BÍ ẨN VỀ CÁI CHẾT CỦA LÂM TẮC TỪ
Vào đêm
22 tháng 11 năm 1850, nơi hành quán tại huyện Phổ Ninh 普宁
tỉnh Quảng Đông 广东 đột nhiên vang dậy tiếng khóc, hoá ra vị Khâm sai đại
thần phụng chỉ tây hành Lâm Tắc Từ 林则徐 vừa qua đời.
Lâm Tắc
Từ (1785 – 1850), tự Thiếu Mục 少穆 nhà chính trị kiệt xuất là vị anh hùng dân tộc của
Trung Quốc. Phong trào cấm thuốc phiện do ông lãnh đạo đã vén bức màn đấu tranh
phản xâm lược thời cận đại ở Trung Quốc. Để dân tộc phú cường, ông nhìn ra thế
giới. Sự nỗ lực tìm tòi cái mới cũng đã sản sinh ảnh hưởng tích cực. Con đường
làm quan của ông mấy độ chìm nổi, năm 1841 trong cuộc chiến tranh nha phiến bị
triều đình nhà Thanh gán cho tội danh “làm việc không tốt”, bị đày đến Y Lê 伊犁 ở
Tân Cương 新疆 để “chuộc tội”. Từ năm 1845 trở đi, Lâm Tắc Từ trước
sau được triều đình nhà Thanh bổ nhiệm làm Thiểm Cam Tổng đốc, Thiểm Tây Tuần
phủ, Vân Quý Tổng đốc. Tháng 7 năm 1849 nhân bệnh từ chức Vân Quý Tổng đốc về lại
quê nhà Phúc Châu 福州 nghỉ dưỡng. Lần đó tại sao ông lại chết ở hành quán
Phổ Ninh tỉnh Quảng Đông?
Vào năm
đó tại Quảng Tây bộc phát cuộc khởi nghĩa Thiên Địa hội 天地会, thanh thế vô cùng to lớn, vị hoàng đế mới lên ngôi
là Hàm Phong 咸丰 đã đặc mệnh cho Lâm Tắc Từ đang “dưỡng bệnh tại quê nhà” làm Khâm sai đại
thần, nhanh chóng đến Quảng Tây dẹp loạn. Lâm Tắc từ không màng thân thể bệnh tật
suy nhược ngày đêm đi đến Quảng Tây. Bất hạnh là vừa mới đến Phổ Ninh đã đột
nhiên qua đời, trong lúc hấp hối miệng luôn nói 3 chữ “tinh đẩu nam” 星斗南. Nguyên nhân cái chết của ông không thể không khiến mọi
người nảy sinh nhiều nghi ngờ và truyền thuyết.
Thuyết cho rằng Lâm Tắc từ bị đầu độc.
Thời kì Quảng Đông cấm thuốc phiện, Lâm Tắc Từ đắc tội với các thương nhân nước
ngoài ở Quảng Châu 广州, họ sợ ông đắc thế một lần nữa nên đã mua chuộc người
đầu bếp của ông ra tay đầu độc. Trong Quả
Am tuỳ bút 果庵随笔 của Trương Ấu San 张幼珊 có ghi: Sau khi bắt
đầu cấm thuốc phiện, thương nhân của 13 hãng buôn căm hận Lâm Tắc Từ đến xương
tuỷ, họ biết được Lâm Tắc Từ phục chức sẽ đem quân đến Quảng Tây dẹp loạn nên rất
lo sợ, họ bỏ tiền ra mua chuộc người đầu bếp của Lâm Tắc Từ, trong bữa ăn của
ông lén bỏ loại tả dược ba đậu, khiến Lâm Tắc Từ đi ngoài liên tục đến mức suy
nhược mà chết.
Trong Đông Hoản huyện chí – Dật sự dư lục 东莞县志 - 逸事余录 lại chỉ rõ kẻ hại chết Lâm Tắc Từ là Ngũ Thiệu Vinh 伍绍荣, tay tổng thương 13 hãng buôn phương tây ở Quảng
Đông, nhân vì trong lúc cấm thuốc phiện, tên họ Ngũ này từng bị Lâm Tắc Từ bắt
qua. Hắn sợ lần này Lâm Tắc Từ “phục chức Tổng đốc” nên đã sai tay chân thân
tín dùng một khoản tiền lớn hối lộ người đầu bếp của Lâm Tắc Từ, dùng thuốc độc
bỏ vào thức ăn, khiến Lâm Tắc Từ suốt trên đường đi bị đi ngoài liên tục, cuối
cùng qua đời. Đối với 3 chữ ““tinh đẩu nam” 星斗南
mà Lâm Tắc Từ thốt ra trước khi mất, theo sự khảo chứng của người đời sau, trên
thực tế 3 chữ mà Lâm Tắc Từ thốt ra là “tân đậu lan” 新豆栏,
nơi mà thương nhân nước ngoài tại Quảng Đông tụ tập. Do bởi
cách phát âm 3 chữ “tinh đẩu nam” của tiếng Phúc Kiến lại đồng âm với “tân đậu
lan”. Điều này cho thấy Lâm Tắc Từ trước khi mất đã phát giác mình bị thương
nhân nước ngoài ám hại, trong phút sức cùng lực kiệt cũng cố nói 3 chữ “tân đậu
lan” để biểu thị lòng phẫn hận đối với hung thủ và cũng để nhắc người thân chú
ý đến họ. Vương Dật Đường 王逸塘 trong Kim truyền thị lâu thi luận 今传是楼诗论 có dẫn lời
tự chú của Trương Tổ Kế 张祖继, người cháu trong
tộc của Trương Chi Động 张之洞 ở bài Bái Lâm
Văn Trung tiểu truyện 拜林文忠小传 trong tập thơ Đệ
Dân thi thảo 弟民诗草:
“Tân đậu lan” là nơi hiểm yếu ở Quảng Đông.
Công trước khi mất có nói đến, mọi người nhầm là “tinh đẩu nam”. Hiếu Đạt Công
tới nơi đó, mới hiểu lời nói của Công.
Lời chú
này đối với 3 chữ “tinh đẩu nam” là sự giải thích có sức thuyết phục.
Thuyết cho rằng Lâm Tắc Từ bệnh chết.
Nhìn chung giới quan phương đều theo thuyết này. Trong Thanh sử cảo 清史稿 có ghi: “Lâm Tắc Từ đi đến Triều Châu 潮州 thì bệnh mất”. Trong Mân tạp kí 闽杂记 quyển 4 của Thi Hồng Bảo 施鸿保
ghi rằng:
Công bị chứng trĩ lậu đã lâu, thân thể đã yếu,
lại ra sức khởi hành, tháng 11 đến Triều Châu, lại mắc chứng lị, Thái thú Triều
Châu là Lưu Tấn Thanh 刘晋青 giữ lại để
dưỡng bệnh, nhưng không được. Hôm sau mất ở hành quán Phổ Ninh.
Ngô
Cách 吴格 kinh qua nghiên cứu cho rằng, Lâm Tắc Từ mất do bệnh
cũ tái phát. Trong quyển Lâm Tắc Từ tử
nhân khảo biện 林则徐死因考辨 đã nói: Lâm Tắc Từ từ năm 57 tuổi đến vùng biên ải, bị các chứng
như: bệnh ở lá lách, ho, phổi mắc bệnh, sán khí, … đã lâu mà không khỏi, các bệnh
thi nhau giày vò. Mang bệnh về quê, thực vạn bất đắc dĩ. …. Lại vội vàng nhận mệnh
đi đến nhiệm sở, kết quả “bệnh ở lá lách tái phát, trở nên nguy cấp”. Để kịp
lên đường, Lâm Tắc Từ đã 3 ngày không uống thuốc. Về sau, sau khi uống thuốc
“trung hoà chi tễ”, thổ lẫn tả có chuyển biến tốt. Nhưng do ngày đêm đi liên tục
không được nghỉ ngơi khiến bệnh cũ ở tim và phổi tái phát lại, dẫn đến “hai mạch
đều không, trên thở gấp dưới khuỵ ngã”. Trong lúc vô phương, thầy thuốc cho
dùng thang sâm quế, kết quả không những không hiệu quả mà ngược lại làm bệnh
thêm nguy kịch, cuối cùng không cứu chữa được.
Lâm Tắc
Từ vì sao mà chết, đối với người đời sau mà nói, có thể mãi là một điều bí ẩn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/7/2014
Nguyên tác Trung văn
LÂM TẮC TỪ TỬ NHÂN CHI MÊ
林则徐死因之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật