Dịch thuật: Bảo gia an trạch - Môn thần

BẢO GIA AN TRẠCH – MÔN THẦN

          Môn thần 门神 là vị thần linh canh giữ cửa trong tín ngưỡng cộng đồng của Đạo giáo và dân gian, thời cổ mọi người đều dán hình tượng của thần lên cửa để trừ tà đuổi quỷ, canh giữ gia trạch, bảo hộ bình an, trợ công lợi, giáng cát tường, là một trong những thần bảo hộ được mọi người hoan nghinh trong dân gian.
1- Nguồn gốc tín ngưỡng Môn thần
          Môn (cửa) là nơi trọng yếu nhất của phòng ốc, có thần nhân canh giữ mới có cảm giác an toàn. Theo Sơn hải kinh 山海经: trong vùng biển mênh mông có núi Độ Sóc 度朔, trên núi có một cây đào to lớn, cành ngoằn ngoèo vươn dài đến 3000 dặm. Phía đông bắc cành đào có quỷ môn 鬼门 nơi cả vạn con quỷ ra vào, trên cửa có 2 vị thần nhân, một vị tên là Thần Đồ 神荼, một vị tên là Uất Luỹ 郁累 (1), hai vị canh giữ quỷ môn, chuyên giám sát những con quỷ hại người, một khi phát hiện sẽ dùng sợi dây làm bằng lau sậy trói lại, quăng xuống dưới núi cho hổ ăn thịt. Vì vậy Hoàng Đế 黄帝 lấy lễ kính họ, quanh năm thờ phụng, trên cửa vẽ hình Thần Đồ, Uất Luỹ và hổ, đồng thời treo sợi dây làm bằng lau sậy, nếu có quỷ dữ xuất hiện, 2 vị thần sẽ bắt cho hổ ăn. Từ truyền thuyết này có thể thấy ngay từ thời Hoàng Đế đã có tập tục vẽ Môn thần. Trong đó, đào cũng là loại thực vật được mọi người sùng bái. Mọi người cho rằng, đào tượng trưng cho nhiều con nhiều phúc, tượng trưng cho trường thọ, vì thế có thể tránh tai trừ tà xua đuổi ma quỷ yêu quái. Còn hổ là “bách thú chi vương”, có thể bắt quỷ ăn thịt, “cho nên vẽ hổ nơi cửa, quỷ không dám vào”.Tín ngưỡng lưu truyền mãi đến ngày nay, lúc trừ tịch mọi người thường dán hình 2 vị thần và hổ lên cửa, đồng thời treo một cành đào và sợi dây làm bằng lau sậy để xua đuổi quỷ trừ tà. Về sau, tín ngưỡng lấy Thần Đồ, Uất Luỹ, hổ, sợi dây bằng lau sậy, cành đào làm thần đuổi ma quỷ được mọi người truyền lại.
          Trên tấm ván áo quan ở mộ của Tăng Hầu Ất 曾侯乙 giai đoạn đầu thời Chiến Quốc, người ta phát hiện hình quái vật hình người tay cầm song qua, giống Môn thần. Từ đó mà thấy, trong tập tục tang táng cũng xuất hiện hình tượng thần nhân giữ mộ. Môn thần võ sĩ đời sau đều từ hình tượng võ sĩ “mặc giáp trụ, cầm qua, đeo cung mang kiếm” diễn biến phát triển mà ra. Võ tướng Tần Quỳnh 秦琼, Uý Trì Cung 尉迟恭 thời Đường chính là 2 vị võ Môn thần điển hình, đặt nền móng cho việc tạo tượng. Hình tượng Môn thần đời sau không ngừng gia tăng nhân vật, như triều quan, đồng tử, đều có những khí vật ngụ ý cát tường thêm vào trong tranh, dùng phương thức hài âm để biểu đạt ý nguyện cầu phúc nghinh tường.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Trong nguyên tác là chữ  , chữ 累 đọc là "luỹ". Có tư liệu là chữ  /  , chữ  nếu là tên của một vị Môn thần thì đọc là "Uất Luật".

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 09/6/2014

Nguyên tác Trung văn
BẢO GIA AN TRẠCH THIẾP MÔN THẦN
保家安宅贴门神
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post