Dịch thuật: Xa đồng quỹ

XA ĐỒNG QUỸ

          Thời Chiến Quốc chiến tranh liên miên, chư hầu hỗn chiến, thành luỹ nơi quan tái xây cao, lại thêm đường xe chạy của các nước rộng hẹp khác nhau, không lợi cho giao thông đi lại, vì thế sau khi Tần thống nhất đã huỷ bỏ quan tái, lập nên một mạng lưới dịch trạm giao thông khắp nơi trong cả nước. Đây là công trình giao thông trọng đại do Thuỷ Hoàng hạ lệnh xây dựng sau khi triều Tần kiến lập, cũng là mạng lưới giao thông do con người tạo ra được xem là một trong những công trình giao thông trên thế giới đếm trên đầu ngón tay.
          Thuỷ Hoàng vào năm 26 (năm 221 trước công nguyên) vừa mới xưng Đế được ít lâu đã hạ lệnh thực hành “xa đồng quỹ” 车同轨, quy định đường xe chạy và khoảng cách giữa hai bánh xe tiêu chuẩn thống nhất là “dư lục xích” 舆六尺 (xe 6 xích). Năm sau lại hạ lệnh “trị trì đạo” 治驰道 (làm trì đạo). Năm 28 (năm 219 trước công nguyên), Thuỷ Hoàng bắt đầu tuần hành đại quy mô các nơi. Năm 32 (năm 215 trước công nguyên, ông lại hạ lệnh “huỷ bỏ thành quách, khơi thông sông ngòi, san bằng hiểm trở”, tiến một bước quét sạch những chướng ngại về giao thông và thuỷ lợi do con người đặt ra. Cũng trong năm đó, ông hạ lệnh cho đại quân nam chinh khai thông Linh cừ 灵渠, thông đường vận chuyển lương thực, từ đó nối thông hai sông lớn là Châu giang 珠江 và Trường giang 长江. Năm 35 (năm 212 trước công nguyên), để củng cố biên phòng phương bắc, Thuỷ Hoàng lệnh cho Mông Điềm 蒙恬, vị đại tướng đánh đuổi Hung Nô phương bắc, kiến thiết “trực đạo” 直道, công trình mới hai năm rưỡi đã nhanh chóng hoàn thành. Ngoài những “trì đạo”, “trực đạo” ra, trong mấy năm ngắn ngủi sau khi kiến lập vương triều, Thuỷ Hoàng còn kiến thiết “ngũ xích đạo” 五尺道 ở bên cương tây nam và “tân đạo” 新道 ở Hồ Nam 湖南, Giang Tây 江西 và giữa lưỡng Quảng ngày nay, lập nên một mạng lưới giao thông khắp cả nước lấy kinh đô Hàm Dương 咸阳 làm trung tâm.
          “Trì đạo” 驰道 được người đương thời xem là “thiên tử chi đạo” 天子之道, là đường giao thông chính lấy kinh đô Hàm Dương làm trung tâm. Những “trì đạo” này “rộng 50 bộ, cứ 3 trượng là trồng cây, phía ngoài đắp dày, dùng kim chùi để tạo sự ổn định, cây trồng loại thanh tùng”. Chính giữa dành riêng cho thiên tử, lấy hàng cây làm ranh giới, hai bên có thể dành cho người đi lại. Những “trì đạo” này phía đông đến Tề, Yên; phía nam đến Ngô, Sở, rất phong phú và tráng lệ.
          “Trực đạo” 直道, “ngũ xích đạo” 五尺道 cùng “tân đạo” 新道 là những con đường dành cho quân sự và quốc phòng. “Trực đạo” làm ra để bắc phạt Hung Nô, là đường từ kinh đô Hàm Dương kinh qua Thượng quận 上郡, Vân Dương 云阳 đến Cửu Nguyên quận 九原郡 phương bắc là nhanh nhất. Đường lớn này xuyên qua sơn cốc, vượt qua thảo nguyên, tổng chiều dài là “một ngàn tám trăm dặm”.
          “Ngũ xích đạo” là đường thông đến khu vực Vân Nam Quý Châu, liên hệ mật thiết giữa Ba Thục với khu vực tây nam. Đường này tạc đèo vượt núi, di tích đến nay hiện còn, nhân vì rộng khoảng 5 xích nên có tên như thế.
          “Tân đạo” là đường mới mà trong quá trình bình định Bách Việt, Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh xây dựng theo tiêu chuẩn “trì đạo” thông đến Dương Việt 扬越 Nam hải. Việc mở rộng những đường này đã phản ánh năng lực quân sự khai thác biên cương của triều Tần, cũng có giá trị chiến lược quan trọng về kinh tế và giao lưu văn hoá giữa biên cương với nội địa.
          Mạng lưới giao thông to lớn này nếu đơn thuần quy về cho việc tuần hành, dụng binh, rồi chỉ trích đó là lạm dụng vũ lực hoặc xa xỉ thì e là không đủ để giải thích hành vi của đế quốc này. Những “trì đạo” thông Hàm Dương của đế quốc Tần không thể so với những con đường thông La Mã sao? Phàm là đế quốc tất có hiện tượng đường lớn thông các ngã, đó là sản vật tất nhiên của văn minh phát triển đến một trình độ nhất định.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 19/5/2014

Nguyên tác Trung văn
XA ĐỒNG QUỸ
车同轨
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 -
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006
Previous Post Next Post