赠内人
禁门宫树月痕过
媚眼惟看宿鹭窠
斜拔玉钗灯影畔
剔开红焰救飞蛾
张祜
TẶNG NỘI NHÂN (1)
Cấm môn (2)
cung thụ nguyệt ngân qua
Mị nhãn duy
khan túc lộ khoà
Tà bạt ngọc
thoa đăng ảnh bạn
Dịch khai hồng
diệm (3) cứu phi nga
Trương Hỗ
Chú giải
(1)- Nội nhân 内人: người trong đại nội (hoàng cung). Chỉ cung nữ.
(2)- Cấm môn 禁门: cung môn.
(3)- Hồng diệm 红焰: chỉ ngọn lửa của đèn.
TẶNG NỘI
NHÂN
Ánh trăng ảm đạm từ cửa cung di chuyển đến ngọn cây trong
cung
Đôi mắt xinh đẹp của nàng cung nữ chỉ nhìn thấy tổ của
loài cò
Bên ánh đèn cô độc, nàng lấy cây thoa ngọc trên đầu xuống
Khêu cứu con ngài ra khỏi ngọn lửa đỏ của đèn.
Phân tích
Thời
Đường, kĩ nữ ca múa ở viện Nghi Xuân 宜春 trong cung gọi là “nội
nhân” 内人. Họ một khi đã vào viện là đã cách tuyệt với thế giới
bên ngoài, bị tước đoạt tự do và hạnh phúc. Nhan đề bài thơ là “Tặng nội nhân”,
kì thực hoàn toàn không phải là bài thơ dành tặng họ, chẳng qua mượn nhan đề đó
để rong ruổi ý nghĩ và quan niệm của thi nhân. Đây là loại cung oán thi, nhưng
thi nhân với suy nghĩ độc đáo, không rơi vào khuôn mẫu có sẵn, vừa không chính
diện miêu tả cuộc sống tịch mịch thê lương của họ, vừa không trực tiếp nói lên
những oán tình sầu hận của họ, chỉ từ hai động tác vi diệu của một cá nhân
trong số họ dưới ánh trăng bên ngọn đèn, khúc xạ cảnh và tình mà họ gặp phải.
Câu
đầu của bài thơ Cấm môn cung thụ nguyệt
ngân qua, thoạt nhìn là một câu tả cảnh rất bình thường, nhưng thi nhân lại
rất cân nhắc trong việc dùng từ. “Cấm môn cung thụ”, điểm rõ địa điểm, nhưng
“môn” lại nói là “cấm môn”, “thụ” lại nói là “cung thụ” đã tô đậm vẻ thâm
nghiêm nơi cung cấm. “Nguyệt ngân qua”, điểm rõ thời gian, nhưng “nguyệt” lại
nói là “nguyệt ngân”, đã cho người đọc một cảm giác mông lung ảm đạm, tiếp đó với
chữ “qua”, càng có thâm ý trong đó, vừa ám thị có
người sẽ xuất hiện ra dưới ánh trăng, đứng ngắm nhìn rất lâu trong sự buồn chán
vô vị, lại từ sự chuyển dịch của ánh trăng ám thị tuổi thanh xuân của người đó
lãng phí trôi qua.
Câu
thứ 2 Mị nhãn duy khan túc lộ khoà, nối
tiếp cảnh trăng nơi cấm môn dời chuyển đến ngọn cây của câu trên, dẫn ra một người
trên mặt đất ngẩng đầu ngắm cảnh. Hai chữ “mị nhãn” nói rõ người ngắm cảnh là một
thiếu nữ, và là một thiếu nữ xinh đẹp. Ở bài Thạc nhân 硕人 phần Vệ phong 卫风 trong Kinh Thi đã dùng 4 chữ “mĩ mục phán hề” 美目盼兮 điểm xuất một cách truyền thần vẻ đẹp của nàng Trang
Khương 庄姜. Nhưng đáng tiếc người thiếu nữ ở đây, tuy có đôi mắt
xinh đẹp nhưng lại nhìn không được thế giới bên ngoài cung môn. Trong thời khắc
đó dưới ánh trăng, nàng đang nhìn tổ của loài cò, không chỉ “thấy” mà là “chỉ
thấy”. Đó là do bởi trong cung cấm cũng giống như trong lao ngục, hoàn cảnh đơn
điệu đến mức không có gì để xem, nàng không biết làm gì chỉ biết đưa mắt nhìn tổ
cò trên ngọn cây cao trong cung; cũng có thể do bởi cảnh vật chung quanh
tuy nhiều, nhưng chỉ có tổ cò trên ngọn cây là có sinh khí, cho nên mới thu hút
cái nhìn của nàng. Ở đây, thi nhân không chỉ ra hoạt động nội tâm của nàng khi
“duy khan túc lộ khoà”, mà là để độc giả tưởng tượng. Giả thiết rằng, lúc bấy
giờ trăng qua ngọn cây trong cung, chim đã sớm về rừng, nàng khi đang nhìn tổ
cò sẽ nghĩ rằng: loài chim kia còn có chỗ để quay về, còn có “gia đình”, chúng
có thể ra khỏi cung môn, bay lượn trong khoảng trời đất mênh mông, còn riêng
mình không biết bao giờ mới có thể thoát khỏi lao lung trở về lại với nhân
gian. Đôi mắt xinh đẹp ngắm nhìn tràn đầy khát vọng tự do, mơ ước về hạnh phúc.
Đoạn
sau lại đổi sang một cảnh tượng khác, ống kính từ bên ngoài chuyển hướng vào
bên trong, từ ngọn cây trong sân ở trong cung dời chuyển đến ánh đèn trong
phòng, xuất hiện cận cảnh rút thoa ngọc, khêu cứu con ngài. Câu đầu Tà bạt ngọc thoa đăng ảnh bạn, dùng ngòi
bút vô cùng tinh tế miêu hoạ ra động tác nữ tính cực kì ưu mĩ của nhân vật
trong thơ, hiển thị phong thái của người thiếu nữ này. Câu sau Dịch khai hồng diệm cứu phi nga, nói rõ
ý hướng của “tà bạt ngọc thoa”, thể hiện tâm nguyện lương thiện của người thiếu
nữ.Ở đây, thi nhân cũng không cho thấy hoạt động nội tâm của nàng, mà độc giả tự
mình tưởng tượng: Nếu như nói thiếu nữ nhìn thấy loài chim bay về tổ sẽ cảm
thương mình không bằng loài chim kia, thế thì, khi thiếu nữ nhìn thấy con ngài
rơi vào vũng dầu của đèn sẽ cảm thương cho số phận của mình cũng giống vậy, nên
đã khêu con ngài ra khỏi đèn, cứu sống được nó, đây vừa là sự đồng tình với con
ngài mà cũng là xuất phát từ sự đau buồn thương cảm bản thân.
Ý
thơ ở chỗ miêu tả sự cô tịch vô liêu trong đêm vắng của người cung nữ: Trước
tiên tả cảnh thâm nghiêm chốn cung môn, thời gian trôi qua; thứ đến tả cò; rồi đến việc rút thoa ngọc, tư thế yểu điệu;
cuối cùng là khêu cứu con ngài ra khỏi đèn, để nó được sống. Tuy là vô ý, nhưng
lại rất có tình. Có nỗi cảm thương bản thân mình bị giam nơi cung cấm, giống
như con ngài rơi vào đèn, có tình cảm thương con vật mà cũng thương mình. Toàn
bài thơ tạo ý khúc chiết
Đây
là một bài cung oán thi mang ý vị sâu xa, về cấu tứ nghệ thuật và thủ pháp biểu hiện có nét đặc sắc
khác với những bài thơ khác.
Vài nét về tác giả
Trương
Hỗ 张祜, tự Thừa Cát 承吉,
người Thanh Hà 清河 (nay là huyện Thanh Hà tỉnh Hà Bắc), có thuyết cho là
người Nam Dương 南阳 (nay là thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam ). Từng bị Nguyên Chẩn 元稹 bài xích. Ông thường cùng với Lệnh Hồ Sở 令狐楚, Bạch Cư Dị 白居易, Đỗ Mục 杜牧 rượu thơ qua lại. Trương Hỗ nổi tiếng nhất về đề tài
cung oán, được Đỗ Mục xem trọng.
Theo
Đường thi tam bách thủ 唐诗三百首, Nhiếp Xảo
Bình 聂巧平 chú dịch, Sùng Văn thư cục, 2007.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/8/2014
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật