ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TỤC NGUYÊN THUỶ
(tiếp theo)
Bất kì
một phong tục nào, một khi đã ước định thành tục, mọi người đều yêu quý nó, bảo
vệ nó giống như sinh mạng của bản thân mình. Người này truyền cho người kia, đời
này truyền cho đời khác, trường kì bảo tồn, tức cụm từ “thường sở hành” 常所行 mà trong sách vở có ghi. Có các phương thức truyền thừa
như: phương thức truyền khẩu, phương thức hành vi. Thần thoại, sáng thế kí, ca
dao mà các tộc lưu hành đều là do người già hoặc vu hích (1) truyền
lại, bụng nhớ miệng truyền. Nhưng phong tục lại không nhất thành bất biến, cũng
sẽ có những phong tục mới được sản sinh. Cho nên phong tục nguyên thuỷ, “kim tục
tập cổ, cổ phong duyên kim” 今俗袭古, 古风沿今 ,
trong cũ có mới, trong mới có cũ. Nhân đó hình thành đặc điểm cổ kim hoà lẫn
vào nhau. Có một số cơ sở kinh tế của phong tục mất đi, nhưng được xem là phong
tục kiến trúc thượng tầng vẫn cứ tồn tại. Lúc ban sơ nhân loại lấy huyết thống
làm đơn vị, lưu hành việc cộng đồng cùng lao động, cộng đồng cùng tiêu phí, về
sau, sau khi thực hành việc săn bắn cá thể, vẫn bảo lưu nguyên tắc phân phối
“kiến giả hữu phần” 见者有份 (người tìm thấy cũng có phần) vật săn được. Cùng dùng
chung thực phẩm dâng cúng trong những lễ tiết cũng là di tồn của phong tục nói
trên. Và như phụ nữ trong xã hội mẫu hệ có uy vọng và quyền lợi tương đối cao,
có thể ngăn chận chiến tranh. Phong tục này mãi được truyền thừa ở một số dân tộc.
Trong Kiềm kí 黔记 quyển thượng có
câu:
Đồng loại tương sát, dĩ phụ nhân khuyến
phương giải
同类相杀, 以妇人劝方解
(Đồng loại tàn sát lẫn nhau, phụ nữ khuyên can mới hoà
giải được)
Những dẫn
chứng này cho thấy rõ phong tục có tính truyền thừa, tương đối bảo thủ, trường
kì bảo lưu, trở thành trụ cột trong cuộc sống xã hội. Cho nên được mọi người
trân trọng.
4- Tính biến dị
Phong tục
nguyên thuỷ tuy tương đối ổn định, nhưng trong quá trình truyền thừa vẫn có sự
biến hoá, phản ánh ở 2 phương diện:
- Phong
tục vốn có trong quá trình truyền thừa bị đào thải, tu sửa, bổ sung. Như “dã hợp”
野合, vốn là một phương thức quần hôn nguyên thuỷ, về sau
biến thành một hoạt động cuồng hoan của nam nữ khác thị tộc trong ngày lễ tiết,
mục đích vẫn là cầu mong sinh dục. Cướp hôn phát sinh ở thời kì manh nha của chế
độ phụ quyền, là một trong những nguồn gốc đơn ngẫu hôn mà con trai thực hiện,
nhưng trong nghi thức hôn lễ ở đời sau, vẫn còn bảo lưu tàn tích các dạng cướp
hôn. Mới chợt nhìn, hình thức có sự thay đổi lớn nhưng chủ đề không thay đổi. - Một phương diện khác, trong điều kiện lịch sử
mới lại sản sinh phong tục mới, đây là theo sự nâng cao sức sản xuất và sự cải
thiện cuộc sống mà phát sinh. Như từ việc săn thú đến bắt thú để nuôi chính là
một sự tiến bộ lớn. Từ “hoả canh” 火耕đến “tỉ canh” 耜耕, “lê canh” 犁耕 (2) là bước
nhảy vọt của phong tục nông canh. Từ du
cư đến định cư, từ ăn sống đến ăn chín đều là phong tục mới thay thế phong tục
cũ. Động lực và nguyên nhân biến đổi của phong tục chủ yếu là sau khi cuộc sống
và sản xuất xã hội phát sinh biến hoá rõ nét, cũng cần phong tục thích ứng với
nó, không phải là sự cải tạo đối với phong tục cũ, di phong dịch tục, mà là
phát minh, mở rộng phát triển một phong tục mới. Đương nhiên, khi các quần thể,
các văn hoá khu vực tiếp xúc với nhau, cũng dẫn đến sự giao lưu phong tục, mặc
dù sự giao lưu này vô cùng gian nan, trở lực trùng trùng, nhưng một số phong tục
tiến bộ cuối cùng vẫn được quần thể khác chấp nhận dùng. Hoàng Tông Hiến 黄宗宪 trong Luận lễ
nghi 论礼仪 có nói:
Dân tục cụ hữu nan dĩ canh dịch hoà khả
dĩ canh dịch đích đặc điểm
民俗具有难以更易和可以更易的特点
(Dân tục có đặc điểm khó thay đổi và cũng có đặc điểm
có thể thay đổi)
Trong
đó khẳng định tính bảo thủ, tính ổn định của phong tục, nhưng cũng chỉ ra tính
khả biến của phong tục. Đặc điểm này ở xã hội nguyên thuỷ cũng không ngoại lệ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Vu hích 巫觋: người nữ làm
nghề đồng bóng gọi là “vu” 巫, người nam làm nghề
đồng bóng gọi là “hích” 觋.
(2)- Hoả canh 火耕: một phương thức
canh tác cổ xưa, dùng lửa đốt cỏ để lấy đất canh tác.
Tỉ canh 耜耕: một phương thức
canh tác. Tỉ 耜 là một loại nông cụ cầm tay dùng để lật đất, xới đất.
Lê canh 犁耕: một phương thức
canh tác. Lê 犁 là cái cày dùng trâu hoặc bò để cày.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
06/5/2014
Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN THUỶ PHONG TỤC ĐÍCH ĐẶC ĐIỂM
原始风俗的特点
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Tác giả: Tống Triệu Lân宋兆麟
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật