SỐ PHẬN BI THẢM CỦA BA NGÀN MĨ NỮ HẬU
CUNG
SAU KHI NHÀ BẮC TỐNG DIỆT VONG
(kì cuối)
Hoá ra
cô ta vốn là một cô gái lưu lạc ở Biện Kinh 汴京
tên là Tĩnh Thiện 静善, dung mạo xinh đẹp. Khi quân Kim công phá Biện Kinh,
cô ta bị loạn binh bắt đưa về phương bắc, trên đường đi gặp được một cung nữ
tên Trương Hỉ Nhi 张喜儿. Trương Hỉ Nhi từng ở trong cung hầu hạ Vương quý phi
(mẹ của Nhu Phúc Đế Cơ) nên biết nhiều chuyện bí ẩn trong chốn cung vi. Trương
Hỉ Nhi đem những chuyện ấy kể hết cho Tĩnh Thiện nghe, còn nói tướng mạo và khí
chất của Tĩnh Thiện rất giống Nhu Phúc Đế Cơ. Đối với sự kiện này, Tĩnh Thiện
đã động tâm, nên bắt đầu ghi nhớ những chuyện bí ẩn này, đồng thời cố gắng bắt
chước hình dáng tư thái của công chúa mà Trương Hỉ Nhi đã kể.
Về sau
Tĩnh Thiện trải qua những biến đổi phức tạp trong chiến loạn, từng 3 lần bị lừa
gạt đem bán, cuối cùng bị thổ phỉ Trần Trung 陈忠
bắt đưa vào trong nhóm, ép gã cho một tên tiểu thổ phỉ. Quan quân nhà Tống khi
tiễu trừ thổ phỉ đã bắt được Tĩnh Thiện, vì danh nghĩa là quyến thuộc của thổ
phỉ nên định giết. Để được sống, Tĩnh Thiện đã mạo xưng là Nhu Phúc Đế Cơ. Nhìn
thấy khí độ của Tĩnh Thiện, quan quân nhà Tống giật mình, vì thế đã đưa cô ta về
Lâm An 临安. Tĩnh Thiện qua mặt Tống Cao Tông một cách thành
công, sống hơn 10 năm phú quý. Không ngờ người tính không bằng trời tính, Vi
thái hậu về đến kinh sư nói rõ sự việc, Tĩnh Thiện không thể che giấu được nữa
đành thành thực khai ra.
Tống
Cao Tông biết được Nhu Phúc Đế Cơ là giả, liền hạ lệnh chém đầu. Không may nhất
là Cao Thượng Niễu 高上褭 (1), trước tiên phụng chỉ cưới Nhu Phúc Đế Cơ, lại nhân
vì Nhu Phúc Đế Cơ là giả bị tước đoạt tước vị Phò mã đô uý, còn bị mọi người
chê cười rằng:
Hướng lai Đô uý, kháp như Di Lặc giáng sinh thời; thử
khứ nhân gian, hựu đáo Như Lai ngật chúc xứ.
向来都尉, 恰如弥勒降生时; 此去人间, 又到如来吃粥处
(Trước giờ là Đô uý, giống
như Di Lặc lúc giáng sinh; giờ rời chốn nhân gian, đi đến chỗ Như lai ăn cháo)
Lúc trước, hoạn quan Phùng Ích 冯益 từng cho Nhu Phúc Đế Cơ là thật,
nay vì chuyện này cũng bị liên luỵ. Trong Tống
sử - Hoạn giả liệt truyện – Phùng Ích 宋史 - 宦者列传 - 冯益 ghi rằng:
Tiên thị, nguỵ Nhu Phúc Đế Cơ chi
lai, tự xưng vi Vương quý phi quý nữ, Ích tự ngôn thường tại Quý phi hợp, đế
khiển chi nghiệm thị, Ích vi sở trá, toại dĩ chân cáo. Cập sự giác, Ích toạ
nghiệm thị bất thực, tống Chiêu Châu biên quản, tầm dĩ dữ hoàng thái hậu liên
nhân đắc miễn.
先是,
伪柔福帝姬之来, 自称为王贵妃季女, 益自言尝在贵妃合, 帝遣之验视, 益为所诈, 遂以与真告. 及事觉, 益坐验视不实, 送昭州编管, 寻以与皇太后联姻得免.
(Trước tiên, Nhu Phúc Đế Cơ giả tới, tự xưng là con gái
út của Vương quý phi, Ích nói mình từng bên cạnh Quý phi, đế sai Ích tra xét,
Ích dối gạt, báo cáo là thực. Đến khi sự việc bị phát giác, Ích vì tra xét
không đúng sự thực, nên bị đày đến Chiêu Châu, Ích tìm đến thông gia với hoàng
thái hậu để được miễn)
Nhu
Phúc Đế Cơ bị giết, đương thời có Sử học gia cho rằng Nhu Phúc Đế Cơ mà bị giết
kì thực là công chúa chân chính, sở dĩ bị vạch trần là do bởi mẹ của Tống Cao
Tông Vi thái hậu sau khi từ phương bắc trở về, sợ Nhu Phúc Đế Cơ nói ra những
việc xấu mình bị lăng nhục bị chà đạp khi ở phương bắc, vì thế đã uy hiếp Tống
Cao Tông giết Nhu Phúc Đế Cơ để diệt khẩu. Tống Cao Tông hoàn toàn không có cảm
tình với Nhu Phúc Đế Cơ, theo lời mẹ đã hi sinh Nhu Phúc Đế Cơ.
Trong Tứ triều văn kiến lục 四朝闻见录, Tuỳ quốc tuỳ bút 随国随笔 đều có chép về thuyết này. Nhưng chứng cứ có sức thuyết
phục là: lúc ban đầu khi Nhu Phúc Đế Cơ chạy đến, nhiều cung nhân ngày trước và
thái giám Phùng Ích đều đoán định là công chúa thật. Cho dù tướng mạo công chúa
rất giống, nhưng nếu không có đủ cơ sở , những người này quyết không dám nói.
Những người này về sau theo nhau sửa lời, cùng công chúa tự nhận là giả đó là
do bị nghiêm hình tra khảo.
Có lẽ
do bởi chịu ảnh hưởng truyền kì sự kiện Nhu Phúc Đế Cơ về lại kinh, vào năm Thiệu
Hưng 绍兴 thứ 2 (năm 1122), khi Nhu Phúc Đế Cơ về kinh được hai
năm đã phát sinh sự kiện công chúa giả Vinh Đức Đế Cơ 荣德帝姬.
Sự việc
đại khái như sau:
Người vợ
họ Dịch 易của một thương nhân, nhân vì tham phú quý nên đã giả mạo
người em gái của Tống Khâm Tông là Vinh Đức Đế Cơ con gái của Tống Huy Tông
Vương hoàng hậu, đến hoàng cung nhận thân thích. Vinh Đức Đế Cơ tiểu tự là Kim
Nô 金奴 được phong là Vinh Khánh công chúa từ rất sớm, sau lại
được phong là Vinh Đức công chúa. Tống Huy Tông nghe theo kiến nghị của Thái
Kinh 蔡京, đổi “công chúa” thành “đế cơ”, phong Vinh Đức công
chúa thành Vinh Đức Đế Cơ. Vinh Đức Đế Cơ là con gái của Tống Huy Tông do Vương
hoàng hậu sinh ra, tuổi tương đối lớn trong số các con gái của Tống Huy Tông.
Trước khi nhà Bắc Tống diệt vong, bà đã được gã cho Tả vệ tướng quân Tào Thạnh 曹晟, sau bị bắt đưa sang nước Kim. Công chúa giả họ Dịch
sau này cũng xinh đẹp, khi quân Kim xuống phương nam, cả nhà chạy về phương
nam, trên đường lạc mất chồng. Trong cơn binh hoang mã loạn, bà họ Dịch tình cờ
gặp được thị vệ trước đây của Vinh Đức Đế Cơ.
Khi chuyện trò, bà ta biết được dung mạo và cử chỉ của Vinh Đức Đế Cơ cùng một
số chuyện bí mật trong cung. Khi đến phương nam, bà họ Dịch nghe được chuyện của
Nhu Phúc Đế Cơ. Ham mê sự vinh hiển của hoàng
gia, bà ta nghĩ đến việc giả mạo công chúa, vì thế đã tìm đến triều đình Nam Tống,
tự xưng là Vinh Đức Đế Cơ trốn về. Tông Cao Tông không biết Vinh Đức Đế Cơ, người
chị cùng cha khác mẹ, sai một cung nữ già đi tra xét chân nguỵ, kết quả bị bại
lộ. Tống Cao Tông hạ lệnh đem bà họ Dịch giao cho Đại lí tự thẩm vấn. Sau khi lộ
rõ chân tướng, bà họ Dịch bị đánh trượng đến chết.
Quân
Kim xâm nhập trung nguyên, bách tính bị nạn tai càng nhiều hơn cả hoàng thất,
vô số bách tính, người mất nhà tan lưu li phiêu bạt. Không ít những cô gái xinh
đẹp trong dân gian bị bắt đưa về phương bắc, cung cấp cho quân Kim làm trò đùa,
trở thành vong quốc nô xa quê hương đất nước. Con gái của Tưởng Hưng Tổ 蒋兴祖 là một điển hình. Con gái Tưởng Hưng Tổ người Nghi
Hưng 宜兴 Thường Châu 常州 (nay thuộc Giang Tô
江苏). Phụ thân Tưởng Hưng Tổ thời Tĩnh Khang 靖康nhậm chức Dương Vũ lệnh 阳武令.
Khi quân Kim xâm nhập, Tưởng Hưng Tổ và vợ cùng người con trưởng đều tử tiết,
riêng con gái bị bắt đưa đi. Trên đường, khi đến dịch trạm tại Hùng Châu 雄州, bà có làm một bài từ:
Triêu vân hoành độ,
Lộc lộc xa thanh như thuỷ khứ.
Bạch thảo hoàng sa,
Nguyệt chiếu cô thôn tam lưỡng gia.
Phi hồng quá dã,
Vạn kết sầu trường vô trú dạ.
Tiệm cận Yên sơn,
Hồi thủ hương quan quy lộ nan.
朝云横度
辘辘车声如水去
白草黄沙
月照孤村三两家
飞鸿过也
万结愁肠无昼夜
渐近燕山
回首乡关归路难
Mây sớm vắt ngang
Tiếng xe kêu như nước chảy
Cỏ trắng cát vàng
Trăng chiếu vài nóc nhà nơi thôn vắng
Chim nhạn về nam
Nỗi sầu uất kết trong lòng ngày cũng như đêm
Sắp đến Yên sơn
Quay đầu nhìn lại, khó mà về được quê hương.
Đoạn
trên của bài từ viết về sự kiện bị bắt đưa đi phương bắc, sớm đi tối nghỉ vô
cùng gian khổ. Những nơi đi qua ngọn lửa chiến tranh thiêu tận. quang cảnh thê
lương, người đi đường khó có được chỗ nghỉ chân. Đoạn dưới chim nhạn tự do bay
về phương nam, tô đậm thêm nỗi thống khổ bị bắt đưa đi phương bắc. Trong lúc
không làm chủ được bản thân mình, quê nhà càng lúc càng xa, bộc lộ nỗi sầu khổ
muốn về quê nhà nhưng không được. Phong khí bài từ trầm uất bi thống, thể hiện
khổ nạn của một thời đại.
Chú của người
dịch
(1)- Trong nguyên tác, ở đoạn trên là Cao Thế Niễu 高世褭.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/7/2014
Nguyên tác
BẮC TỐNG DIỆT VONG HẬU TAM THIÊN HẬU CUNG MĨ NỮ
ĐÍCH BI THẢM MẠNG VẬN
北宋灭亡后三千后宫美女的悲惨命运
Nguồn http://mp.weixin.qq.com/s?
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật