Dịch thuật: Toại Nhân với việc bắt đầu ăn chín

TOẠI NHÂN VỚI VIỆC BẮT ĐẦU ĂN CHÍN

          Toại Nhân 燧人 dùi gỗ lấy lửa là câu chuyện mà ai cũng biết. Trong Hàn Phi Tử - Ngũ đố 韩非子 - 五蠹 có ghi:
          Thượng cổ chi thế, dân thực quả, sơ bạng, cáp, tinh, tao, ố xú, nhi thương hại phúc vị, dân đa tật bệnh. Hữu thánh nhân tác toản toại thủ hoả, dĩ hoá tinh, tao, nhi dân duyệt chi, sử vương thiên hạ. Hiệu chi viết ‘Toại Nhân thị’.
          上古之世, 民食果, 蔬蚌, , , , 恶臭, 而伤害腹胃, 民多疾病. 有圣人作钻燧取火, 以化腥, , 而民悦之, 使王天下. 号之曰燧人氏’.
          (Thời thượng cổ, dân ăn trái cây, rau cỏ, con trai, con hến, tanh tao hôi hám, làm tổn thương dạ dày, dân bị nhiều tật bệnh. Sau có thánh nhân làm ra cái dùi dùi gỗ để lấy lửa, khiến thức ăn hết tanh tao, dân vui mừng, tôn làm vương thiên hạ, gọi là “Toại nhân thị”)
          Trong Cổ sử khảo 古史考 cũng ghi rằng:
          Cổ giả nhự mao ẩm huyết, Toại Nhân thị toản hoả, thuỷ khoả nhục nhi phần chi, viết bào.
          古者茹毛饮血, 燧人氏钻火, 始裹肉而燔之, 曰炮.
          (Thời cổ ăn lông uống huyết, Toại Nhân dùi gỗ lấy lửa, bắt đầu gói thịt mà nướng, gọi đó là ‘bào’)
          Việc Toại Nhân phát minh ra cách lấy lửa đã phản ánh lịch sử thời đại nguyên thuỷ từ lợi dụng lửa tự nhiên tiến đến dùng sức người lấy lửa.
          Đối với thánh nhân phát minh ra cách lấy lửa, mọi người đều tôn sùng yêu kính, tôn là lĩnh tụ, đây là điều tự nhiên. Bởi ý nghĩa của sự phát minh này rất vĩ đại. Nó khiến mọi người cáo từ phương thức ăn lông uống huyết, về phương diện ăn uống có sự phân biệt cơ bản với động vật cấp cao. Có thể nói đây là cuộc cách mạng trong lịch sử ẩm thực của nhân loại, từ đó đã mở ra một trang mới trong lịch sử nấu nướng thức ăn. Việc phát minh ra lửa không chỉ khiến con người được ăn chín, giảm bớt bệnh tật, có lợi có việc hấp thu tiêu hoá, đẩy mạnh sự phát dục về thể chất và trí lực của con người, đồng thời còn cung cấp điều kiện tất yếu cho việc chế tạo đồ gốm, luyện kim sau này. Cho nên nói, sáng tạo ra cách lấy lửa, ý nghĩa của nó không thua gì những những phát minh của thời đại ngày nay.
          Đương nhiên, từ khi con người biết dùng lửa để chế biến thức ăn,đến việc phát minh ra cách lấy lửa là cả một lộ trình dài. Bầy người nguyên thuỷ cư trú trong rừng sâu thường gặp phải việc cháy rừng do sấm chớp gây ra. Mỗi khi cháy, họ phải chạy tránh xa. Sau khi cháy xong quay trở lại và đã phát hiện từ trong tro tàn những con vật bị thiêu đốt, họ nhặt lên ăn, cảm thấy ngon hơn ăn thịt sống rất nhiều; trải qua thực tiễn cả trăm ngàn năm đã chứng thực thức ăn nấu chín ăn ngon hơn thức ăn để sống, lại có thể giảm bệnh tật ở ruột và bao tử. Vì thế họ đã giữ lửa lại dùng cho việc nấu nướng và chiếu sáng. Lúc bấy giờ mọi chỉ biết dùng lửa, còn việc giữ lửa thì không dễ, một khi giữ không được, hoặc giả bị trận mưa lớn, lửa tắt, lại phải ăn thức ăn sống. Cho nên nói, ở vào thời đại đó, con người cuối cùng chưa thoát khỏi cuộc sống ăn lông uống huyết. Chỉ có học cách lấy lửa mới có thể nói rõ nhân loại đã tiến vào giai đoạn ăn chín.
          Căn cứ vào di chỉ Chu Khẩu Điếm 周口店 thuộc thời đại đồ đá cũ, di chỉ người vượn Lam Điền 蓝田 được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện, cho đến di chỉ người Nguyên Mưu 元谋 Vân Nam cách nay 170 vạn năm, đều có di tích việc bảo tồn lửa và dùng lửa của bầy người nguyên thuỷ. Nhưng vẫn chưa thể chứng minh đó chính là lửa do con người tạo ra. Nhân đó, về việc Toại Nhân phát minh ra cách lấy lửa rốt cuộc ở vào thời đại nào, đến nay vẫn còn là đoán định. Nhưng, trong các cổ tịch của hơn hai ngàn năm nay, ở đâu cũng có thế thấy những ghi chép về việc Toại Nhân phát minh ra cách lấy lửa. Có thể chứng minh rằng, cách lấy lửa của dân tộc Trung Hoa là do tổ tiên người Trung Hoa phát minh ra, chứ không phải từ nước ngoài đưa vào.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 09/8/2014

Nguyên tác Trung văn
TOẠI NHÂN THỊ ĐÍCH CỐ SỰ DỮ THỤC THỰC ĐÍCH KHAI THUỶ
燧人氏的故事与熟食的开始
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post