Dịch thuật: Nhã sự dữ tục sự


雅事与俗事
    山栖是胜事 (1), 稍一萦恋 (2), 则亦市朝 (3); 书画赏鉴是雅事, 稍一贪痴 (4), 则亦商贾 (5); 诗酒是乐事, 稍一曲人 (6), 则亦地狱; 好客是豁大事, 稍一为俗子所挠, 则亦苦海.
                               (小窗幽记)

NHÃ SỰ DỮ TỤC SỰ
          Sơn thê thị thắng sự (1), sảo nhất oanh luyến (2), tắc diệc thị triều (3); thư hoạ thưởng giám thị nhã sự, sảo nhất tham si (4), tắc diệc thương cổ (5); thi tửu thị lạc sự, sảo nhất khúc nhân (6), tắc diệc địa ngục; hiếu khách thị hoác đại sự, sảo nhất vi tục tử sở nhiễu, tắc diệc khổ hải.
                                                                               (Tiểu song u kí)

Chú thích
(1)- Sơn thê 山栖: ẩn cư trong rừng núi.  Thắng sự 胜事: tức diệu sự, hảo sự.
(2)- Oanh luyến 萦恋: lưu luyến không nỡ rời bỏ.
(3)- Thị triều 市朝: chỉ nơi nhiều người tụ tập tranh danh đoạt lợi.
(4)- Tham si 贪痴: tham luyến, si mê.
(5)- Thương cổ 商贾: từ gọi chung thương nhân.
(6)- Khúc nhân 曲人: khuất tùng theo người khác.

Dịch nghĩa
NHÃ SỰ VÀ TỤC SỰ
          Ẩn cư nơi rừng núi là việc hay, nhưng một khi quyến luyến không nỡ xa rời thì khác gì ở chốn thị triều; thưởng thức thư hoạ là việc tao nhã, nhưng một khi tham lam si mê, thì cũng giống người đi buôn; thơ rượu là việc vui, nhưng một khi vì người khác mà ứng thù, thì đó là địa ngục; hiếu khách là việc tốt, nhưng một khi bị hạng phàm phu quấy nhiễu, thì đó là bể khổ.

Phân tích và thưởng thức
          Trong cuộc sống của con người đầy những mâu thuẫn, thái quá cũng như bất cập, vật đi đến chỗ cùng cực sẽ biến đổi. Người ở ẩn chốn núi rừng bản ý là xa lánh nơi ồn ào bụi bặm, nhưng đối với việc ẩn cư trổi dậy lòng tham luyến không nỡ bỏ, thì đó là đã đi ngược với bản ý, hoà nhập với thế tục. Viết chữ vẽ tranh nguyên vốn là một việc tao nhã, nhưng nếu sa vào buôn bán cốt để làm giàu thì đó chẳng khác nào người đi buôn, còn gì tao nhã để mà nói? Uống rượu làm thơ vốn là việc khoái lạc, điều mà gọi là “ca chi vịnh chi, vũ chi đạo chi”, nếu không có hứng, mà chỉ để ứng phó với người thì đó là việc vô cùng đau khổ; giao tiếp bạn bè cũng như thế, người quân tử kết giao với nhau nhạt như nước, nếu khách đến không từ, cứ huyên náo ồn ào thì đó cũng giống như ở vào bể khổ. Cho nên, muôn sự muôn vật đều phải tính đến cái độ, rời xa cái độ tương ứng, thì chỉ gặp những điều trái ngược.
Chú của người dịch
          Tiểu song u kí 小窗幽记 là tác phẩm ghi lại những cách ngôn tu thân xử thế do Trần Kế Nho 陈继儒biên soạn, thể hiện thái độ nhân sinh tích cực của nho gia về việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tác phẩm này xưa nay được xem là giai tác về việc tu dưỡng bản thân.
          Toàn sách được chia làm 12 quyển:
     quyển 1: tập tỉnh 集醒     quyển 2: tập tình 集情     quyển 3: tập tiễu 集峭
     quyển 4: tập linh 集灵     quyển 5: tập tố 集素        quyển 6: tập cảnh 集景
     quyển 7: tập vận 集韵     quyển 8: tập kì 集奇        quyển 9: tập ỷ 集绮
     quyển 10: tập hào 集豪   quyển 11: tập pháp 集法  quyển 12: tập thiến 集倩
          Theo http://www.360doc.com/content
                   http://baike.baidu.com/view/147434.htm
          Tiểu song u kí được dùng ở đây do Lôi Phương 雷芳 chú dịch, Sùng Văn thu cục xuất bản năm 2007, sách này  không chia thành 12 quyển như ở trên.

Trần Kế Nho 陈继儒 (1558 – 1639): văn học gia, thư hoạ gia đời Minh, tự Trọng Thuần 仲醇, hiệu Mi Công 眉公, người Hoa Đình 华亭 Tùng Giang 松江 (nay là Tùng Giang Thượng Hải).
Trần Kế Nho lúc nhỏ đã thông minh, ông học rộng biết nhiều, giỏi cả thơ lẫn văn, về thư pháp theo Tô Thức 苏轼, Mễ Phế 米芾 nổi tiếng một thời. Khoảng những năm hai mươi mấy tuổi, ông tuyệt ý với khoa cử, ẩn cư tại Tiểu Côn sơn 小昆山, sau cất nhà tại Đông Xà 东佘 suốt ngày đóng cửa viết sách. Triều đình nhiều lần cho mời nhưng ông đều lấy cớ bệnh tật từ chối.
Trần Kế Nho cả một đời đọc rất nhiều, trứ thuật cũng đồ sộ phong phú. Tác phẩm của ông có Trần Mi Công toàn tập 陈眉公全集  truyền đời.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 17/6/2014

Nguyên tác
NHÃ SỰ DỮ TỤC SỰ
雅事与俗事
Trong quyển
TIỂU SONG U KÍ
小窗幽记
Tác giả: Trần Kế Nho 陈继儒
Chú dịch: Lôi Phương 雷芳
Sùng Văn thư cục, 2007.
Previous Post Next Post