Dịch thuật: Bào phục

BÀO PHỤC

          Bào là loại áo mặc ngoài không bó eo, dài quá đầu gối, nói chung có lót bên trong, là loại trọng yếu trong trang phục truyền thống Trung Quốc, nam nữ đều có thể mặc.Trong Thi kinh 诗经, Quốc ngữ 国语 đã xuất hiện tên gọi này. Áo bào phát hiện trong ngôi mộ thời Đông Chu có vạt thẳng, cổ áo giao nhau, tay áo dài viền biên, vạt dưới lớn, mang dây thắt lưng, tương tự với thâm y 深衣. Thời Tuỳ Đường, bào phục thịnh hành. Bào được xem là một trong những trang phục truyền thống của dân tộc Trung Hoa, được chia làm long bào, quan bào và dân bào.
          Long bào 龙袍: là áo bào của hoàng đế, còn gọi là “long cổn” 龙衮, nhân trên áo có thêu hoa văn rồng nên có tên như thế. Đặc điểm của loại này là cổ áo cao vấn tròn, gài nút bên phải, màu vàng. Ngoài ra, long bào còn phiếm chỉ lễ phục long chương mà đế vương thời cổ mặc. Niên hiệu Vũ Đức 武德 đời Đường Cao Tổ lệnh cho thần dân không được mặc áo màu vàng, áo bào vàng trở thành trang phục chuyên dụng của vương thất, từ đó trở thành chế độ các đời noi theo. Năm 960, Triệu Khuông Dận 赵匡胤 “hoàng bào gia thân” 黄袍加身 xưng đế, vì thế long bào gọi khác là  hoàng bào. Đồ án long chương trên long bào qua các đời có sự khác nhau. Nhìn chung số rồng là 9 con, thân trước thân sau mỗi nơi 3 con, vai trái vai phải mỗi nơi 1 con, trong vạt ẩn 1 con, vì thế, trước mặt và sau lưng mỗi phía hiển thị 5 con, hợp với đế vị “cửu ngũ chí tôn” 九五至尊. Đời Thanh, long bào còn thêu “thuỷ cước” 水脚 (phần cuối dưới vạt áo có đồ án sóng nước, núi, đá), ẩn dụ sơn hà thống nhất.
          Quan bào 官袍: là công phục, triều phục của quan viên văn võ, dùng màu sắc hoặc đồ án nhất định để biểu minh đẳng cấp quan vị. Năm Vĩnh Bình 永平 thứ 2 thời Đông Hán (năm 59) bắt đầu định chế áo bào là triều phục,cho nên dây thao đeo ấn là tiêu chí nhận biết phẩm quan. Từ đó quan bào trở thành vật tượng trưng cho quyền vị trong xã hội phong kiến. Khi Võ Tắc Thiên 武则天 nắm quyền ban lệnh cách thêu trên áo bào, văn quan thêu chim, võ quan thêu thú, đó là khởi nguyên của “bổ phục” 补服. Đời Tống, tay áo quan bào to rộng, quy định rõ dây thao, dây đai. Đời Nguyên, quan bào đa phần dùng lụa, đồng thời lấy hoa văn lớn nhỏ để biểu thị cấp bậc. Khoảng niên hiệu Hồng Vũ 洪武 đời Minh sáng lập chế độ bổ tử 补子 khu biệt quan viên văn võ, gọi là bổ phục; bào phục của  thân quý đại thần theo phẩm vị có “đấu ngưu phục” 斗牛服, “phi ngư phục” 飞鱼服, “mãng y” 蟒衣 (sau gọi là mãng bào), “kì lân bào” 麒麟袍, thêu đồ án hoa văn hình trạng giống rồng tương ứng. Đặc điểm khoản thức quan bào đời Minh là chỗ xẻ hai bên hông có thêm một bộ phận khác gọi là “bi” . Quan bào đời Thanh nhìn chung mặc phối hợp với “mã quái” 马褂 (áo mặc có ngoài tay áo hình móng ngựa); lễ phục mặc bên ngoài mà không phối hợp với mã quái thì lâm thời thêm “mã đề tụ” 马蹄袖 (tay áo hình móng ngựa) (tục gọi là “long thôn khẩu” 龙吞口). Áo bào mặc khi đi xa gọi là “hành bào” 行袍, vạt bên phải cắt ngắn 1 xích để tiện việc cưỡi ngựa, cho nên cũng gọi là “khuyết khâm bào” 缺襟袍. Khoản thức áo bào thường mặc của quan viên nhà Thanh là xẻ 4 tà. Mãng bào được dùng đến đời Thanh lại gọi là “hoa y” 花衣, ứng dụng tương đối rộng, quy định rối rắm, từ màu sắc, số con mãng, cùng đính châu hoa linh trên mũ, bổ tử hình tròn hình vuông ở ngoại quái v.v… tổ thành chế độ với đẳng cấp nghiêm nhặt.
          Dân bào 民袍: là loại áo bào dân gian mặc thường ngày trong sinh hoạt. Nhân vì chế tạo đơn giản, mặc dùng tiện lợi, cho nên dần thay thế “thâm y” 深衣, dân gian mặc dùng phổ biến.  Áo bào của sĩ nhân, thứ dân đời Chu và đời Tần Hán do bởi hạn chế của điều kiện kinh tế nên chất liệu áo thô sơ. Đến đời Hán phụ nữ khi ở nhà có thể mặc áo bào lộ ra bên ngoài. Do vì bên ngoài không mặc thêm cho nên hình dáng chế tạo ngày càng được chú trọng, thông thường tại những chỗ như cổ áo, tay áo, vạt áo đều may viền. Trang sức trên áo bào cũng rất đẹp, một số phụ nữ khéo tay thêu trên áo bào các loại hoa văn xinh đẹp. Lâu dần bào phục trở thành một loại lễ phục, thậm chí là loại phục trang chỉ mặc trong hôn lễ, thời khắc long trọng nhất trong cuộc đời. Từ đời Đường trở đi, theo sự phát triển của xã hội phong kiến và sự giao lưu trong cách phục sức giữa các dân tộc, đặc biệt là truyền nhân bào phục Mông Cổ đời Nguyên, bào phục tộc Mãn đời Thanh, dân bào về tạo hình khoản thức đã có vạt dài vạt ngắn, cổ áo giao nhau, cổ áo tròn, cài nút bên phải cài nút bên trái, tay áo lớn tay áo nhỏ cũng tay áo ngắn … rất nhiều  biến hoá. Kì bào đương đại và áo bào trong phục trang của các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc là kết quả của biến hoá phát triển dân bào.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 21/8/2014

Nguyên tác Trung văn
TAM BÀO “ĐỈNH LẬP”: BÀO PHỤC
三袍鼎立袍服
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã,  2006.
Previous Post Next Post