KHỔNG TỬ VỚI “LUẬN NGỮ”
Luận ngữ 论语 là bộ sách ghi lại những ngôn hành của Khổng Tử 孔子 cùng một số đệ tử của ông. Đây là bộ sách do đệ tử của
Khổng Tử và đệ tử tái truyền biên chép. Toàn sách Luận ngữ có 20 thiên với khoảng 16.000 chữ. Tuy các thiên dài ngắn
khác nhau, nhưng lời ít ý nhiều, nội dung phong phú, đề cập đến các phương diện
như chính trị, triết học, giáo dục, luân lí, văn học, nghệ thuật cùng tu dưỡng
đạo đức, phản ánh tư tưởng và quan điểm của Khổng Tử, là bộ sách tham khảo chủ
yếu để nghiên cứu tư tưởng Khổng Tử. Thời Đông Hán, Luận ngữ được liệt vào một trong “thất kinh” 七经 (“thất kinh” gồm: Thi
诗, Thư 书, Lễ 礼, Dịch 易, Xuân Thu 春秋, Luận ngữ 论语, Hiếu kinh 孝经). Thời Nam Tống,
Chu Hi 朱熹 đem Luận ngữ
hợp với Đại học 大学, Trung Dung 中庸, Mạnh Tử 孟子 gọi là “Tứ thư” 四书,
trở thành kinh điển trọng yếu của Nho gia.
“Bán bộ “Luận ngữ” trị thiên
hạ” 半部 “论语” 治天下 (đọc nửa bộ “Luận ngữ” có thể cai trị thiên hạ) là
câu nói nổi tiếng của chính trị gia Triệu Phổ 赵普
thời Bắc Tống. Câu nói ấy phản ánh tác dụng và ảnh hưởng đối với văn hoá Trung
Quốc của bộ Luận ngữ được xem là nguồn
gốc văn hoá Nho gia trong lịch sử Trung Quốc.
Hạt nhân tư tưởng triết học
của Khổng Tử mà Luận ngữ ghi chép,
tách ra mà nói là “trung thứ” 忠庶, hợp lại mà nói là
“nhân” 仁. Trong sách nói đến “nhân” đến hơn 109 lần. Trong Lễ kí – Trung dung 礼记 - 中庸 có nói:
Nhân giả, nhân dã
仁者, 人也
(Nhân là người)
Từ một
ý nghĩa nào đó mà nói, “nhân” học của Khổng Tử, trên thực tế là một loại nhân học
của chủ nghĩa nhân bản. Nó cường điệu “ái nhân” 爱人
(Nhan Uyên 颜渊), “phiếm ái
chúng” 泛爱众 (Học nhi 学而). Điều này đã
phản ánh sự thức tỉnh ý thức của con người thời kì Xuân Thu. Nói chung, tư tưởng
chính trị của Khổng Tử lúc bấy giờ có khuynh hướng bảo thủ phục cổ, nhưng có điều
thú vị là, tư tưởng “nhân” học từng được các tư tưởng gia của chủ nghĩa khải
mông châu Âu xem là vũ khí có sức mạnh phản đối tôn giáo và thần học trung thế
kỉ, đề xướng lí tính con người và khoa học. Phục Nhĩ Thái 伏尔泰 (Voltaire) trong Triết
học từ điển – Trung Quốc 哲学词典 - 中国 nhiệt tình ca
ngợi Khổng Tử là:
Vị nhân loại yết lộ liễu lí tính chi
quang
为人类揭露了理性之光
(Vạch rõ ánh sáng lí tính cho nhân loại)
Trong Luận ngữ, Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại” 有教无类, như thiên Thuật
nhi 述而 có ghi:
Tử viết: ‘Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô
vị thường vô hối yên’
子曰自行束修以上, 吾未尝无诲燕
(Khổng Tử bảo rằng: ‘Người
nào dâng từ một bó nem trở lên để xin học, ta chưa từng chê ít mà không dạy’)
Việc Khổng Tử tư nhân dạy học,
đã phá bỏ sự lũng đoạn của chủ nô quý tộc đối với giáo dục văn hoá, đem tri thức
văn hoá truyền bá đến bình dân, đã có tác dụng đi trước. Khổng Tử vận dụng
nguyên tắc “nhân tài thi giáo” 因材施教 (theo tài năng của
từng người mà dạy), như trong thiên Tiên
tiến 先进 viết về Tử Lộ 子路, Nhiễm Hữu 冉有 hai người cùng hỏi một vấn đề “văn tư hành chư” 闻斯行诸 (1), giải thích của Khổng Tử rõ ràng không giồng nhau, tuỳ
theo mỗi người mà có sự khác nhau. Khổng Tử vận dụng cách dạy gợi mở, thiên Thuật nhi 述而 ghi rằng:
Tử viết:
Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất
phục dã.
子曰不愤不启, 不悱不发. 举一隅不以三隅反, 则不复也
(Khổng Tử bảo rằng: Người
nào không chịu phát phẫn để tìm hiểu thì ta không gợi mở cho, không biết nói
thành lời thì ta không khai phát cho. Ta đã vén một góc rồi mà không tự mình
tìm ra ba góc kia thì ta không dạy cho nữa)
Khổng Tử nhấn mạnh:
Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri
知之为知之, 不知为不知
(Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết)
phản đối việc không biết giả
vờ biết. Khổng Tử đề xuất:
Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học
tắc đãi
学而不思则罔, 思而不学则殆
(Học mà không chịu suy nghĩ
thì coi như không học, chỉ biết suy nghĩ mà không chịu học thì nguy)
Cần phải học đi học lại và suy nghĩ. Bản thân Khổng Tử
là tấm gương:
Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện
学而不厌诲人不倦
(Học không biết chán, dạy người không biết mỏi)
Nguyên
lí và thực tiễn liên quan đến những phương diện giáo dục này đến nay vẫn còn có
ý nghĩa tích cực quan trọng.
Luận ngữ là mẫu mực của thể tản văn ngữ
lục. Ngôn ngữ của nó tinh luyện hàm súc, ý vị sâu xa, hóm hỉnh thú vị, mang
tính triết lí, có thể gợi mở cho mọi người. Như:
Tam nhân hành, tất hữu ngã sư
三人行, 必有我师
(Trong ba người cùng đi, tất có một người là thầy ta)
Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu
điêu
岁寒然后知松柏之后凋
(Tới mùa đông lạnh mới biết loài tùng loài bách rụng
lá sau cùng)
Nhậm trọng nhi đạo viễn
任重而道远
(Gánh thì nặng mà đường thì xa)
Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ
朝闻道, 夕死可矣
(Sáng sớm nghe được đạo của thánh nhân, chiều có chết
cũng không hối hận)
Phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất
tri lão chi tương chí
发愤忘食, 乐以忘忧, 不知老之将至
(Phát phẫn tìm hiểu đạo lí đến
quên cả ăn, khi tìm được rồi vui mừng đến quên cả lo buồn, không biết rằng cái
già đã đến)
không câu nào là không tinh luyện hàm súc, bao hàm sự
từng trải nhân sinh phong phú và triết
lí sâu sắc, trở thành cách ngôn được truyền tụng muôn đời.
Luận ngữ tuy lấy kí ngôn làm chính,
nhưng cũng tài ở chỗ trong những lời đối thoại ngắn đã miêu hoạ được cử chỉ và
dung mạo của nhân vật, thể hiện được hình tượng nhân vật. “Thị toạ” 侍坐 trong thiên Tiên
tiến 先进, thông qua đoạn đối thoại sinh động giữa thầy và trò, chỉ với ít từ đã
khắc hoạ tài tình sự dẫn dụ khéo léo của Khổng Tử, sự thẳng thắn của Tử Lộ 子路, sự khiêm tốn của Nhiễm Hữu 冉有,
Công Tây Hoa 公西华, sự tự nhiên thoải mái của Tăng Điểm 曾点.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Văn tư
hành chư? 闻斯行诸?:
thiên Tiến tiến 先进có đoạn:
Tử Lộ vấn: “Văn tư hành chư?” Tử viết: “Hữu phụ huynh
tại, như chi hà văn tư hành chi.”
Nhiễm Hữu vấn: “Văn tư hành chư?” Tử viết: “Văn tư
hành chi.”
Công Tây Hoa viết: “Do dã vấn: ‘Văn tư hành chư?’ Tử
viết: ‘Hữu phụ huynh tại.’ Cầu dã vấn: ‘Văn tư hành chư?’ Tử viết: ‘Văn tư hành
chi.’ Xích dã hoặc, cảm vấn.”
Tử viết: “Cầu dã thoái, cố tiến chi; Do dã kiêm nhân,
cố thoái chi.”
子路问: “闻斯行诸?” 子曰: “有父兄在, 如之何其闻斯行之?”
冉有问: “闻斯行诸?” 子曰: “闻斯行之.”
公西华曰: “由也问: ‘闻斯行诸?’ 子曰: “有父兄在.’ 求也问: “闻斯行诸?” 子曰: ‘闻斯行之.’ 赤也惑, 敢问.”
子曰: “求也退, 故进之; 由也兼人, 故退之.”
Tử Lộ hỏi: “Nghe được điều hợp
với đạo lí, nên làm ngay chăng?” Khổng Tử bảo rằng: “Còn cha anh, sao nghe rồi
lại làm ngay được.”
Nhiễm Hữu hỏi: “Nghe được điều
hợp với đạo lí, nên làm ngay chăng?” Khổng Tử bảo rằng: “Nghe rồi nên làm ngay
đi.”
Công Tây Hoa hỏi: “Anh Do hỏi:
‘Nghe được điều hợp với đạo lí, nên làm ngay chăng?’ Thầy bảo: ‘Còn cha anh.’
Anh Cầu hỏi: ‘Nghe được điều hợp với đạo lí, nên làm ngay chăng?’ Thầy bảo:
‘Nghe rồi nên làm ngay đi.’ Xích con chưa hiểu, xin hỏi thầy giảng cho.”
Khổng Tử bảo rằng: “Anh Cầu
không dám tiến, nên ta động viên anh ta tiến lên; còn anh Do hiếu dũng muốn hơn
người, nên ta nhắc anh ta nên lui lại.”
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/5/2014
Nguyên tác Trung văn
KHỔNG TỬ DỮ “LUẬN NGỮ”
孔子与 “论语”
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật