Dịch thuật: Thi tài

THI TÀI

          Thi nhân là người cần phải có nhiệt tâm, tuệ nhãn, chân tình. Nhưng không phải chỉ với những điều đó thì đều trở thành thi nhân. Thi nhân còn phải có tài làm thơ. Thi nhân lấy tình cảm làm nhiên liệu, đem hiện tượng nung đúc trong lò ý tượng thành hoạt động tư tưởng. Có thể thấy, nội dung của thi tài, đầu tiên là sức tưởng tượng phong phú.
          Trong Văn tâm điêu long 文心雕龙, Lưu Hiệp 刘勰 đã gọi tưởng tượng là “thần tứ” 神思 và nói rằng, thi nhân tiến vào quá trình sáng tác cần phải “khuy ý tượng nhi vận cân” 窥意象而运斤, tức đem ý tượng trong lòng biến thành hình tượng nghệ thuật. Trong thơ tuy cũng có tình cảm nóng bỏng dâng trào, không dùng ngôn ngữ nói trực tiếp hình tượng, nhưng đại đa số tác phẩm thơ đều vận dụng hình tượng. Hạ Chú 贺铸, từ nhân đời Tống trong bài từ theo điệu “Thanh ngọc án” 青玉案, đã viết:
Thí vấn nhàn sầu đô kỉ hứa?
Nhất xuyên yên thảo
Mãn thành phong nhứ
Mai tử hoàng thời vũ.
试问闲愁都几许?
一川烟草
满城风絮
梅子黄时雨
(Thử hỏi nhàn sầu nhiều ít
Như làn khói nhẹ phủ trùm lên đồng cỏ mênh mông
Như bông liễu bay lả tả khắp thành
Như cơn mưa phùn rả rích lúc mơ đã chín vàng.)
         Ở đây từ nhân không dùng số từ, lượng từ, những từ khái niệm hoá để trả lời vấn đề “kỉ hứa?”, mà là dùng liền 3 hình tượng, không chỉ nói lên ý cực nhiều mà còn hình dung nó mênh mông vô tận, liên miên không dứt. Điều này đã khiến người đọc kinh ngạc thán phục sự tưởng tượng phong phú của thi nhân.
          Thi tài ngoài sức tưởng tượng phong phú ra, còn bao quát tài năng vận dụng thi ngữ.
          Thi ca yêu cầu dùng ngôn ngữ tinh tuý nhất, bút mực ngắn gọn súc tích nhất, nội dung biểu hiện phong phú nhất. Thi nhân đời Đường Lưu Vũ Tích 刘禹锡 nói rằng:
Phiến ngôn khả dĩ minh bách ý, toạ trì khả dĩ dịch vạn cảnh
片言可以明百意, 坐驰可以役万景
          (Chỉ vài lời mà nói rõ được trăm ý, ngồi nhà vận bút mà có thể tưởng tượng được vạn cảnh)
          Bởi làm thơ, thưởng thức thơ đều cần sự tưởng tượng mang tính sáng tạo như nhau. “Phiến ngôn” của thi nhân yêu cầu khởi động sự tưởng tượng của độc giả, để tiến hành bổ sung nghệ thuật đối với tác phẩm, nhằm đạt đến mục đích làm rõ trăm ý, chứ không phải thi nhân lải nhải nói rõ trăm ý với độc giả. Cho nên công lực điều khiển thi ngữ của thi nhân biểu hiện ở chỗ như Âu Dương Tu 欧阳修 trong Lục Nhất thi thoại 六一诗话 đã nói:
          Trạng nan tả chi cảnh, như tại mục tiền; hàm bất tận chi ý, kiến vu ngôn ngoại.
          状难写之景, 如在目前; 含不尽之意, 见于言外
          (Tưởng tượng cảnh khó tả như ở trước mắt; chứa ý tưởng bất tận thấy ở ngoài lời.)
          Thi nhân đã đem yêu cầu này khái quát là “ngữ quý hàm súc” 语贵含蓄 (lời quý ở chỗ hàm súc). Chúng ta có thể nêu bài thất tuyệt Tặng nội nhân 赠内人 của Trương Hỗ 张祜 đời Đường để chứng minh.
Cấm môn cung thụ nguyệt ngân qua
Mị nhãn duy khan túc lộ khoà
Tà bạt ngọc thoa đăng ảnh bạn
Dịch khai hồng diệm cứu phi nga
禁门宫树月痕过
媚眼惟看宿鹭窠
斜拔玉钗灯影畔
剔开红焰救飞蛾
Ánh trăng ảm đạm từ cửa cung di chuyển đến ngọn cây trong cung
Đôi mắt xinh đẹp của nàng cung nữ chỉ nhìn thấy tổ của loài cò
Bên ánh đèn lẻ loi, nàng lấy cây thoa ngọc trên đầu xuống
Khêu cứu con ngài ra khỏi ngọn lửa đỏ của đèn.
          Những cung nữ tập ca múa ở vườn Nghi Xuân 宜春 trong cung gọi là “nội nhân” 内人. Khi ánh trăng chiếu qua hàng cây trong cung, người cung nữ với đôi mắt tràn đầy tình cảm hướng nhìn lên tổ cò trên cây. Sau khi về lại phòng, nàng lấy cây thoa ngọc trên đầu xuống, khêu cứu con ngài đang sa nơi vũng dầu của ngọn đèn. Mới nhìn động tác của người cung nữ dường như chẳng có liên quan gì, lúc ở ngoài phòng, theo ánh trăng mà nhìn thấy tổ cò, về lại phòng khêu cứu con ngài, nhiều ý tượng đi qua, giữa chúng là một khoảng trống. Trên thực tế, giữa chúng có một mối tương quan, tuyến hoạt động tâm lí tinh tế, yêu cầu độc giả phải tự mình điều động sức tưởng tượng nghệ thuật để tiến hành bổ sung. Thỉ nghĩ xem, người cung nữ khi chú mắt nhìn tổ cò, trong lòng nàng đang nghĩ gì? Cung nữ nghĩ đến một đôi cò đang gối đầu nhau ngủ êm trong tổ. Sớm ngày mai chúng tỉnh dậy từ giấc mộng đẹp, đôi cánh cùng bay vượt qua tường cao, lượn trong khoảng không xanh biếc khiến người ngưỡng mộ. Nghĩ đến đó, cung nữ động lòng, ngay cả ánh mắt cũng tràn đầy tình cảm, thành “mị nhãn” 媚眼. Tiếp đó nhìn thấy dưới ánh trăng, bóng của mình đơn chiếc; biết rõ mình không có cách nào vượt qua khỏi tường cho dù là nửa bước. Vì thế nàng u buồn về lại phòng, vừa lúc một con ngài bị sa vào vũng dầu, giống như mình đang chịu sự giày vò hành hạ, tiến dần đến cái chết. Tấm lòng đồng tình của người cung nữ bột phát, nàng liền cứu sống con ngài kia.
          Hành động của nhân vật trong bài thơ trên là cách quãng không liên tục, nhưng trong hư tuyến của tuyến hành động lại lấp đầy hoạt động tâm lí tinh tế, tỉ mỉ, giống như một giòng sông ngầm đang cuồn cuồn chảy dưới từng con chữ. Thi luận cổ điển gọi đó là “luyện ý” 炼意.
          Còn có một số đại thủ bút, trong một câu thơ, đã tràn đầy “huyền ngoại chi âm, ngôn ngoại chi ý” 弦外之音, 言外之意. Đây chính là trong thi luận cổ điển gọi là “luyện cú” 炼句 (luyện câu). Trong bài ngũ tuyệt Giang thượng 江上 của Đỗ Phủ 杜甫 có câu:
Huân nghiệp tần khan kính
勋业频看镜
(Nghiệp lớn, nhiều lần soi kính)
Thi nhân nói rằng, một khi nghĩ đến vấn đề lập công nghiệp, ông luôn soi vào kính. Nhìn cái gì? Đương nhiên là nhìn dung nhan của mình đã già chưa, có còn hi vọng lập được công nghiệp. Sau khi nhìn xong, nếu phát hiện tư thái anh tuấn của mình toả sáng, có thể đạt được một đáp án chính diện, thì không cần phải lại nhìn nữa. Tiếc rằng, ảnh trong kính đã già lão, thi nhân nếu tiếp nhận đáp án trái ngược khiến cho lòng buồn chán này, thi nhân cũng không cần phải nhìn lại. Nhưng thi nhân “Thiết tỉ Tắc dữ Khế” 窃比稷与契 (trộm ví với ông Tắc và ông Khế), nguyện vọng lập công nghiệp quá mạnh, đến chết vẫn không nản chí, vì vậy lại cứ nhìn. Chỉ có 5 chữ, đã đem hoạt động tâm lí của thi nhân từ lo lắng đến nản chí, đến không chùn bước, toàn bộ hiện ra, đồng thời từ trong đó đã thấu lộ ra tình cảm, xử cảnh và chí hướng của thi nhân. Diệp Mộng Đắc 叶梦得 trong thi thoại của mình từng tán thưởng 2 câu của Đỗ Phủ:
Tế vũ ngư nhi xuất
Vi phong yến tử tà
细雨鱼儿出
微风燕子斜
(Mưa nhỏ cá trồi lên
Gió nhẹ chim yến lượn)
Ông nói rằng:
          Chỉ với 10 chữ không có chữ nào là không đắc dụng. Mưa nhỏ rơi xuống nước, cá thường nổi lên đớp, nếu mưa to cá sẽ lặn sâu. Chim yến thân nhẹ nhàng, nếu gió mạnh không đương nỗi, chỉ có gió nhẹ mới theo đó mà lượn, cho nên lại có câu: ‘Khinh yến thụ phong tà’ 轻燕受风斜
          Những dẫn chứng trên nói rõ sự chuẩn xác luyện cú của thi nhân. Thi nhân không chỉ luyện cú mà còn chú trọng luyện tự (炼字luyện chữ). Thi luận gia từng chỉ ra rằng. Trong chùm thơ Vịnh hoài cổ tích 咏怀古迹 của Đỗ Phủ, ở bài vịnh thôn Chiêu Quân, mở đầu là câu:
Quần sơn vạn hác phó Kinh Môn
群山万壑赴荆门
(Ngàn núi muôn hang chạy dài đến Kinh Môn)
Chữ “phó” đã tạo cho núi đang ngưng tụ một động thái. Trong bài ngũ ngôn luật thi Lữ dạ thư hoài 旅夜书怀 có câu:
Tinh thuỳ bình dã khoát
Nguyệt dũng đại giang lưu
星垂平野阔
月涌大江流
(Sao rủ xuống cánh đồng mênh mông
Trăng vọt lên trên giòng sông đang chảy)
Hai chữ “thuỳ” và “dũng” vô cùng tinh xảo. Do bởi đêm thanh vắng, tầm nhìn của con người xa rộng, do đó mà ngút mắt nhìn thấy những vì sao trên bầu trời dường như đang từ trên đầu rủ xuống; bóng trăng trên giòng sông lớn, theo những đợt sóng chuyển động nhấp nhô, khiến cho người ta ý thức được rằng hoá ra giòng sông đang chảy.
          Bồi dưỡng sức tưởng tượng và sức biểu đạt là yêu cầu của thi nhân, là công phu trong thơ. Lục Du 陆游 khi dạy con đạo học thơ nói rằng:
Như quả dục học thi, công phu tại ngoại thi
如果欲学诗, 功夫在外诗
(Nếu muốn học làm thơ, công phu ở ngoài thơ)
cũng chính là nói, thi nhân ngoài rèn luyện thi tài ra còn cần phải nuôi dưỡng thi tâm, sáng thi nhãn và nồng hậu thi tình, dồn hết công phu trong việc làm thơ.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 18/8/2014

Nguyên tác Trung văn
THI TÀI
诗才
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post