LÔI THẦN VÀ KÊ TÍN NGƯỠNG
(tiếp theo)
Lôi thần, Lôi công mà dân
gian gọi chính là hình tượng gà trống với thân người đầu gà. Theo truyền thuyết
vùng Giang Triết, Lôi thần do linh hồn của
Bàn Cổ 盘古 sau khi chết đi biến thành. Những vùng khác cũng có
cách nói tương tự. Hình tượng Lôi thần trong Bố Lạc Đà 布洛陀, bộ sử thi sáng thế của dân tộc Tráng 壮 phía tây nam Trung Quốc là “mặt có sắc xanh, mỏ chim,
trên lưng mọc ra đôi cánh …..” “Trong chiếc trứng đá lớn có 3 màu đen vàng trắng
ngưng tụ, có 3 vị thần anh em là Lôi vương, Long vương và Bố Lạc Đà ….. Sau khi
trứng vỡ, Lôi vương được 99 con chim phụng đưa lên trời.” Có thể thấy Lôi vương
và gà có quan hệ mật thiết, nếu không thì tại sao có chim phụng hộ giá?
Lôi thần trong truyền thuyết của dân tộc Đồng 侗 là “mặt có sắc xanh, mỏ chim có sắc đỏ, có đôi cánh,
mọc ra 12 tay ….. ở trần, mặc chiếc quần ngắn làm bằng lá cây, chân tựa vuốt
gà, tai nhọn mắt tròn, có lông cứng.”
Lôi thần trong truyền thuyết
của dân tộc Dao 瑶 là “Lôi công mặt xanh quả nhiên tay cầm búa ….. đôi
cánh trên lưng luôn vỗ …”
Bản thân chim của những Lôi
thần này tương tự với gà. Ngoài ra, trong một số truyền thuyết lại trực tiếp
nói, do bởi Lôi thần trong cuộc chiến với anh hùng bị chặt đầu hoặc chân nên đã
dùng đầu gà hoặc chân gà thế vào.
Miếu Lôi thần ở hương thôn
huyện Tần An 秦安 tỉnh Cam Túc 甘肃,
tên của vị thần trong miếu là Lôi công, có hình dạng đầu gà, vuốt gà, thân người,
tay cầm chuỳ, tựa như đang đánh trống. Tương truyền Lôi công cùng với Hạn quỷ 旱鬼 đánh nhau, Lôi công thua bèn hoá thành gà trống, chạy
lên đỉnh núi, lừa được Hạn quỷ, làm 3 ngày mưa lớn. Vì thế mọi người đã đắp tượng
Lôi công ở núi này, lập miếu phụng thờ. Ngoài ra, trong hình tượng nhị thập tứ
hiếu lưu truyền trong làng cũng có hình tượng Lôi công, bức hoạ có hình 12 chiếc
trống nối liền nhau thành vòng tròn, Lôi công ở giữa, đầu gà thân người, đạp
lên mây đen. Tại khu vực dân tộc thiểu số ở tây nam Trung Quốc, pháp khí dùng
trong tế tự và vui chơi là trống đồng, trên trống đồng có:
Bán tự điểu bán tự nhân chi nhân vật đồ
hình, các nhân vật chấp phủ tạc (1)
半似鸟半似人之人物图形, 各人执斧凿 (1)
(Hình tượng nhân vật nửa chim nửa người, người nào
cũng cầm búa)
La Hương Lâm 罗香林
nói rằng:
Tôi ngờ gốc là làm ra để tượng trưng con
cháu Lôi thần, ngày nay tại vùng Cao châu, Lôi châu, Khâm châu, Liêm châu của
Quảng Đông còn có truyền thuyết gả con gái cho Lôi công, sinh con ra giống gà
trống. Còn ở vùng Chương châu, Tuyền châu của Phúc Kiến, trong dân gian đến nay
Lôi công vẫn là đầu gà thân người, nơi vai mọc ra đôi cánh, hai tay cầm chuỳ
vàng, hình tượng nửa người nửa chim, quả là tương hợp (2).
La
Hương Lâm lại dẫn hình ở chương 2 Long dữ
thuỷ thần 龙与水神 trong tác phẩm Long chi diễn tiến
龙之演进 của Ngải Lược Đặc . Sử Mật Tư 艾略特史略斯tác giả người Mĩ, Lôi công của Trung Quốc trong đó có miệng là mỏ gà,
trên lưng mọc đôi cánh, một tay cầm búa, một tay cầm dùi đục, chân có hình vuốt
gà. Chúng tôi trong quá trình thu thập điều tra phát hiện, vùng nam hải tỉnh Quảng Đông, duyên hải tỉnh Phúc Kiến tiến lên
phía bắc đến Sơn Hải quan, hình tượng Lôi công dọc đường về cơ bản đều mình người
đầu gà.
Lôi
công hình người “mặt xanh, mỏ gà, trên lưng mọc ra đôi cánh” không chỉ truyền
bá rộng rãi ở Trung Quốc, mà ở người Mã Nhã 玛雅
(người Maya – ND) và người Ấn Đệ An 印第安 (người Indian – ND) bên kia bờ Thái Bình dương cũng có
vị thần tương tự - Lôi điểu 雷鸟. Hình tượng vị thần
này giống với hình tượng Lôi công ở Trung Quốc. Điều này e không phải là trùng
hợp ngẫu nhiên, mà là kết quả của sự thiên di giao lưu của nhân dân hai vùng thời
cổ.
Chú của
nguyên tác
(1) (2)- La Hương Lâm 罗香林:
Bách Việt nguyên lưu dữ văn hoá – Cổ đại
Việt tộc văn hoá khảo 百越源流与文化 - 古代越族文化考, thượng
sách, Đài Loan tỉnh quốc lập biên dịch quán “Trung Hoa tùng thư” biên thẩm hội,
1978 niên.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 06/9/2014
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật