi “Thuý viễn” của lầu trên lấy ý từ câu thơ của Phương Cán 方干:
Tiền sơn hàm viễn thuý
     La liệt tại song trung   
前山含远翠
罗列在窗中
 Núi phía trước ngậm màu xanh trải xa tít tắp
Cảnh tượng ấy bày ra la liệt nơi cửa sổ
ấy cũng là do bởi thơ và cảnh hợp nhau. Cách không xa lại có Mẫu đơn hoa đài 牡丹花台, là nơi thưởng hoa ngắm cảnh, nên đã lấy câu thơ của Lục Du 陆游 đặt tên:
Cao cao hạ hạ thiên thành cảnh
Mật mật sơ sơ tự tại hoa
高高下下天成景
密密疏疏自在花
Cao cao thấp thấp cảnh tượng do trời tạo thành
Nhặt nhặt thưa thưa hoa thung dung tự tại
          Còn như Vấn Mai các 问梅阁 ở Sư Tử lâm 狮子林, lấy ý từ thơ của Lí Tuấn Minh 李俊明 để đặt tên cho gác, có thể nói là nồng đậm chất văn :
Tá vấn mai hoa đường thượng nguyệt
Bất tri biệt hậu kỉ hồi viên
借问梅花堂上月
不知别后几回圆
Thử hỏi hoa mai về trăng rọi chiếu nơi nhà trước
Không biết sau khi xa cách, trăng được mấy lần tròn
          Trong viên lâm Tô Châu còn có nhiều đá, bên trên khắc lại những tác phẩm văn học nổi tiếng do các thư pháp gia viết, như trong thiếp pháp ở Lưu viên có Thi kinh 诗经 của Chử Toại Lương 褚遂良 đời Đường, Xích Bích phú 赤壁赋 do chính tay Tô Thức 苏轼 viết, Lạc Thần phú 洛神赋 của Tào Thực 曹植 do Đổng Kì Xương 董其昌 đời Minh viết. Trong viên lâm Tô Châu cũng dùng hình thức đồ án điêu khắc để biểu đạt nội dung tác phẩm văn học trứ danh, như trên bình phong ở “Trạc Anh thuỷ các” 濯缨水阁 khắc câu chuyện Tam quốc diễn nghĩa 三国演义. Trên hai cửa sổ phía đông của “Ấp Phong hiên” 揖风轩 ở Lưu viên có đồ án về câu chuyện Phong thần diễn nghĩa 封神演义.
          Những bộ phận trên kiến trúc trong viên lâm Tô Châu, danh mục rất nhiều, hình dạng phong phú. Những lậu song 漏窗 (1) nơi vách đậm màu sắc văn hoá. Lậu song là tiểu trang sức của viên lâm, là hình thức kiến trúc độc đáo của Trung Quốc, trên lậu song là những hoa văn chạm rỗng cho nên gọi là “lậu hoa song” 漏花窗, “hoa song” 花窗. Viên lâm Tô Châu chú trọng sự tinh trí tiểu xảo, kiến trúc sảnh đường đa phần là những hành lanh quanh co nối liền nhau, hành lang bộ phận đơn diện hoặc song diện đều có tường. Trên tường trổ lậu song, vừa tăng thêm hiệu quả tinh xảo lại thoáng gió thông sáng, nhất cử lưỡng tiện. Bản thân lậu song có cảnh, cảnh ở song nội song ngoại hỗ tương nhau, sơn thuỷ đình đài, hoả thảo thụ mộc cách tường thông quan lậu song hoặc ẩn hiện hoặc phô bày, dời bước ngắm nhìn càng thấy nhiều biến hoá, nhìn mãi không chán mắt. Nội dung của cấu trúc lậu song đa phần lấy điểu thú, hoa cỏ, sơn thuỷ hoặc đồ hình kỉ hà làm đề tài, cũng có lấy hí khúc, tiểu thuyết truyền kì, cùng một số cảnh trong những câu chuyện Phật giáo, Đạo giáo, như 108 kiểu lậu song ở  Thương Lãng đình 沧浪亭, 30 loại lậu song ở hành lang của Viên lưu, đều nổi tiếng thiên hạ. Còn nội dung có ý nghĩa văn hoá nhất phải kể đến lậu song “tứ nhã” 四雅 ở Sư Tử lâm, tức 4 lậu song cầm kì thư hoạ. Gọi là “tứ nhã” chỉ 4 thú tao nhã: đánh đàn, đánh cờ, đọc sách và hội hoạ mà văn nhân thời cổ ưa thích. Trong 4 lậu song có hình thức khác nhau này theo thứ tự có cổ cầm, bàn cờ vây, hộp sách, tranh cuộn. Nội dung đồ án mang nét văn hoá đặc sắc này đã tăng thêm nhã khí cho viên lâm. Thêm vào đó, dưới lậu song trồng thiên nam trúc, thạch trúc, La Hán tùng, bốn mùa luôn xanh tốt, phối hợp cùng màu tường của lậu song, vừa có mĩ cảm hình thức, vừa bao hàm tình điệu u nhã.
          Đá ở Thái hồ 太湖 là loại quái thạch kì phong thường thấy trong các viên lâm Trung Quốc, hình trạng khác lạ. Loại nham thạch vôi này có nhiều ở vùng Thái hồ, trải qua nhiều năm tháng bị mưa gió xâm thực và bị phong hoá mà hình thành. Đặc điểm chủ yếu của đá Thái hồ là:
          Trứu : đường vằn thể hiện hình trạng phân hoá cổ xưa
          Sấu : dạng của đá nhỏ mà dài
          Thấu : nhiều lỗ trống thông được ánh sáng
          Lậu : nước mưa dễ thẩm thấu vào những hốc trũng bên trong bên ngoài, đường nét phong phú.
          Trong viên lâm Tô Châu, đá Thái hồ có lúc phối cùng cây chuối, có lúc tương phản với sắc nước trong xanh, có lúc thu mình nơi một góc vườn, có lúc hiên ngang đứng bên đường. Nhiều năm qua, đá luôn tạo cho con người một cảm giác lạnh lẽo không có sinh mệnh, nhưng ở viên lâm Tô Châu, dưới những bóng cây, bên những đám dây leo, những khối đá Thái hồ dường như có sinh mệnh, chúng là thành viên trong một đại gia tộc đang trổi dậy ở các nơi trong vườn, như muốn cùng cỏ cây bước ra nhảy múa với con người. Thuỷ tú cho con người linh khí, sơn thạch cho con người dũng khí, nhất là đá Thái hồ trải qua mấy ngàn năm mưa gió, chúng đoan trang, ưu mĩ, lung linh. Chúng trong cương có nhu, đường nét lưu động khiến người liên tưởng đến gợn sóng, và trong nhu lại thấy cương, tấm thân rắn chắc khiến người liên tưởng đến những dũng sĩ không thể xâm phạm. Đá Thái hồ còn trong động có tĩnh, trong tĩnh thấy động, đứng trước đá Thái hồ, bạn có thể nghe được những lời ca thê lương thời xa xưa vang vọng lại, nghe được tiếng sóng Thái hồ gầm réo, đây là những tượng điêu khắc qua mấy ngàn năm mới tạc được. Nội hàm và ngoại diên đá Thái hồ phong phú, người trí có thể từ trong đó lĩnh ngộ được triết lí, người nhân có thể từ trong đó có được sự dí dỏm hài hước.

Chú của người dịch

(1)- Lậu song 漏窗: tục gọi là “hoa tường đầu” 花墙头, “lậu hoa song” 漏花窗, “hoa song” 花窗, là một loại cửa sổ mang tính trang sức trong kiến trúc viên lâm truyền thống của dân tộc Hán, loại lậu song này trang sức các loại đồ án, thông qua nó có thể thấy thấp thoáng cảnh vật bên ngoài. Để tiện nhìn cảnh sắc bên ngoài, độ cao của lậu song đa phần ngang tầm nhìn của người, khuông phía dưới của lậu song cách mặt đất khoảng 1,3m. Cũng có loại dùng để thông gió thông ánh sáng và dùng để trang sức, loại này cách mặt đất tương đối cao.
          Lậu song là một hình thức kiến trúc độc đáo trong kiến trúc viên lâm, cũng là một loại công nghệ xử lí nghệ thuật kiến trúc cấu thành cảnh quan viên lâm, thông thường là một tiểu phẩm trang sức trên tường của khu vườn, đa phần xuất hiện thành hàng trên hành lang. Trong các nhà, vườn ở Giang Nam ứng dụng rất nhiều, như lậu song ở viên lâm Tô Châu có sắc thái văn hoá nồng đậm.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/42789.htm

                                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                                 Quy Nhơn 26/9/2014

Nguyên tác Trung văn
TÔ CHÂU VIÊN LÂM
苏州园林
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân 墨人
Trung Quốc hí kịch xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post