TÔNG PHÁP VÀ LỄ TRỊ
Vào thời
Tam đại Hạ, Thương, Chu, giai cấp thống trị đã kiến lập các loại chế độ nhà nước
như quan chế, hình luật, thuế chế, binh chế …, đặt cơ sở cho văn hoá quốc gia.
Trong khoảng thời Tam đại, sự kiện tương đối đột xuất là tông pháp và “lễ trị”.
Gọi là
“tông pháp” 宗法, đó là nguyên tắc của mối quan hệ huyết thống trong
xã hội cổ đại Trung Quốc (1). Trong Lễ kí – Đại truyện 礼记 - 大传 có ghi:
Lễ, bất vương bất Đế. Vương giả Đế kì tổ chi
sở xuất, dĩ kì tổ phối chi. Chư hầu cập kì thái
tổ. Đại phu, sĩ hữu đại sự, tỉnh vu kì quân, can Hợp cập kì cao tổ ….. Thượng
trị tổ Nỉ, tôn tôn dã. Hạ trị tử tôn, thân thân dã. Bàng trị côn đệ, hợp tộc dĩ
thực. Tự dĩ chiêu mục, biệt chi lễ nghĩa, nhân đạo kiệt hĩ.
礼, 不王不禘. 王者禘其祖之所出, 以其祖配之. 诸侯及其大祖. 大夫, 士有大事, 省于其君, 干祫及其高祖 ….. 上治祖祢, 尊尊也. 下治子孙, 亲亲也. 旁治昆弟, 合族以食. 序以昭穆, 别之礼义, 人道竭矣.
(Lễ chế
quy định, không phải là thiên tử thì không được cử hành tế Đế. Đế vương tế Đế
là vị Thiên thần đã sinh ra thuỷ tổ của mình, lập thần chủ của thuỷ tổ phối hưởng.
Chư hầu tế tổ tiên, đại phu và sĩ nếu có đại sự
đại công, được quốc quân xem xét biết rõ thì có thể thỉnh cầu tế Hợp, có thể tế
đến cao tổ … Trên đến tiên tổ tiên phụ, đó là để tôn sùng chính thống chí tôn.
Dưới đến con cháu, đó là để thân ái cốt nhục chí thân, bên cạnh là
anh em, lấy việc tụ họp ăn uống để liên kết tình cảm của toàn tộc. Lập tả chiêu
hữu mục để sắp xếp thứ tự, dùng lễ nghi để khu biệt lớn nhỏ, nhân đạo luân thường
được thể hiện không sót)
Với
tông pháp đời Chu, nguyên tắc cơ bản và nội dung của nó là mỗi quý tộc đều phải
quy tông nhận tổ, phân ra có đại tông và tiểu tông; còn việc phân đại tông và
tiểu tông, đầu tiên phải xác lập chế độ kế thừa trưởng ấu. Nguyên tắc cơ bản của
tông pháp chính là chế độ kế thừa trưởng ấu. Vương vị đời Chu
do đích trưởng tử chính tông của quý tộc vương thất kế thừa. Anh em của đích
trưởng tử sẽ phân thành một nhà khác, cho nên gọi là “biệt tử” 别子. Giai tầng sĩ đại phu đời Chu
nói chung là biệt tử của quốc vương. Đương nhiên, sau khi biệt tử lập thành một
nhà sẽ lấy đích trưởng tử của mình kế thừa trưởng vị của gia tộc và trở thành đại tông, người đó chính là thuỷ tổ của
tông này, gọi là “biệt tử vi tổ” 别子为祖. Vương vị đời Chu thực hành chế độ đích trưởng tử kế thừa, đối với việc
xác lập tông pháp và ảnh hưởng xã hội có ý nghĩa lịch sử sâu xa. Từ vua Vũ 禹 nhà Hạ truyền vương vị cho con là Khải 启, khai sáng vương quyền gia thiên hạ trở đi, vương vị
đời Thương bắt đầu do đích trưởng tử kế thừa, đến đời Chu hoàn toàn hình thành
chế độ vương vị của mỗi vương triều do đích trưởng tử kế thừa trong lịch sử
Trung Quốc, từ đó cũng hình thành cái gọi là quan niệm “chính thống” của vương
quyền. Chế độ đích trưởng tử kế thừa vương vị tuy có thể giảm thiểu sự đấu
tranh tranh giành ngôi vị ở nội bộ vương thất, nhưng do bởi đích trưởng có thể
là người hôn dung vô năng, dẫn đến vương quyền suy yếu, để ngăn ngừa tệ bệnh
này, đời sau lại xuất chiêu “lập thái tử”.
Lễ, lúc
ban đầu là một loại lễ nghi, là một loại chuẩn tắc hành vi mà con người xác lập
và điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người. Truy tìm khởi nguyên của lễ, sớm
nhất là những nghi thức tế tự của xã hội nguyên thuỷ đối với tổ tiên, trời đất,
quỷ thần, hành vi cung kính ở những nghi thức này mọi người gọi là “lễ”. Hành
vi cung kính đối với tổ tiên và quỷ thần trong xã hội nguyên thuỷ được diễn dịch
thành sự tôn kính đối với thủ lĩnh, trưởng bối. Trải qua sự phát triển ở thời
kì nhà Hạ nhà Thương đến thời Tây Chu, đã hình thành nên “lễ” lấy “thân thân,
tôn tôn” làm nguyên tắc cơ bản. Nội dung của Chu lễ rất rộng (2), đại
để có thể phân thành “cát lễ” 吉礼 (chỉ điển lễ tế tự”),
“hung lễ” 凶礼 (chỉ nghi lễ tang táng), “quân lễ” 军礼 (chỉ các điển lễ liên quan đến quân sự), “tân lễ” 宾礼 (các điển lễ như triều cận, hội minh), “gia lễ” 嘉礼 (bao gồm hôn lễ, quán lễ, hưởng yến, lập trừ cùng các
lễ về hỉ sự). Tự nội dung của lễ có thể biết nó liên quan đến các mặt trong đời
sống xã hội. Nhưng, lễ đời Chu lại không phải
là lễ của cả một quốc gia và dân chúng, mà là chỉ giới hạn ở quý tộc, đồng thời
là lễ có đẳng cấp. Điều mà gọi là “lễ bất há thứ nhân” 礼不下庶人, “hình bất thướng đại phu” 刑不上大夫, đã biểu minh một
cách rõ ràng rằng, đối với “thứ nhân” (bách tính) thì không nói đến “lễ”, khi họ
phạm tội sẽ bị trừng phạt; còn quý tộc có thể hưởng sự đãi ngộ của lễ, khi phạm
tội có thể không bị trừng phạt. Do bởi sự bất bình đẳng này có thể thấy, “lễ” đời
Chu trên thực tế là một loại thủ đoạn chính trị
tiến hành cùng luật pháp, cho nên gọi “lễ trị” 礼治
là thoả đáng nhất. Sự khác nhau giữa “lễ trị” và “pháp trị”
là, “pháp trị” (như hình luật) mang tính chất cưỡng chế bạo lực, là thủ đoạn cứng
rắn của kẻ thống trị; “lễ trị” mang tính chất giáo hoá văn minh, là thủ đoạn mềm
dẻo của kẻ thống trị. Cả hai nương tựa vào nhau, trở thành thủ đoạn hữu hiệu bảo
vệ chính quyền chủ nô đời Chu . Cho nên trải
qua sự đề xướng của Nho gia, lễ trị lại trở thành tiêu chuẩn thống trị phong kiến
trường kì.
Trong lễ
nhà Chu, lễ thiên tế địa, tế tự xã tắc tông miếu cùng với tư tưởng định quân thần,
biệt nam nữ, lại thêm các hạng mục lễ nghi về cát lễ, hung lễ, quân lễ, hôn lễ,
quán lễ trong Chu lễ 周礼, Lễ kí 礼记, Nghi lễ 仪礼 đã có ảnh hưởng
rất lớn đối với văn hoá lễ nghi của đời sau. Tế lễ, điển lễ, hôn lễ, tang lễ của
đời sau mặc dù hình thức lễ nghi có chỗ khác nhau, nhưng nguồn gốc của chúng đều
có liên quan đến tam lễ. Nhất là “ngũ
phục” 五服 (3) trong tang lễ, dường như bản chất không thay đổi.
Sau khi
nhà Chu mất, tông pháp nghiêm nhặt không còn tồn
tại, nhưng quan niệm tư tưởng của tông pháp lại có ảnh hưởng sâu xa đối với đời
sau. Không nói đến đế vương các đời từ Tần Hán trở về sau cơ hồ đều thực hành
chế độ đích trưởng kế thừa vương vị, quý tộc và gia tộc bách tính cũng đều do
đích trưởng kế thừa, đời sau rất chú trọng minh chứng gia phả thế hệ, như khoảng
từ thời Hán đến thời Đường, thỉnh thoảng sùng thượng phổ hệ môn phiệt. Lí học
gia Trương Tải 张载 đời Tống đề xướng khôi phục tông pháp, thời Nam Tống
trở về sau, gia phả lại hưng vượng trở lại khiến nó trở thành sợi dây ràng buộc
thế hệ gia tộc, nhưng bỏ tông tử và lễ khu biệt đại tông tiểu tông, hơn nữa
không giới hạn ở quý tộc, nói chung gia tộc đều có thể tế tổ, lấy sức mạnh tập
thể của gia tộc để bảo vệ quyền lợi và địa vị của gia tộc mình, hình thành “thế
lực tông pháp” có giới hạn trong xã hội. Từ quốc gia phong kiến mà nói, đây
cũng là một sức mạnh tập quán để duy trì trật tự xã hội phong kiến.
Chú của
nguyên tác
1- Tham khảo các thiên Đại truyện大传, Tang phục
tiểu kí 丧服小记 trong Lễ kí 礼记.
2- Tham khảo Chu lễ 周礼và Xuân Thu hội yếu 春秋会要.
Chú của người
dịch
3- Ngũ phục五服: là chế độ đẳng
cấp trong tang phục bắt nguồn từ Trung Quốc. Xã hội cổ đại Trung Quốc là xã hội
do gia tộc phụ hệ tổ thành, lấy Phụ tông làm trọng. Phạm vi thân thuộc bao gồm
đàn ông từ Cao tổ trở xuống cùng với người phối ngẫu, tức từ Cao tổ xuống đến
Huyền tôn tổng cộng là 9 đời, thường gọi là Bản tông cửu tộc 本宗九族. Chế độ tang phục dựa vào thời gian chịu tang dài ngắn
khác nhau được chia làm 5 loại gọi là “ngũ phục”:
Trảm thôi 斩衰: thời gian chịu
tang là 3 năm. Thực tế tròn 2 năm hoặc 25 tháng, chống gậy.
Tư thôi齐衰: Tư thôi được
chia làm 4 loại:
Tư thôi tam niên 齐衰三年: thời gian chịu
tang là 3 năm, chống gậy.
Tư thôi trượng ki 齐衰杖期: thời gian chịu
tang là 1 năm, chống gậy.
Tư thôi bất trượng ki齐衰不杖期: thời gian
chịu tang là 1 năm không chống gậy.
Tư thôi tam nguyệt 齐衰三月: thời gian chịu
tang là 3 tháng, không chống gậy.
Đại công 大功: còn được viết
là 大红, thời gian chịu tang là 9 tháng, không chống gậy.
Tiểu công 小功: còn được viết
là 小红, thời gian chịu tang là 5 tháng, không chống gậy.
Ti ma 缌麻: thời gian chịu
tang là 3 tháng, không chống gậy.
Lược dịch từ nguồn:
http://zh.wikipedia.org/wiki/%E4%BA%94%E6%9C%8D
http://www.china5000.org.cn/chinese/zhongguominsu/200709/t20070914_43977.htm
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/8/2014
Nguyên tác Trung văn
TÔNG PHÁP DỮ LỄ TRỊ
宗法与礼治
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật