Dịch thuật: Đầu Phàn Ô Kì vì sao đáng giá?

ĐẦU PHÀN Ô KÌ VÌ SAO ĐÁNG GIÁ?

          Phàn Ô Kì 樊於期 (1) vốn là một người vô danh, sở dĩ ông luôn được nhiều người nhắc chính là do bởi khi Kinh Kha 荆轲 thích Tần Vương, ông đã để lại ấn tượng sâu sắc.
          Phàn Ô Kì người Hà Bắc 河北, nhân Kinh Kha thích Tần vương, người đời sau chỉ biết ông mất năm 227 trước công nguyên, còn sinh năm nào thì sử sách không ghi chép.
          Trong cuộc đời của Phàn Ô Kì có 3 sự kiện đáng để nhắc tới:
- Thứ 1: Sau khi Tần Trang Tương Vương 秦庄襄王 mất khoảng 10 năm, Phàn Ô Kì xúi giục người con mới 17 tuổi của Tần Trang Tương Vương là Thành Kiệu 成峤 phát động phản loạn, muốn đoạt vương vị mà Tần Thuỷ Hoàng lúc bấy giờ 22 tuổi đã lên ngôi được 9 năm.
- Thứ 2: Sau khi Phàn Ô Kì giúp Thành Kiệu cố thủ Đồn Lưu 屯留 bị đại quân Vương Tiễn 王翦 đánh bại, đã chạy sang nước Yên, được Yên Vương phong làm Đại tướng quân.
          Về nguyên nhân việc chạy sang nước Yên còn có một thuyết khác, cho rằng khi Phàn Ô Kì dẫn quân đánh nước Triệu, bị Đại tướng nước Triệu là Lí Mục 李牧 đánh bại, trở thành bại tướng nên không dám về lại nước.
- Thứ 3: Khi Kinh Kha thích Tần Vương, Phàn Ô Kì đem đầu mình đưa cho Kinh Kha để làm lễ vật dâng lên Tần Vương.
          Trong Chiến Quốc sách – Kinh Kha thích Tần Vương 战国策 - 荆轲刺秦王 có viết:
Phù kim Phàn tướng quân, Tần Vương cấu chi kim thiên cân, ấp vạn gia (2)
夫今樊将军, 秦王购之金千斤, 邑万家 (1)
          (Nay Tần Vương bỏ vàng ngàn lượng, ấp vạn nhà để mua Phàn tướng quân)
        Có thể thấy, đầu của Phàn Ô Kì rất có giá. Thế thì, đầu Phàn Ô Kì tại sao lại đáng giá như thế?
          Nguyên nhân chủ yếu là Phàn Ô Kì đã chụp lên đầu Tần Vương cái mũ “dã chủng” 野种 (con hoang), đồng thời xúi em trai Tần Vương là Thành Kiệu trở giáo nơi trận tiền, mưu đồ trừ khử Tần Vương, muốn đưa Thành Kiệu lên làm tân vương của nước Tần.
          Nơi trận tiền trở giáo đã là tội chết; “khinh miệt” Tần Vương là “dã chủng” của Lã Bất Vi 吕不韦, đồng thời phát hịch thông báo ba quân cũng là tội chết; mưu đồ trừ khử Tần Vương để lập Thành Kiệu, cũng là tội chết; càng khỏi phải nói sau khi Phàn Ô Kì xúi Thành Kiệu làm phản bị đánh bại chạy sang nước Yên làm tướng quân nước Yên, có thể nói Phàn Ô Kì “tội đáng chết muôn lần”.
          Sau khi Phàn Ô Kì bại binh chạy sang nước Yên, Tần Vương hạ lệnh “lục một” 戮没 (giết chết) “phụ mẫu tông tộc” của ông.
          Thời của Phàn Ô Kì, Tần Vương hãy còn là một vị quân chủ sáng suốt. Trước khi phát sinh sự kiện Kinh Kha thích Tần Vương, trên cơ sở cai trị của các vị quân chủ nước Tần các đời, Tần Vương chiêu nạp hiền tài các nước, áp dụng các sách lược như viễn giao cận công, phân hoá li gián, liên hoành … năm 230 trước công nguyên diệt nước Hàn, năm 228 trước công nguyên diệt nước Triệu, đã đặt cơ sở vững chắc cho việc Tần thống nhất Hoa Hạ.
          Mọi người căm ghét Tần Thuỷ Hoàng, nhưng vào năm 227 trước công nguyên, ông không phải là Tần Thuỷ Hoàng mà là Tần Vương. Một loạt hành vi thi chính tàn bạo của ông là  sự tình sau khi ông làm Tần Thuỷ Hoàng.
          Là một vị Đại tướng nước Tần khi nước Tần đang ở vào thời kì đang lên, Phàn Ô Kì kì thực là một tiểu nhân tự tư tự lợi, cái lợi nung đốt tâm can, chỉ biết tham đồ phú quý.
          Tầm nhìn của Phàn Ô Kì ngắn cạn, nhìn không thấy đại thế thống nhất. Ông tham quyền thế, một lòng muốn phá hoại cái thế đang phát triển tốt đẹp của nước Tần, làm phản Tần Vương gây rối loạn cục diện chính trị an định đoàn kết của nước Tần, muốn làm một vị khai quốc trụ thần của Tần Vương mới; ông đại bất hiếu, hại chết phụ mẫu tông tộc của mình; ông đại bất trung, bất luận là tại trong nước phát động binh biến chốn trận tiền, hay là sau khi bại binh chạy sang Nước Yên, đều là hành vi mưu phản hại nước.
          Thời kì mấu chốt trong cuộc đời của Phàn Ô Kì, nhân vì chỉ ham mộ quyền thế và phú quý đã có sự lựa chọn sai lầm. Con đường ông chọn để đi là con đường không chính nghĩa, không có lối về.
          Trước khi “Kinh Kha thích Tần”, Phàn Ô Kì lấy đầu của mình “tặng” cho Kinh Kha để làm lễ vật dâng lên Tần Vương, nếu nói là hành động anh hùng khảng khái, vẫn không bằng nói là bị bức vào đường cùng không biết phải làm thế nào
          Chúng ta đọc sử, không phải chỉ đọc những câu chuyện, mà còn cần phải lắng nghe thanh âm xuyên qua ngàn năm sau từng con chữ.
          Đến ngày nay, vẫn có nhiều người trong lòng vẫn tôn Phàn Ô Kì là anh hùng chí sĩ, không biết đó là khích lệ anh hùng hay biếm nhục anh hùng.

Chú của người dịch
(1)- Phàn Ô Kì 樊於期:
1- Với chữ , trong Khang Hi tự điển có 2 âm như sau:
          - Âm Bắc Kinh là wu (thanh 1)
             Đường vận 唐韻  phiên thiết là AI ĐÔ 哀都 (ô).
             Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là UÔNG HỒ 汪胡.
          Đều có âm là .
          - Âm Bắc Kinh là yu (thanh 2) .
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là ƯƠNG CƯ 央居 (ư)
Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là Y HƯ 衣虛 (ư).
Đều có âm là .
(trang 430, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: ƯÔ
2- Với chữ , trong Khang Hi tự điển cũng có 2 âm:
          - Âm Bắc Kinh là qi (thanh 1)
           Đường vận 唐韻 , Tập vận 集韻, Vận hội 韻會  đều phiên thiết là CỪ CHI 渠之 (kì)
          - Âm Bắc Kinh là ji (thanh 1)
          Tập vận 集韻  phiên thiết là CƯ CHI 居之 (ki)
(trang 454, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: KỲKY
Theo http://baike.baidu.com/view/671559.htm, tên của nhân vật viết theo dạng phồn thể là樊於期 với âm Bắc Kinh chú bên cạnh là Fan Wu ji, âm Hán Việt là Phàn Ô Ki.
Theo http://www.zwbk.org/MylemmaShow.aspx, tên của nhân vật lại chú âm Bắc Kinh là Fan Wu qi, âm Hán Việt là Phàn Ô Kì.
Trong Sử Kí bản dịch Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên âm là Phàn Ô Kì, bản của Phan Ngọc phiên âm là Phàn Ư Kỳ.  
Tôi theo bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên là Phàn Ô Kì.
(2)- Trong Chiến Quốc sách – Yên tam 战国策 - 燕三, câu này là:
Phù kim Phàn tướng quân, Tần Vương cấu chi kim thiên cân, ấp vạn gia
夫今樊将军, 秦王购之金千斤, 邑万家
(Lí Duy Kì 李维琦 điểm hiệu, trang 430, Nhạc Lộc thư xã, 2006)
          Trong nguyên tác là:
Phù Phàn tướng quân, Tần Vương cấu chi kim thiên cân, ấp vạn gia
夫樊将军, 秦王购之金千斤, 邑万家
thiếu chữ “kim” . Tôi theo tư liệu trên thêm vào.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 16/9/2014

Previous Post Next Post