ĐẠI SƯ HUYỀN TRANG ĐỜI ĐƯỜNG
Nói đến
Đại sư Huyền Trang 玄奘 đời Đường, mọi người tự nhiên nghĩ đến câu chuyện
trong Tây du kí 西游记, Đại sư cùng với
Tôn Ngộ Không 孙悟空, Trư Bát Giới 猪八戒,
Sa Ngộ Tịnh 沙悟净 đến Thiên Trúc 天竺
(Ấn Độ 印度) thỉnh kinh. Đường Huyền Trang là vị Đại sư dịch kinh
và là nhà thám hiểm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, sinh vào năm 600, viên
tịch năm 664. Tác phẩm đồ sộ Đại Đường
Tây vực kí 大唐西域记 của ông là bộ du kí tây hành Ấn Độ. Bộ sách này là tư
liệu quan trọng nghiên cứu về Ấn Độ thời trung cổ, còn Tây du kí mà người Trung Quốc
yêu thích chính là câu chuyện lấy đề tài từ việc du kí tây hành thỉnh kinh.
Thời Đường
Thái Tông 唐太宗, để truy cầu chân nghĩa Phật pháp, giải quyết những
nghi hoặc trong lòng, Đại sư Huyền Trang quyết định một mình đi về phía tây đến
Ấn Độ cầu pháp. Năm 629, Đại sư từ Trường An 长安
xuất phát, đi qua các nước ở Tây vực, trải bao gian nan nguy hiểm, mấy lần định
từ bỏ ý định, nhưng nhờ vào ý chí kiên nghị, sự quyết tâm, cuối cùng vượt qua
được muôn trùng nguy hiểm để đến Ấn Độ, học pháp tại chùa Na Lan Đà 那兰陀, một trọng trấn nghiên cứu Phật giáo lúc bấy giờ.
19 năm lữ
du, với học vấn uyên bác, danh tiếng của Huyền Trang vang khắp Ấn Độ. Năm 645,
Huyền Trang mang mấy trăm bộ kinh điển Phật giáo bằng Phạn văn về Trường An, được
Hoàng đế ban phong là “Tam Tạng Pháp Sư” 三藏法师. Huyền Trang đã cách tân phương pháp phiên dịch. Trong khoảng thời
gian 20 năm, ông chuyên chú vào công việc phiên dịch kinh điển cho đến lúc viên
tịch. Sau khi Huyền Trang viên tịch, Đường Huyền Tông 唐玄宗
truy tặng thuỵ hiệu là “Đại Biến Giác” 大遍觉,
đồng thời cho xây Huyền Trang tháp 玄奘塔 thờ linh cốt. Hiện
nay tại đầm Nhật Nguyệt 日月 ở Đài Loan 台湾 có Huyền Trang xá lợi
tháp 玄奘舍利塔, thờ xá lợi đính cốt 顶骨
của Đại sư.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 12/5/2014
Nguyên tác Trung văn
ĐƯỜNG ĐẠI HUYỀN TRANG ĐẠI SƯ
唐代玄奘大师
Trong quyển
QUÁN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật