Bí ẩn về tung tích hoàng hậu Ý An

BÍ ẨN VỀ TUNG TÍCH HOÀNG HẬU Ý AN

          Hoàng hậu của Minh Hi Tông Chu Do Hiệu 明熹宗朱由校 họ Trương , tên Yên , tự Tổ Nga 祖娥, người Tường Phù 祥符 (nay là Khai Phong 开封Nam 河南). Phụ thân là Trương Quốc Kỉ 张国纪, nhân vì con gái mà được quý hiển, được phong là “Thái Khang Bá” 太康伯. Tháng 4 năm Thiên Khải 天启 nguyên niên (năm 1621), bà được sách phong làm hoàng hậu. Hi Tông tại vị 7 năm, là một ông vua hôn dung vô năng, triều chính bị hoạn quan Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤 cùng nhũ mẫu họ Khách lũng đoạn, vì thế, giới sử học gọi 7 năm Thiên Khải là thời kì hắc ám nhất của triều Minh. Trương hoàng hậu chính trực, thường trước mặt Hi Tông nêu những hành vi xem thường pháp luật của Nguỵ Trung Hiền cùng nhũ mẫu họ Khách. Nhưng trước sau vẫn không thể làm cho Hi Tông cảnh giác. Mãi đến lúc bệnh nguy ngập, Hi Tông mới nghe lời khuyên của hoàng hậu, thấy rõ dã tâm soán quyền của Nguỵ Trung Hiền và Đảng vũ 党羽 của ông ta, đồng ý đem vương vị truyền lại cho Chu Do Kiểm 由检 có niên hiệu là Sùng Trinh 崇祯.
          Sau khi hoàng đế Sùng Trinh kế vị, để củng cố chính quyền, dưới sự giúp đỡ của Trương hoàng hậu, không phụ lòng kì vọng của quần thần, nhanh chóng thanh trừ yêm đảng Nguỵ Trung Hiền cùng đồng bọn. Sùng Trinh cảm kích hoàng hậu nên đã ban cho bà tôn hiệu là “Ý An Hoàng hậu” 懿安皇后, hưởng thụ sự đại ngộ như một hoàng thái hậu.
          Ngày 18 tháng 3 năm Sùng Trinh thứ 17, Lí Tự Thành 李自成 thống lĩnh đội quân nông dân Đại Thuận 大顺 công hãm Bắc Kinh, hoàng đế Sùng Trinh không có đường chạy đã tự ải tại núi Vạn Thọ 万寿  (Môi sơn 煤山) vào ngày 19. Hoàng hậu họ Chu trong cung cũng tự sát, duy chỉ hoàng hậu Ý An không rõ tung tích. Vì thế đã tạo nên những lời đồn, trở thành một nghi án trong lịch sử khoảng thời Minh Thanh.
          Theo sử liệu ghi chép, đại để có 4 thuyết liên quan đến tung tích của hoàng hậu Ý An:
1- Hoàng hậu Ý An tự ải. Theo Minh đại hoàng đế bí sử 明代皇帝秘史 do Lí Trị Sự 李治事 chủ biên:
Sau khi Sùng Trinh đế ra lệnh cho hoàng hậu họ Chu tự ải, Sùng Trinh đích thân đến cung Khôn Ninh 坤宁 để nghiệm thi. Đồng thời ban dải lụa trắng cho Viên quý phi 袁贵妃 cùng các phi tần ở Tây cung, lệnh cho họ “cẩn thủ trinh tiết, bảo toàn tổ chế” 谨守贞节, 保全祖制. Trừ một số phi tần tự tận ra, những người trốn chạy đều bị bắt lại, Sùng Trinh rút kiếm giết từng người một. Sau lại hỏi đến tung tích hoàng hậu Ý An, sai thái giám đưa lụa trắng để tự tận, tận mắt thái giám thấy “Trương hoàng hậu tự tận”.
          Trong Ý An sự lược 懿安事略, Hạ Túc 贺宿 cũng viết rằng:
Sùng Trinh năm Giáp Thân, giặc vào kinh sư, trong cung tình thế như nước sôi. Sau nghe nói tự ải.
          Chúng tôi cho rằng thuyết này đáng tin.
2- Hoàng hậu Ý An được tướng lãnh quân khởi nghĩa nông dân là Lí Nham 李岩 cứu. Theo Bành Tôn Di 彭孙贻 trong Bình khấu chí 平寇志:
 Nguỵ tướng quân Lí Nham vào phủ của Thành Quốc Công 成国公, hoàng hậu Ý An ở trong phủ, nghe tin đế băng, vội tự ải. Nham hỏi qua biết là hoàng hậu nên gọi kiệu lệnh cho lão cung nhân đưa về nhà mẹ đẻ.
Một tư liệu khác cũng chép thuyết này, cũng đáng tin.
3- Hoàng hậu Ý An hoá trang bỏ trốn. Kế  Lục Kì 计六奇 trong Minh quý bắc lược 明季北略 chép rằng:
          Hoàng thượng rời khỏi Nam cung, sai người đến chỗ hoàng hậu Ý An, khuyên hoàng hậu tự tử, chưa đến nơi, hai cung đã tự tận. Cung nhân gào khóc chạy đi, trong cung đại loạn. Hoàng hậu Ý An trùm áo xanh lên đầu chạy bộ đến nhà Chu Thuần Thần 朱纯臣 (Thành Quốc Công 成国公).
          Thuyết này không đáng tin. Theo sự khảo biện các sử liệu liên quan, người trùm áo xanh lên đầu không phải là hoàng hậu Ý An, mà là một cung nhân.
4- Hoàng hậu Ý An ra nghinh đón nghĩa quân. Theo Triệu Sĩ Cẩm 赵士锦 trong Giáp Thân kỉ sự 甲申纪事 nói rằng:
          Tương truyền hoàng hậu Ý An ra nghinh đón đồng thời dâng vàng bạc, về sau không biết tung tích.
          Chúng tôi cho rằng, thuyết này không phù hợp với tính cách của hoàng hậu Ý An, hoàng thành nguy biến đến nơi, hoàng hậu không thể không nghĩ đến giang sơn Đại Minh, bỏ hoàng đế Sùng Trinh mà đi đầu hàng.
          Về nơi an táng hoàng hậu Ý An, trong Trung Quốc hoàng hậu toàn truyện 中国皇后全传 do Xa Cát Tâm 车吉心 chủ biên có chép: Sau khi hoàng hậu Ý An tự ải, “năm Thuận Trị 顺治 nguyên niên (năm 1644), Thanh Thế Tổ Phúc Lâm 福临 lệnh đem di hài Trương hoàng hậu hợp táng tại lăng Hi Tông.”

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 17/5/2014

Nguyên tác Trung văn
Ý AN HOÀNG HẬU HẠ LẠC CHI MÊ
懿安皇后下落之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post