Dịch thuật: Bạch Khởi (kì 1)

BẠCH KHỞI
(kì 1)

          Bạch Khởi 白起 (? – năm 257 trước cn), quân sự gia nước Tần thời Chiến Quốc, người  huyện Mi tỉnh Thiểm Tây 陕西 ngày nay.
          Bạch Khởi một đời nhung mã, chỉ huy qua mấy chục chiến dịch, chém cả trăm vạn đầu, đoạt hơn 70 toà thành cho nước Tần, mở rộng đất đai mấy ngàn dặm. Bạch Khởi dụng binh như thần, nổi tiếng về công thủ.
          Bạch Khởi là một tướng quân luôn thắng, là nhà quân sự thiên tài ngàn năm khó có. Ông tính cách thẳng thắn, nhìn thấy thời cơ diệt Sở chưa chín mùi, thà chết chứ không chịu làm nhục uy danh một đời, nhân đó nhiều lần kháng lại mệnh lệnh của Tần vương, cuối cùng bị ban kiếm tự vẫn.

TRỤC LỘC TRUNG NGUYÊN, QUÉT SẠCH LIÊN QUÂN HÀN NGUỴ

          Cuối thời Chiến Quốc, xã hội biến động kịch liệt, quần hùng tranh bá, xuất hiện một số tướng sĩ thiện chiến giong ruổi sa trường.
          Bạch Khởi là hậu nhân của danh tướng Bạch Ất Bính 白乙丙 nước Tần thời Xuân Thu. Phụ thân của ông một đời chinh chiến lập được nhiều chiến công, đặt tên cho con là “Khởi” , hi vọng tương lai người con cũng lập được công nghiệp như danh tướng Ngô Khởi 吴起 thời Chiến Quốc. Bạch Khởi thường được nghe phụ thân giảng về những nhân vật anh hùng như Tư Mã Nhương Thư 司马穰苴, Tôn Vũ 孙武, Ngô Khởi 吴起 và Tôn Tẫn 孙膑. Năm Bạch Khởi 12 tuổi, phụ thân cho ông tham gia quân đội, nên Bạch Khởi từ nhỏ đã nhận được sự huấn luyện quân lữ. Bạch Khởi rất yêu quân sự, chuyên nghiên cứu binh pháp, lại quanh năm chinh chiến nên nắm vững kinh nghiệm chiến tranh.
          Lúc bấy giờ hai nước Hàn Nguỵ ở bên cạnh nước Tần, căn cứ theo chiến lược viễn giao cận công của nước Tần, hai nước là mục tiêu “tàm thực” 蚕食 của nước Tần.
          Năm 294 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương 秦昭王 phá cách đề bạt Bạch Khởi làm Tả thứ trưởng 左庶长, thống lĩnh một cánh quân đi đánh nước Hàn.
          Bạch Khởi trong trận chiến lần đầu  đã thể hiện tài hoa quân sự. Đương thời liên quân Hàn Nguỵ người đông thế mạnh, còn cánh quân Tần do Bạch Khởi thống lĩnh binh lực rất ít. Liên quân Hàn Nguỵ bề ngoài tuy kết minh, nhưng đều muốn đẩy đối phương đi trước đối phó với quân Tần, còn mình ở phía sau ngồi hưởng cái lợi ngư ông.
          Bạch Khởi trước tiên phái nghi binh doạ quân Hàn, rồi đột xuất công kích quân Nguỵ, quân Nguỵ đại bại, quân Hàn không đánh mà bỏ chạy. Bạch Khởi thừa thắng truy sát, chém đầu 24 vạn quân, thấy chất đầy đồng, bắt sống đại tướng nước Nguỵ là Công Tôn Hỉ 公孙喜, lại đánh chiếm Tân thành 新城 (phía tây nam Y Xuyên 伊川, Hà Nam 河南), hai nước Hàn Nguỵ kinh sợ, tiếp đó, Bạch Khởi lại công hạ 4 thành. Tin thắng trận tấp nập báo về nước Tần, Bạch Khởi được thăng làm Quốc uý 国尉.
          Tần Chiêu Vương năm thứ 15 (năm 292 trước công nguyên), nước Tần không ngừng phát động tấn công hai nước Hàn Nguỵ. Thừa tướng Nguỵ Nhiễm 魏冉 tiến cử Bạch Khởi, Tần Chiêu Vương đề bạt Bạch khởi làm Tướng quân, thống lĩnh quân Tần đại chiến cùng với liên quân Hàn Nguỵ ở dưới núi Y Khuyết 伊阙 (phía nam Lạc Dương 洛阳).
          Lần này, Bạch Khởi công chiếm đất Viên của nước Nguỵ (huyện Viên Khúc 垣曲, Sơn Tây 山西), được thăng làm Đại lương tạo 大良造. Đương thời, Đại lương tạo là chức quan cao nhất của quân Tần, đồng thời cũng là tước vị tôn quý.
          Tần Chiêu Vương năm thứ 16 (năm 291 trước công nguyên), Bạch Khởi dẫn quân Tần công hạ đất Uyển , một trọng trấn quân sự của nước Hàn. Uyển là cơ sở sản xuất thép và là trung tâm luyện thép nổi tiếng khắp thiên hạ. Đồng thời, Mã Thác 马错 thống lĩnh một cánh quân công hạ đất Đặng , một cơ sở luyện thép khác của nước Hàn (phụ cận huyện Mạnh , Hà Nam 河南). Sau khi quân Tần lấy được đất Uyển đất Đặng, sức mạnh kinh tế và quân sự của nước Tần được tăng cường, tạo cơ sở vật chất cho việc thống nhất thiên hạ của nước Tần.
          Tần Chiêu Vương năm thứ 17 (năm 290 trước công nguyên), bị bức trước thế lực lớn mạnh của quân Tần, hai nước Hàn Nguỵ phải cắt đất cho Tần. Qua nhiều lần thương nghị, nước Hàn cắt nhường Vũ Toại 武遂 200 dặm, nước Nguỵ cắt nhường Hà Đông 河东 400 dặm. Sau khi Tần được Vũ Toại và Hà Đông, quốc lực tăng mạnh, càng kích thích dã tâm khuếch trương ra bên ngoài của nước Tần.
          Tần Chiêu Vương năm thứ 18 (năm 289 trước công nguyên), Bạch Khởi dẫn quân Tần hướng đến nước Nguỵ, trên đường quá quan trảm tướng, công hạ 61 toà thành, khiến nước Nguỵ bị thiệt hại nặng. Từ đó hai nước Hàn Nguỵ không thể chống đỡ, không còn là sự uy hiếp đối với nước Tần. Tần nhanh chóng thay đổi sách lược, hướng tấn công chuyển sang nước Triệu ở phía bắc và nước Sở ở phía nam.
          Đồng thời quật khởi cùng Tần là nước Tề ở phía đông. Dưới sự thống trị của Tề Mẫn Vương 齐湣王, quốc lực nước Tề dần cường thịnh, đánh bại nước Sở ở phía nam, giết đại tướng quân nước Sở là Đường Muội 唐昧, đánh tan quân đội Tam Tấn 三晋 tại Quan Tân 观津 ở phía tây. Nước Tề lại bắt tay cùng Tam Tấn tấn công nước Tần, nước Tề cũng viện trợ cho Triệu thôn tính nước Trung Sơn 中山. Năm 286 trước công nguyên, Tề Mẫn Vương thống lĩnh đại quân chiếm lĩnh nước Tống, Tống Yển Vương 宋偃王 chạy sang nước Nguỵ lánh nạn, chết tại Ôn thành 温城.  (còn tiếp)

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                              Quy Nhơn 24/9/2014

Nguyên tác
BẠCH KHỞI
TRỤC LỘC TRUNG NGUYÊN, HOÀNH TẢO HÀN NGUỴ LIÊN QUÂN
白起
逐鹿中原, 横扫韩魏联军
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post