CHÚC DUNG THẮNG CUNG CÔNG
Thời viễn
cổ, trên mặt đất hoang vu chỉ có rừng rậm, con người ăn sống những cầm thú đánh
bắt được. Lúc bấy giờ, trên núi Côn Luân 昆仑
có cung Quang Minh 光明, trong cung có vị hoả thần tên là Chúc Dung 祝融 cư trú. Chúc Dung rất hiền từ, nhìn thấy con người ăn
sống cầm thú liền truyền lửa xuống, dạy con người cách dùng lửa. Con người lấy
được lửa từ cung Quang Minh đã đem dã thú nướng chín rồi mới ăn, như vậy vừa
ngon vừa không sinh bệnh nên mọi người vô cùng sùng bái hoả thần Chúc Dung.
Sự việc
đó đã chọc giận thuỷ thần Cung Công 共工. Cung Công trú ở biển
đông, tính tình bạo ngược. Cung Công nói rằng:
Người đời thật đáng ghét, nước và lửa đều là
thứ cần trong cuộc sống, thế mà tại sao họ chỉ kính hoả thần mà không kính thuỷ
thần?
Từ chỗ tức
giận chuyển sang đố kị, cuối cùng đánh nhau với hoả thần.
Cung
Công dẫn thuỷ tộc tấn công cung Quang Minh, nơi ở của Chúc Dung, dập tắt hết lửa
thần chung quanh khiến cả mặt đất tối tăm. Hoả thần Chúc Dung tức giận, liền cưỡi
con hoả long ra nghinh chiến. Hoả long toàn thân phát sáng, như ngọn lửa bay
vút lên cao, chiếu sáng mặt đất, lửa thần ở cung Quang Minh cháy trở lại.
Thuỷ thần
Cung Công không thể dập tắt lửa thần vô cùng tức giận liền điều nước ở ngũ hồ tứ
hải tới dâng. Chúc Dung và hoả long tát nước. Nước chảy xuống chỗ thấp, nước vừa
rút, lửa thần lại bùng cháy lên. Chúc Dung cưỡi hoả long bay nhắm đến Cung
Công, hoả long thè chiếc lưỡi lửa dài đốt cháy Cung Công. Cung Công chống không
lại lui về biển lớn. Chúc Dung cưỡi hoả long xông vào biển lớn, Cung Công vội bỏ
chạy đến bên trời, quay đầu lại nhìn, thấy Chúc Dung đã đuổi theo đến nơi, Cung
Công liền húc đầu vào núi Bất Chu 不周, chỉ nghe một tiếng
nổ lớn, núi Bất Chu bị húc đổ. Núi Bất Chu nguyên vốn là cây trụ chống trời,
núi đổ, trời sụp một góc, nước trong thiên hà cuồn cuộn đổ xuống mặt đất, từ
đó, nhân gian có thuỷ tai.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 08/6/2014
Nguyên tác Trung văn
CHÚC DUNG THẮNG CUNG CÔNG
祝融胜共工
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã,
2002.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật