Dịch thuật: Ngô Khởi

NGÔ KHỞI

          Ngô khởi 吴起 (? – năm 381 trước công nguyên), Tể tướng của Sở Điệu Vương 楚悼王 thời Chiến Quốc. Ngô Khởi là nhà quân sự nổi tiếng, trứ tác có bộ “Ngô Khởi 吴起”, tiếc là đã thất truyền. Vì biến pháp nên bị cựu quý tộc giết chết

          Ngô Khởi 吴起 người Tả Thị 左氏 nước Vệ (nay là phía bắc huyện Tào tỉnh Sơn Đông 山东). Thời trẻ Ngô Khởi thích binh học, gia cảnh dư dả, ông đi du thuyết các nơi mà chưa được làm quan, đành phải về lại nhà, gia sản cũng bị ông làm tiêu hao. Người trong làng chê cười, trong lúc tức giận ông giết ba mươi mấy người nói xấu mình sau đó rời bỏ nước Vệ. Trước khi đi, Ngô Khởi thề với mẹ rằng:
          Nếu con không làm được khanh tướng thì quyết không trở về.
          Ngô Khởi sau khi rời nước Vệ đã đến xin học ở Tăng Tử 曾子. Chẳng bao lâu, mẹ bệnh chết, ông cũng không về chịu tang. Vì việc này Tăng tử cho rằng Ngô Khởi phẩm hạnh không tốt nên đã đoạn tuyệt mối quan hệ thấy trò. Ngô Khởi lại đến nước Lỗ, nhân vì biết rõ binh pháp nên được Lỗ vương tin dùng, ông còn cưới con gái nước Tề làm vợ. Khi nước Tề tấn công nước Lỗ, Lỗ vương chuẩn bị bái Ngô Khởi làm tướng, nhưng vị vợ Ngô Khởi là người nước Tề nên nghi ngờ lòng trung thành của ông. Để cầu được chức tướng, Ngô Khởi đã giết vợ để biểu thị lòng trung của mình đối với nước Lỗ, ông được làm tướng dẫn binh nghinh chiến, đánh bại quân Tề.
          Hành vi sát thê cầu tướng của Ngô Khởi đã gặp phải sự khinh miệt và căm ghét của người nước Lỗ, không ít người nói xấu ông trước mặt Lỗ vương, họ còn nói nay nước Lỗ thắng trận, có tiếng tăm như cây to rước gió tới, sẽ gặp phải sự tấn công của các nước; Lỗ, Vệ là hai nước anh em, Lỗ dùng Ngô Khởi làm tướng, Vệ sẽ không vui. Lỗ vương liền miễn trừ binh quyền của Ngô Khởi. Ngô Khởi đành rời nước Lỗ đến với Nguỵ Văn Hầu 魏文侯. Nguỵ Văn Hầu hướng đến đại thần Lí Khắc 李克 tìm hiểu tình hình của Ngô Khởi. Lí Khắc đánh giá rằng:
          Ngô Khởi tuy tham cầu vinh hoa phú quý, lại rất hiếu sắc, nhưng ông ta dùng binh lại hơn cả Điền Nhương Tư 田穰苴 (1).
          Nguỵ Văn Hầu mến tài nhậm dụng Ngô Khởi làm tướng, để ông đem quân đánh Tần, công chiếm được 5 toà thành.
          Ngô Khởi dẫn binh có phong cách riêng, có thể cùng với quân sĩ đồng cam cộng khổ, ngủ không cần trải chiếu, hành quân không cần cưỡi ngựa ngồi xe, cơm rau cùng quân sĩ, ăn mặc cũng giống như quân sĩ, bản thân còn tự mang theo lương thực, có người lính nổi cái nhọt, ông đích thân hút máu ra, nên rất được lòng quân sĩ. Về chính trị, Ngô Khởi giúp Lí Khôi 李悝 cải cách pháp chế, chỉnh đốn quân bị, rất được Nguỵ Văn Hầu tin tưởng thăng lên chức Tây Hà quận thú 西河郡守. Ngô Khởi cai trị quận Tây Hà rất tốt khiến danh tiếng của ông ngày càng vang xa.
          Sau khi Nguỵ Văn Hầu mất, Võ Hầu lên ngôi. Ngô Khởi bị Võ Hầu nghi kị nên đã trốn đến nước Sở. Sở Điệu Vương từ lâu đã nghe tiếng Ngô Khởi rất có tài năng nên đã cho ông giữ chức Thú đất Uyển (nay là thành phố Nam Dương 南阳 tỉnh Hà Nam 河南). Chẳng bao lâu Ngô Khởi lại được thăng làm Lệnh doãn, nắm giữ triều chính trở thành Tể tướng.
          Đương thời các nước đều biến pháp để mong tự cường, Sở Điệu Vương cũng muốn thực hiện cải cách chính trị nên đã ủng hộ biến pháp của Ngô Khởi. Biến pháp của Ngô Khởi chủ yếu có mấy nội dung:
          - Thủ tiêu tước vị, bổng lộc quý tộc đã truyền được 3 đời. Bãi miễn quan lại tham nhũng và quan lại không có tài, khai chi tiết kiệm, huấn luyện tinh tuyển binh sĩ.
          - Đưa quý tộc đến vùng biên cương đất rộng người thưa để khẩn hoang làm nông.
          - Làm rõ pháp luật thẩm tra mệnh lệnh, thống nhất phong tục trong nước, khiến cho “tư bất hại công, lời sàm không che lấp được người trung, nói năng không dám cẩu thả, hành động không nhằm huỷ báng hoặc ca ngợi.
          Ngoài ra Ngô Khởi còn cho trùng tu lại kinh đô Dĩnh .
          Biến pháp của Ngô Khởi khiến nước Sở nhanh chóng hùng mạnh, phía nam thu Dương Việt, phía bắc cùng với nước Trần nước Thái tấn công nước Hàn nước Triệu nước Nguỵ, phía tây đánh Tần, chiếm được vùng đất to lớn.
          Năm 381 trước công nguyên, Sở Điệu Vương mất, Ngô Khởi vì mất đi hậu thuẫn nên trong cuộc biến pháp bị đoạt mất đặc quyền, nhóm quý tộc bị đả kích trầm trọng đã liên hiệp lại, thừa lúc Ngô Khởi đến lo việc tang Sở Điệu Vương bị loạn tên bắn. Ngô Khởi đến nấp bên thi thể Sở Điệu Vương, khiến cho thi thể của Sở Điệu Vương bị trúng tên theo. Theo luật pháp nước Sở, bắn trúng thi thể Sở vương là phạm vào tội diệt tộc. Hơn 70 nhà quý tộc bắn tên, có người bị giết, có người bỏ trốn sang nước khác. Ngô Khởi cũng bị xe ngựa phanh thây.
          Sau khi Ngô Khởi chết, việc thực thi biến pháp đa phần bị phế bỏ, nước Sở chưa thắng được nước Tần. Về việc này Hàn Phi Tử 韩非子bình rằng:
          Sở bất dụng Ngô Khởi nhi tước loạn, Tần hành Thương Quân nhi phú cường.
          楚不用吴起而削乱, 秦行商君而富强
          (Nước Sở không dùng biến pháp của Ngô Khởi nên suy yếu hỗn loạn, nước Tần theo biến pháp của Thương Ưởng nên giàu có hùng mạnh)
          Ngô Khởi không những là một nhà chính trị kiệt xuất mà còn là một trong những nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, cùng với Tôn Vũ 孙武 thời Xuân Thu được gọi chung là “Tôn Ngô”. Trong Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志 có trứ lục bộ Ngô thư 吴书 gồm 48 thiên, tiếc là đã thất truyền, bộ  Ngô Tử 吴子 hiện tồn có 6 thiên, do người đời sau giả mạo.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Trong nguyên tác, bên cạnh chữ có chú âm Bắc Kinh là ju (thanh1). Trong Khang Hi tự điển 康熙字典, chữ có nhiều âm đọc, trong đó có âm ju (thanh 1). Ở âm này, phiên thiết là TỬ DƯ 子余 âm .
          Theo phiên thiết này, tôi chọn âm Hán Việt là “tư”.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 10/7/2014

Nguyên tác Trung văn
NGÔ KHỞI
吴起
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post