BAO CHỬNG
THỜ KÍNH CHA MẸ, NHÂN HIẾU CẢM ĐỘNG TRỜI
ĐẤT
Bao Chửng 包拯 (999 –
1062), tự Hi Nhân 希仁, thuỵ hiệu
Hiếu Túc 孝肃, người Hợp Phì 合肥, Lư Châu 庐州 thời Bắc Tống.
Bao Chửng là vị quan thanh liêm, trực
ngôn can gián, trở thành điển hình “thanh quan” 清官 được bách
tính ca tụng.
Bao Chửng với ngôn hành thực tiễn “phú
quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” 富贵不能淫, 贫贱不能移, 威武不能屈 đã lưu danh thiên cổ.
Bao Chửng
sinh năm 999, phụ thân Bao Lệnh Nghi 包令仪 từng đảm nhiệm Tri
huyện Huệ An 惠安, Ngu bộ Viên ngoại lang 虞部员郎. Bao Chửng rất được cha mẹ yêu thương, vốn không phải thiên tính thông
minh, nhưng khi làm việc cực kì siêng năng, khắc khổ đọc sách.
Bao Chửng
rất thích câu trong Mạnh Tử 孟子:
Sinh, diệc ngã sở dục dã; nghĩa, diệc ngã sở
dục dã; nhị giả bất khả đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã. Sinh diệc ngã sở
dục, sở dục hữu thậm vu sinh giả, cố bất vi cẩu đắc dã. Tử diệc ngã sở ố, sở ố
hữu thậm vu tử giả, cố hoạn hữu sở bất tị dã …
生, 亦我所欲也; 义, 亦我所欲也; 二者不可得兼, 舍生而守义者也. 生亦我所欲, 所欲有甚于生也, 故不为苟得也. 死亦我所恶, 所恶有甚于死者, 故患有所不避也 …
(Sinh mệnh
là điều ta ham muốn; nghĩa cũng là điều ta ham muốn; nếu không có được cả hai
thì ta thà bỏ sinh mệnh để giữ lấy điều nghĩa. Sinh mệnh là điều ta ham muốn,
nhưng có những điều ham muốn còn quan trọng hơn cả sinh mệnh, cho nên không thể
cẩu thả để được sống. Chết là điều ta ghét, nhưng có những điều ghét còn quan
trọng hơn cả cái chết, cho nên không thể cẩu thả mà tránh)
Mỗi lần
đọc câu này, Bao Chửng luôn cảm thấy kích động.
Năm
Thiên Thánh 天圣 thứ 5 đời Nhân Tông 仁宗
(năm 1027), Bao Chửng 29 tuổi cuối cùng thi đỗ Tiến sĩ, đến nhậm chức Tri huyện
huyện Kiến Xương 建昌.
Cha mẹ
tuổi đã cao, Bao Chửng không nỡ rời xa, thỉnh cầu được nhậm chức quan tại chỗ,
nhưng chế độ quy định quan lại phải tránh, triều đình phái ông đến nhậm chức
quan lo về thuế khoá khoáng sản tại Hoà Châu 和州,
gần Lư Châu 庐州. Cha mẹ không đồng ý, Bao Chửng đành từ chức ở nhà phụng
dưỡng cha mẹ.
Nhiều
người khuyên Bao Chửng nên sớm ra làm quan để khỏi bỏ lỡ tiền đồ, nhưng ông
không nghe vẫn ở nhà phụng dưỡng cha mẹ. Bao Chửng cho rằng: nếu như đối với
cha mẹ mà không hiếu thuận thì làm sao có thể thành tâm dâng hiến sức lực cho đất
nước.
Những lời
của Bao Chửng khiến mọi người kính trọng. Sau khi cha mẹ qua đời, Bao Chửng dựng
gian nhà cỏ bên cạnh mộ phần hai người, chưa chịu xa rời, người trong làng đều
ca ngợi.
Một thời
gian lâu sau đó, Bao Chửng tiếp nhận sự điều khiển của triều đình. Năm Cảnh Hựu
景祐 thứ 4 (năm 1037), ông nhậm chức Tri huyện huyện Thiên
Trường 天长 ở
Dương Châu 扬州, năm đó ông đã gần 40 tuổi. 3 năm sau, Bao Chửng được
thăng làm Tri châu Đoan Châu 端州.
Lại qua
3 năm nữa, Bao Chửng đến Khai Phong 开封 (Biện Lương 汴梁), đảm nhiệm chức Giám sát ngự sử tại triều, sau đổi
làm Hộ bộ phán quan, Hộ bộ phó sứ và Địa phương Tam lộ chuyển vận sứ, nắm giữ
tài chính trung ương. Một năm sau, đổi sang Gián viện 谏院
nhậm chức Gián quan.
Bao Chửng
thường đả kích bọn quyền thần hoành hành xem thường pháp luật, ông đề xuất nhiều
kiến nghị liên quan đến chính sự lúc bấy giờ. Hai năm sau, Bao Chửng bị biếm
làm Long Đồ các Trực học sĩ 龙图阁直学士, cho ra khỏi
kinh thành, đến nhậm chức Đô chuyển vận sứ, An phủ sứ cùng Tri Doanh Châu 知瀛州, Trì Châu 池州, Giang Ninh phủ 江宁府.
Năm Gia
Hựu 嘉祐 nguyên niên (năm 1056), nhân thành tích chính sự trác
việt, Bao Chửng được triệu hồi kinh thành, sau khi đảm nhận chức Phủ doãn phủ
Khai Phong một năm, ông lại được thăng làm Ngự sử trung thừa, Tam ti sứ và Khu
mật phó sứ.
Như vậy,
Bao Chửng trở thành Phó Tể tướng, nắm giữ quân chính. Chẳng bao lâu sau, vào
ngày 25 tháng 5 năm Gia Hựu thứ 7 Bảo Chửng bị bệnh và qua đời, hưởng thọ 64 tuổi.
Tống
Nhân Tông từng đến Bao phủ để từ biệt Bao Chửng lần cuối, truy tặng ông là Lễ bộ Thượng thư, ban cho tên thuỵ là “Hiếu Túc”
孝肃.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 01/7/2014
Nguyên tác
BAO CHỬNG
THỊ PHỤNG PHỤ MẪU, NHÂN HIẾU CẢM THIÊN ĐỘNG ĐỊA
包拯
侍奉父母, 仁孝感天动地
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật