ĐỆ NHẤT TIÊN SƠN
Núi Võ
Đang 武当 ở bờ
nam sông Hán 汉, phía tây nam thành phố Đơn Giang Khẩu 丹江口, tây bắc tỉnh Hồ Bắc 湖北,
từ xưa tới nay được mọi người ca ngợi là “Thiên hạ danh sơn” 天下名山, “Đệ nhất tiên sơn” 第一仙山, đây là thắng địa Đạo giáo và cũng là thắng địa du lịch nổi tiếng của
Trung Quốc.
Nguồn gốc
tên gọi Võ Đang có liên quan với hoạt động Đạo giáo. Thời cổ núi có tên là “Thượng
sơn” 上山, một tên khác là “Thái Hoà sơn” 太和山. Theo Thái Hoà
sơn chí 太和山志, cuối thời Đông Hán, sau khi Đạo giáo sản sinh, núi Võ Đang được tôn
là “Tiên sơn” 仙山, “Đạo sơn” 道山, là nơi phát tích Đạo
giáo kính phụng “Huyền Thiên Chân Võ Đại Đế” 玄天真武大帝 (cũng gọi là “Chân Võ Đế” 真武帝). Theo truyền thuyết,
hai chữ “Võ Đang”, tên của núi lấy từ câu:
Phi chân võ bất túc dĩ đang chi
非真武不足以当之
(Không phải chân võ thì không đủ để đương lại)
cho nên gọi là “Võ Đang”, cũng còn gọi là “Tạ La sơn” 谢罗山. Theo Thuỷ kinh
chú 水经注, khoảng thời Hàm hoà 咸和 đời Tấn (năm 326 –
năm 334), Tạ Duẫn 谢允 người Lịch Dương 历阳
làm huyện lệnh huyện La 罗, sau từ quan ở ẩn tại
núi này nên có tên như thế. Đây cũng là nơi mà Đạo giáo qua các đời tu thân dưỡng
tính, nên cũng gọi là “Tiên thất sơn” 仙室山. Về tên gọi “Thái
Hoà” 太和山, trong Chính
mông – Thái hoà 正蒙 - 太和 giải thích rằng:
“thái hoà” 太和 chính là “Đạo”. Có thể thấy, được xem là một danh sơn
của Đạo giáo, đa số tên gọi khác của núi Võ Đang đều có nguồn gốc từ Đạo giáo
cùng với việc thờ phụng thần tiên, cho nên núi có tên là “Đệ nhất tiên sơn”.
Từ thời
Đường Tống trở về sau, núi Võ Đang trở thành thánh địa của Đạo giáo và là nơi
phát nguyên “Võ Đang quyền thuật”. Đời Đường, núi Võ Đang được liệt vào 72 phúc
địa (1), nổi tiếng khắp thiên hạ. Đời Tống, thư pháp gia Mễ Phế 米芾 từng viết 3 chữ lớn “Đệ nhất sơn” 第一山 tràn đầy bút lực, đến nay vẫn còn ở sườn núi bên cạnh
“Nguyên Hoà quán” 元和观. Đời Minh, địa lí học gia nổi tiếng Từ Hà Khách 徐霞客 càng ca ngợi núi Võ Đang:
Khí thôn Tần Hoá ngân hà cận
Thế áp Mân Nga ngọc luỹ cao
气吞秦华银河近
势压岷峨玉垒高
(Gần cạnh ngân hà, khí nuốt cả Tần lĩnh Hoá sơn
Cao như luỹ ngọc, thế áp đảo Mân sơn Nga sơn)
Cảnh sắc
thiên nhiên của Võ Đang tươi đẹp, kì phong tuấn tú. Thắng cảnh có 72 đỉnh, 36
hang, 24 khe, 11 động, 3 đầm, 9 suối, 10 ao, 9 giếng, 10 thạch, 9 đài. Đặc biệt
là “72 đỉnh” trổ lên từ mặt đất vô cùng hùng vĩ. Trong đó “Thiên trụ phong” 天柱峰 là đỉnh chính, độ cao so với mực nước biển là 1612m,
vươn thẳng trong mây, giống “nhất trụ kình thiên” 一柱擎天 (một trụ chống trời), cho nên có tên như thế. Các đỉnh
khác hơi nghiêng giống như đang chầu về đỉnh chính. Thế núi đặc thù này chính
là kì quan “thất thập nhị phong triều đại đính” 七十二峰朝大顶 nổi tiếng.
Quần thể
kiến trúc ở núi Võ Đang cực kì hùng vĩ tráng quan. Theo Thái Hoà sơn chí 太和山志, Niên hiệu Trinh Quán 贞观
đời Đường Thái Tông (năm 627 – năm 649)
bắt đầu xây dựng Ngũ Long từ 五龙祠. Thời Tống, Nguyên,
các kiến trúc không ngừng tăng thêm. Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ 朱棣 lên ngôi, vào năm Vĩnh Lạc 永乐
thứ 11 (năm 1413) cho điều động dân công cùng thợ hơn 30 vạn người đến xây dựng
công trình kiến trúc nơi này. Trải qua 10 năm, hình thành quần thể kiến trúc
hùng vĩ gồm: 8 cung, 2 quán, 36 am đường, 72 nham miếu, cùng với 39 cầu, 12
đình đài và “Thần đạo” lên núi được lát toàn đá xanh. Diện tích kiến trúc đạt
160 vạn m2, kéo dài hơn 70 cây số. Từ đó, núi Võ Đang trở thành trung tâm Đạo
giáo của nhiều tỉnh chung quanh. Hiện tại về cơ bản giữ được hệ thống kiến trúc
đầu đời Minh, bảo tồn tương đối hoàn chỉnh Kim điện 金殿,
Cổ đồng điện 古铜殿 cùng 6 cung: Tử Tiêu 紫霄,
Nam Nham 南岩, Vu Chân 迂真, Thái Hoà 太和, Ngũ Long 五龙, Ngọc Hư 玉虚; 2 quán: Phục Chân 复真,
Nguyên Hoà 元和; cả Huyền Nhạc môn 玄岳门,
Ma Châm tỉnh 磨针井; phần lớn kiến trúc tại những nơi hiểm trở như: đỉnh
núi, sườn núi, hang động, khe … Ở kiến
trúc cung quán, các vật được đúc bằng đồng, hoặc điêu khắc bằng gỗ, đá đều có
giá trị nghệ thuật tương đối cao. Nhân đó mà được ca tụng là “đồng chú nghệ thuật
bảo khố” 铜铸艺术宝库.
Núi Võ
Đang còn nổi tiếng trong và ngoài nước ở phong cách đặc thù “Võ Đang quyền thuật”
武当拳术. Quyền thuật này do Trương Tam Phong 张三丰 thời Bắc Tống khai sáng khi ông cất lều tranh tu đạo
tại nơi đây, cương nhu kiêm bị, trở thành một lưu phái quyền thuật trọng yếu của
cả nước. Nó cùng võ thuật phái Thiếu Lâm 少林 ở Tung sơn 嵩山 nổi tiếng ngang nhau. Nhiều du khách nước ngoài chưa
biết núi Võ Đang nhưng đã biết trước “Võ Đang quyền thuật”.
Kim điện
金殿 trên đỉnh Thiên trụ phong, đỉnh cao nhất của núi Võ
Đang, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 14 đời Minh (năm
1416), là tinh hoa trong quần thể kiến trúc cổ sơn ở Võ Đang, bề ngang và bề
sâu đều có 3 gian, điện cao 5,5m, rộng 5,8m, sâu 4,2m, toàn bộ đều bằng vàng, cấu
kiện ráp mộng mà thành, là kiến trúc bằng đồng và vàng lớn nhất hiện còn ở
Trung Quốc. Trong Kim điện thờ tượng Chân Võ Tổ Sư Đại Đế 真武祖师大帝 bằng đồng mạ vàng, nặng khoảng 10 tấn, hai bên có tượng
Kim đồng bưng sổ, Ngọc nữ bưng ấn. Thuỷ Hoả hai tướng cầm cờ bưng kiếm, góc cờ
như lay động, bảo kiếm rút khỏi vỏ, thần thái sống động. Nền điện là bệ đá xây
bằng đá hoa cương, chung quanh có lan can chạm khắc, rất trang nghiêm, rực rỡ.
Núi Võ
Đang còn là một “thiên nhiên dược khố” 天然药库 (kho thuốc thiên nhiên). Đại y dược học gia Lí Thời Trân 李时珍 trong Bản thảo
cương mục 本草纲目 ghi chép hơn
1800 loại được vật thì trong đó núi Võ Đang đã có 400 loại. Theo truyền thuyết, năm đó Lí Thời Trân muốn tìm
một loại dược liệu trân quý là “Mạn đà la” 曼陀萝,
từng đi khắp danh sơn đại xuyên nam bắc nhưng đều không tìm được, cuối cùng đã
tìm thấy tại nơi đây.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- 72 phúc địa:
72 phúc địa 福地 của Đạo giáo chỉ 72 ngọn núi nổi tiếng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/5/2014
Nguyên tác Trung văn
ĐỆ NHẤT TIÊN SƠN
第一仙山
Trong quyển
TRUNG QUỐC CHI TỐI
THIÊN VĂN ĐỊA LÍ – SINH VẬT Y HỌC
中国之最
天文地理 - 生物医学
Chủ biên: Lưu Chấn Vũ 刘振宇
Bắc Kinh: Kinh Hoa xuất bản xã, 2007.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật